AfCFTA: Những bước đầu khó khăn của một hành trình dài

0
219
Kỳ vọng về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế châu Phi thông qua tăng cường thương mại nội khối sẽ dần trở nên mờ nhạt hơn. (Nguồn: Africanews)

Đánh giá về tiến độ và điều kiện để hiện thực hóa Khu vực Thương mại Tự do châu Phi (AfCFTA) Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho rằng: “Khu vực Thương mại Tự do châu Phi (AfCFTA) sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chơi, cho cả Nam Phi và toàn bộ châu Phi.”

Kỳ vọng về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế châu Phi thông qua tăng cường thương mại nội khối sẽ dần trở nên mờ nhạt hơn. (Nguồn: Africanews)

Trong bài viết “Tương lai của Nam Phi là ở tại châu Phi” đăng trên ewn.co.za Tổng thống Ramaphosa cho rằng, sự hội nhập của châu Phi là vì “lợi ích quốc gia bao trùm và không thể phủ nhận” của Nam Phi, với những cơ hội cho các doanh nghiệp Nam Phi trong giao dịch và đầu tư tại lục địa, trong bối cảnh các nền kinh tế của châu Phi đang phát triển với tốc độ chung nhanh hơn nhiều so với mức tăng trưởng kinh tế của Nam Phi.

Theo Tổng thống Ramaphosa, với nền tảng sản xuất ở trình độ tương đối tiên tiến, cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt, cảng và năng lượng phát triển hiện đại, cũng như thị trường tài chính tiến bộ, Nam Phi có thể tận dụng các cơ hội được khu vực thương mại tự do mang lại.

Bài viết của Tổng thống Ramaphosa được đăng tải trong bối cảnh “đất nước cầu vồng” đang nỗ lực để hàn gắn quan hệ với các quốc gia ở châu Phi khác có công dân bị tấn công trong các vụ bạo lực và bài ngoại xảy ra gần đây. Các vụ tấn công bạo lực của người dân Nam Phi nhằm vào công dân các nước châu Phi khác tại nước này (được cho là xuất phát từ những thất vọng do kinh tế tăng trưởng thấp, cũng như sự quy kết cho rằng người nước ngoài là mối đe dọa đối với việc làm và nguồn lực khan hiếm) đã thu hút sự chú ý lớn của châu lục và thế giới.

Bạo lực nhằm vào người nước ngoài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của Nam Phi tại thời điểm nước này sắp đảm nhận vai trò Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) và gây trở ngại lớn đối với việc thực hiện AfCFTA. Mặc dù đã có hiệu lực pháp lý vào ngày 30/5/2019 sau khi 22 quốc gia thành viên phê chuẩn, AfCFTA sẽ chỉ có hiệu lực thực tế khi tất cả các quy định và cơ chế liên quan được hoàn thiện.

Với tư cách là Chủ tịch AU, Nam Phi có thể đóng vai trò trung tâm trong việc đảm bảo tiến độ thực thi AfCFTA, điều này khiến việc khôi phục hình ảnh của đất nước cầu vồng càng trở nên cấp thiết hơn. Trên thực tế, trừ khi Nam Phi có thể tái thiết lập sự tín nhiệm là một quốc gia sẵn sàng tiếp nhận những người anh em đến từ châu lục, nếu không, kỳ vọng về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế châu Phi thông qua tăng cường thương mại nội khối sẽ dần trở nên mờ nhạt hơn.

Ngoài ra, hoàn thiện các quy định của AfCFTA, thành lập Ban thư ký và chính thức hóa cơ chế giải quyết tranh chấp cũng đóng vai trò rất quan trọng, nhưng vẫn chưa đảm bảo mức độ cần thiết để đạt được mức độ hội nhập được đưa ra tại Hiệp ước Abuja năm 1991. Hiệp ước Abuja (Nam Phi ký kết năm 1997) hiện vẫn là nền tảng cho tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế sâu rộng hơn trên khắp lục địa.

Tận dụng cơ hội nảy sinh từ sự lưu thông tự do hàng hóa và dịch vụ trong phạm vi thị trường với dân số hơn 1 tỷ người và nền kinh tế có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên 2.500 tỷ USD sẽ đòi hỏi nhiều hơn là chỉ một văn bản pháp lý.

Bên cạnh quyết tâm chính trị – nhưng nếu không có quyết tâm này sẽ không có bất kỳ tiến bộ nào, các thành phần quan trọng khác bao gồm cơ sở hạ tầng mang tính kết nối và chuỗi cung ứng hiệu quả, nguồn nhân lực mang tính hỗ trợ và có năng lực cần thiết, cũng như sự sẵn sàng sẽ dần cho phép AfCFTA thay thế mọi thỏa thuận và tổ chức thương mại khu vực khác đang có hiệu lực.

Để đảm bảo tính hiệu lực, các quy tắc của AfCFTA sẽ phải đảm bảo tính tương thích và ưu thế hơn so với những quy tắc của các tổ chức khu vực như Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC) hoặc Cộng đồng Đông Phi (EAC). Ngoài ra, các tranh chấp phải được giải quyết bằng công cụ pháp lý, chứ không phải bằng biện pháp chính trị. Chỉ khi các điều kiện trên được đảm bảo, châu Phi mới có thể được hưởng đầy đủ thành quả kinh tế của hội nhập. Đó là một hành trình dài, nhưng ít nhất những bước đi đầu tiên đang được thực hiện.

Đình Lượng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here