OECD đưa ra đề xuất áp thuế dịch vụ số

0
78
(Reuters)
(Reuters)

Ngày 09/10, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã công bố đề xuất cải cách thuế quốc tế để giải quyết vấn đề gai góc liên quan đến đánh thuế các tập đoàn kỹ thuật số lớn mà cho đến nay đa phần chưa phải chịu thuế. Tài liệu dài khoảng 20 trang đưa ra sau khi được 134 quốc gia thương lượng trong khuôn khổ OECD sẽ được Angel Gurria, Tổng thư ký OECD, trình lên các Bộ trưởng Tài chính G20 thảo luận tại cuộc họp ngày 17/10 tới tại Washington.

 Cách tiếp cận thống nhất

Pascal Saint-Amans, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Chính sách thuế của OECD cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng đề xuất này là cơ sở cho một thỏa thuận chính trị từ năm 2020”. So với các đề xuất trước đây, đề xuất này đã tổng hợp được ba luồng ý kiến chưa thống nhất để giải quyết vấn đề đánh thuế các hoạt động kỹ thuật số, không chỉ của những tập đoàn lớn như Gafa (Google, Amazon, Facebook, Apple) mà của cả các công ty đa quốc gia lớn có các hoạt động kỹ thuật số quan trọng. Bộ trưởng Tài chính Pháp cho rằng Đề xuất này là một cơ sở làm việc triển vọng. Sẽ cần chi tiết hóa các vấn đề kỹ thuật “. Về phần mình, tập đoàn Amazon đã hoan nghênh và cho rằng đây là “một bước tiến quan trọng”, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ công việc của OECD và tham gia đóng góp ý kiến nhằm đi đến một giải pháp chung về việc đánh thuế.

Về chi tiết, đề xuất của OECD xác định các công ty nào sẽ là đối tượng chịu thuế. Đó là tất cả các công ty có doanh thu qua một hoạt động Internet, dù qua việc bán, phân phối sản phẩm của mình hay bán quảng cáo. Pascal Saint-Amans giải thích: “Chúng tôi nhắm đến tất cả các hoạt động từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng (B2C) và một phần hoạt động giữa các doanh nghiệp (B2B)”. Các ngành công nghiệp khai khoáng (công ty khai thác mỏ) không phải đối tượng chịu thuế. Vấn đề còn lại là cần xác định một ngưỡng doanh thu để áp thuế. Có nên đặt ở ngưỡng 750 triệu euro không? Câu hỏi vẫn đang chờ quyết định.

Lợi nhuận được phân bổ lại giữa các nước

Trong bước thứ hai, OECD đề xuất tạo ra một mối quan hệ mới, tức là mối liên hệ giữa một công ty và quốc gia đánh thuế công ty đó. Cho đến nay, mối quan hệ này dựa trên sự hiện diện về mặt vật lý của công ty trên lãnh thổ liên quan. Với internet, tình hình đã thay đổi. Ngay khi một công ty đa quốc gia thực hiện một hoạt động từ xa trên một lãnh thổ, thông qua internet, quốc gia này có thể đánh thuế hoạt động đó.

Khoản tiền nào sẽ bị áp thuế

Vấn đề còn lại là cần xác định khoản lợi nhuận nào sẽ bị áp thuế. Quốc gia nơi công ty hiện diện về mặt vật lý không thể đánh thuế đối với toàn bộ lợi nhuận do công ty này tạo ra mà chỉ được đánh thuế một phần, phần còn lại sẽ do quốc gia nơi lợi nhuận được thực hiện áp thuế, qua đó nhằm tránh hiện tượng đánh thuế hai lần.

Vì mục đích đó, OECD đề xuất tách lợi nhuận thông thường được tạo ra bởi các hoạt động truyền thống của các công ty (như sản xuất, phân phối, nghiên cứu và phát triển…) ra khỏi các lợi nhuận đáng kể thu được từ nhượng quyền hay thương hiệu… Vấn đề là phải xác định tỷ lệ phần trăm chia tách như thế nào. Các cuộc thảo luận hứa hẹn sẽ khó khăn.

Thỏa thuận chính trị vào năm 2020

Đối với OECD, cải cách này giúp tất cả các quốc gia thu được thêm thuế, trừ những thiên đường thuế. Hiện tại, các công việc đang tiếp tục được triển khai cho đến khi đạt được một thỏa thuận chính trị. Thời hạn tháng 01/2020 có vẻ như quá kỳ vọng. Tại OECD, người ta nhắc đến thời hạn tháng 6/2020. Điều này sẽ làm chậm tất cả các quyết định của Pháp và Mỹ. Hai nước đã cam kết thực hiện thỏa thuận chính trị ngay khi thỏa thuận được ký, không cần chờ sự phê chuẩn của 130 quốc gia. Đây là cam kết hai nước đã đưa ra để dập tắt tranh luận liên quan đến việc Pháp đánh thuế Gafa.

(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here