Kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực Kansai – Triển vọng hợp tác với Việt Nam

0
74

1. Kinh nghiệm và triển vọng hợp tác
Khu vực Kansai có diện tích 35.005 km2 (chiếm 8,3% diện tích toàn nước Nhật), là trung tâm kinh tế, tài chính và khoa học công nghệ lớn thứ hai của Nhật Bản sau Tokyo. Khu vực Kansai gồm 8 tỉnh là Osaka, Hyogo, Shiga, Kyoto, Nara, Wakayama, Mie, Fukui. Osaka là trung tâm giao lưu của vùng, nằm trên trục giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy quan trọng nối liền các tỉnh phía Bắc và phía Nam Nhật Bản. Osaka là một trong những cửa ngõ giao lưu quốc tế quan trọng của Nhật Bản, có 3 cảng biển quốc tế là Osaka, Sakai Izumi-Kita và Hannan, ngoài ra còn có 6 cảng nội địa khác; các cảng hàng không quan trọng là sân bay quốc tế Kansai và sân bay Osaka (Itami), hàng năm vận chuyển khoảng 35 triệu lượt khách.
Khu vực Kansai và Osaka tập trung nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn của Nhật Bản, như luyện thép, cơ khí chế tạo, đóng tàu, sản xuất ô tô, hóa chất và công nghiệp điện tử. Những năm gần đây, Osaka phát triển mạnh các ngành công nghệ cao như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, nước và môi trường; các ngành nông lâm ngư nghiệp; các ngành dịch vụ tài chính, vận tải, du lịch cũng rất phát triển. Trong cơ cấu kinh tế của Osaka, dịch vụ chiếm gần 80%, các ngành sản xuất công nghiệp chiếm hơn 20%, các ngành sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 0,1%.
Hiện nay, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chiếm hơn 80% tổng số doanh nghiệp vùng Kansai. Cả nước Nhật Bản có khoảng 3.800.000 doanh nghiệp SME, trong đó khu vực Kansai chiếm 20-30%, chủ yếu trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với chính sách tranh thủ cơ hội đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế như G20 tháng 6/2019, World Master Games 2021, Hội chợ Quốc tế World EXPO 2025…, chính quyền khu vực Kansai đẩy mạnh ba trụ cột mới là “Du lịch – Văn hóa – Thể thao” tạo động lực cho xu hướng đầu tư vào lĩnh vực nhà hàng, dịch vụ ngày càng gia tăng.
1.1 Cách thức quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của khu vực Kansai: Khu vực Kansai có các cơ chế vừa Nhà nước vừa tư nhân, Hiệp hội để quản lý và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cấp chính phủ có METI Kansai (hoạch định chính sách), Cơ quan hỗ trợ triển khai kinh doanh ngoài nước SMRJ (đơn vị thực thi), JETRO Osaka, JICA.
Cấp địa phương, hiệp hội có các Phòng Thương mại Công nghiệp. Ngoài ra, mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc đều có các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra có các tổ chức hỗ trợ đào tạo cung cấp nguồn nhân lực quốc tế như PREX, GRIPS…
Các hình thức triển khai: rất đa dạng, từ cung cấp thông tin đến các hoạt động xúc tiến, giao lưu, kết nối như trao đổi, tư vấn chính sách miễn phí, hỗ trợ tư vấn luật kinh doanh nước ngoài, hỗ trợ tư vấn luật về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế; tổ chức hội thảo chuyên đề (đào tạo nguồn nhân lực quốc tế, chính sách thương mại quốc tế…), các hoạt động nghiên cứu, trao đổi thông tin; mở ra các cơ hội giao thương, hỗ trợ triển khai thương mại điện tử (J-Good Tech, SWBS…).
Phạm vi hoạt động của các cơ quan hỗ trợ xúc tiến ĐTNN: Hỗ trợ tất cả các khâu từ ý tưởng, chuẩn bị nội bộ (thu thập thông tin, nghiên cứu thị trường), thăm dò thị trường nước ngoài (tham gia các buổi kết nối giao thương, triển lãm, business matching), mở rộng đầu tư, đặt văn phòng, nhà máy tại nước ngoài. Các đơn vị này hoạt động với cơ chế hành chính độc lập, không thu phí.
1.2. Triển vọng hợp tác đầu tư – thương mại giữa khu vực Kansai với các địa phương Việt Nam
Quan hệ hợp tác giữa các địa phương Nhật Bản nói chung và khu vực Kansai nói riêng với Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Đầu tư của khu vực Kansai vào Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam. Quan hệ thương mại Việt Nam – Kansai tăng trưởng khá những năm gần đây. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2017 đạt 9,47 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu đạt 5,2 tỷ USD và nhập khẩu đạt 4,25 tỷ USD.
Trao đổi đoàn cấp Lãnh đạo các địa phương Việt Nam sang khu vực Osaka, Kansai ngày càng tăng. Nhiều thỏa thuận hợp tác cấp địa phương đã được ký kết giữa các địa phương vùng Kansai với các địa phương của ta như TP. Hồ Chí Minh – Osaka, Tỉnh Phú Thọ – Tỉnh Nara, Tỉnh Long An – Tỉnh Hyogo, Tỉnh Kyoto – Tỉnh Thừa Thiên Huế, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – TP. Izumiotsu, TP. Hồ Chí Minh với Tỉnh Shiga, Tỉnh Quảng Ninh – TP. Sakai, TP. Đà Nẵng với TP. Sakai.
Nhiều Bản ghi nhớ hợp tác được ký kết như “Bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và khu vực Kansai” được ký kết giữa Cục Kinh tế Công nghiệp Kansai với Bộ Công Thương năm 2012; “Bản ghi nhớ hợp tác kinh tế” được ký kết giữa Cục Kinh tế Công nghiệp Kansai với Tỉnh Đồng Nai năm 2013; “Bản ghi nhớ hợp tác kinh tế” được ký kết giữa Cục Kinh tế Công nghiệp Kansai với TP. Hồ Chí Minh năm 2014, giữa Bộ Kế hoạch Đầu tư với Tỉnh Toyama năm 2016, MOU ký kết giữa Bộ Công Thương với Tỉnh Wakayama tháng 10/2018… Các hoạt động giao lưu kinh tế, kết nối giao thương cũng được triển khai mạnh, mang lại những kết quả cụ thể, thực chất.
2. Xu hướng, đặc điểm đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực Kansai
2.1 Đặc điểm đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực Kansai
Tính đến cuối năm 2017, đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản khoảng 1.500 tỷ USD, tăng gấp 2 lần so với năm 2012, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực bán lẻ tại nước ngoài, M&A mua bán sáp nhập doanh nghiệp trong các lĩnh vực có sự cạnh tranh toàn cầu như viễn thông, tài chính.
Từ năm 2017, Nhật Bản xuất hiện trào lưu đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khu vực Kansai là một ví dụ điển hình cho xu hướng này. Lĩnh vực đầu tư không chỉ là những ngành truyền thống như công nghiệp chế tạo, sản xuất linh phu kiện, nông nghiệp, chế biến thủy hải sản… mà cả ở dịch vụ, bán lẻ, tài chính, đầu tư gián tiếp. Khu vực Kansai đẩy mạnh chính sách “Hướng về Châu Á”, khuyến khích sáng tạo (innovation), coi trọng phát triển các ngành ứng dụng công nghệ cao (trong nông nghiệp, y tế), start-up…
2.2 Tình hình đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực Kansai
Đầu tư của khu vực Kansai vào Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam. Tính đến hết tháng 11 năm 2018, vốn đầu tư đăng ký của các nhà đầu tư khu vực Vùng Kansai trong năm 2018 khoảng 730 triệu USD trong tổng số vốn đăng ký 6 tỷ USD của các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam. Hiện tại có khoảng 213 doanh nghiệp vùng Kansai đầu tư tại Việt Nam, chủ yếu là doanh nghiệp từ các tỉnh Osaka, Kyoto và Hyogo, tiêu biểu là Panasonic, Daikin, Sumitomo Denko, Sumitomo Shoji, RENGO…
Về lĩnh vực và ngành nghề đầu tư, các dự án FDI của khu vực Kansai vào Việt Nam hiện nay chủ yếu trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, chế biến, chế tạo, dịch vụ hỗ trợ, xây dựng, cấp nước, xử lý chất thải, thông tin truyền thông, ngân hàng, tài chính, công nghệ cao… Về hình thức đầu tư, chủ yếu là 100% vốn nước ngoài, số ít là liên doanh. Địa bàn đầu tư chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn, như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, , Đà Nẵng, Huế và một số tỉnh lân cận thành phố lớn như Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên Hà Nam…
2.3 Một số hạn chế
– Về phía Nhật Bản, do nhu cầu lớn về tái thiết và chính sách phát triển mới, Chính phủ Abe kêu gọi các doanh nghiệp Nhật đẩy mạnh đầu tư kinh doanh ở trong nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết việc làm. Theo đó, Chính phủ Nhật đã chủ động dùng các biện pháp nới lỏng tiền tệ, giảm giá đồng Yên. Điều này lại gây khó khăn cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài khi chi phí vốn tăng lên nên nhiều nhà đầu tư Nhật có tâm lý chờ đợi tỷ giá cải thiện.
– Lượng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản đã chạm đáy vì lợi nhuận thị trường của các nước nhận đầu tư đang ngày càng khó khăn do gặp phải cạnh tranh từ các nhà đầu tư khác trong đó có Hàn Quốc, EU, Mỹ. Hiện các doanh nghiệp Nhật Bản đang chuyển hướng tăng cường đầu tư vào Cam-pu-chia, Myanmar ở các lĩnh vực khai khoáng, dịch vụ bán lẻ… vì đây là thị trường có mức sinh lợi cao hơn.
– Về phía Việt Nam, môi trường kinh doanh còn nhiều điểm bất cập như các chính sách thiếu tình đồng bộ, thủ tục hành chính còn rườm rà, chi phí thuế cao, còn tồn tại tham nhũng tại các dự án đầu tư có liên quan đến ODA và tác động của các chính sách tăng lương, cải cách luật pháp … Theo báo cáo điều tra của JETRO, có tới 60% các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam cho rằng, chi phí lao động tăng nhanh, thủ tục hành chính phức tạp, chính sách thiếu minh bạch… đang ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư kinh doanh của họ tại Việt Nam.
– Ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chưa phát triển, làm cho tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam thấp hơn so với các nước khác trong khu vực. Theo kết quả điều tra về các doanh nghiệp Nhật Bản, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam mới đạt 32,2%, thấp hơn rất nhiều mức 64% tại Trung Quốc, 53% tại Thái Lan, 42% tại Malaysia và 41% tại Indonesia… Theo báo cáo mới cập nhật của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) thì chỉ có 36% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới phát triển toàn cầu, thấp so với gần 60% ở Malaysia và Thái Lan. Chi phí nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu vào Việt Nam ước tính lên đến 90% giá trị xuất khẩu các sản phẩm chế tác của Việt Nam ra nước ngoài.
3. Kiến nghị chính sách đối với Việt Nam
– Việt Nam cần khắc phục những tồn tại, yếu kém liên quan đến môi trường đầu tư (cải thiện cơ sở hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục đầu tư…), công nghiệp phụ trợ, trình độ lao động (năng suất, kỹ năng) để nâng cao hiệu quả thu hút FDI từ Nhật Bản nói chung và khu vực Kansai nói riêng.
– Trong thời gian tới, xu hướng các nhà đầu tư Nhật Bản tại khu vực Kansai sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào ngành y tế, dược phẩm, hóa chất, sản xuất thép và kim loại, máy móc và thiết bị điện tử, bán lẻ, tài chính, bảo hiểm, bất động sản và dịch vụ. Việt Nam cần nắm bắt xu hướng này để khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Khai thác thế mạnh truyền thống của Kansai là cơ khí chế tạo, các ngành công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao để đẩy ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, khuyến khích họ đầu tư sản xuất, chuyển giao công nghệ./.

Phương Thúy

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here