Nhật Bản tính toán gì khi quyết định tăng thuế tiêu dùng

0
175
Việc tăng thuế có thể dẫn tới rủi ro là người dân cắt giảm chi tiêu và suy thoái kinh tế. (Nguồn: AP)
Việc tăng thuế có thể dẫn tới rủi ro là người dân cắt giảm chi tiêu và suy thoái kinh tế. (Nguồn: AP)

Theo AFP, kể từ ngày 1/10, Nhật Bản bắt đầu tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10%. Động thái này đã nhiều lần bị trì hoãn, nhưng cuối cùng vẫn được thực hiện bất chấp những quan ngại về nguy cơ dẫn đến suy thoái kinh tế.

Những lo lắng đã giảm đi phần nào trong những tháng gần đây và Chính phủ Nhật Bản khẳng định việc tăng thuế là cần thiết để tăng thu ngân sách nhằm tài trợ cho các chính sách chủ chốt.

Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã hai lần trì hoãn quyết định này vì lo ngại đợt tăng thuế có thể làm suy yếu tốc độ tăng trưởng kinh tế mong manh của đất nước. Tăng trưởng GDP đã điều chỉnh của quý II/2019 đạt 0,3%, thấp hơn so với con số 0,5% của quý trước đó, chủ yếu do lĩnh vực xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm chạp. Việc tăng thuế có thể dẫn tới rủi ro là người dân cắt giảm chi tiêu và cả hai đợt tăng thuế tiêu dùng gần đây nhất, từ 3% lên 5% năm 1997 và lên 8% vào năm 2014, đã đẩy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này vào suy thoái.

Nhà kinh tế Martin Schulz tại Viện nghiên cứu Fujitsu cho biết, tiền lương ở Nhật Bản đã không tăng trong vòng 20 năm qua. Điều đó có nghĩa là việc tăng thuế tiêu dùng sẽ trực tiếp làm giảm sức mua. Người tiêu dùng Nhật Bản đã phải đối mặt với cú sốc về giá liên quan đến hàng loạt loại thuế gián tiếp bổ sung, trong đó có thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu.

Nhật Bản là một trong những nước có thuế VAT thuộc hàng thấp nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tỷ lệ trung bình của nhóm này năm 2018 là 19,3%. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng là nước có nợ quốc gia cao nhất trong số các quốc gia phát triển trên thế giới, chiếm tới 226% GDP. Chính quyền Tokyo cũng “đau đầu” với chi phí ngày càng phình to do tình trạng lão hóa dân số.

Nhật Bản đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để giảm bớt tác động tiêu cực của đợt tăng thuế này đối với người tiêu dùng và các nhà bán lẻ, bao gồm một gói tài trợ nhằm khuyến khích mua nhà và ô tô, hỗ trợ các hộ gia đình có thu nhập thấp và những người có con nhỏ. Chính phủ nước này cũng có kế hoạch sử dụng nguồn ngân sách gia tăng nhờ tăng thuế tiêu dùng để cải thiện hệ thống an sinh xã hội, cũng như cung cấp giáo dục mầm non miễn phí cho trẻ từ 3 tuổi.

Bên cạnh việc một số khách hàng quyết định mạnh tay mua sắm các sản phẩm đắt tiền trước khi mức thuế mới có hiệu lực, các chuyên gia nói rằng các chỉ dấu cho thấy phần lớn người tiêu dùng đơn giản là chấp nhận việc tăng thuế này hoặc không có khả năng điều chỉnh chi tiêu của họ. Shahana Mukherjee, nhà kinh tế thuộc Moody’s, nhận định rằng người tiêu dùng đã chuẩn bị tâm lý về việc tăng thuế và kế hoạch chi tiêu ít có khả năng bị thay đổi đáng kể.

Đi kèm với đợt tăng thuế mới, các nhà bán lẻ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt tiền mặt, áp dụng các mức thuế khác nhau và một hệ thống hoàn điểm phức tạp. Trong nỗ lực giảm bớt tác động của việc tăng giá hàng hóa đối với người tiêu dùng, Chính phủ Nhật Bản đã đồng ý áp dụng miễn trừ đối với một số thực phẩm nhất định, trừ khi khách hàng ăn tại chỗ. Cụ thể, nếu khách hàng mua đồ ăn từ các cửa hàng thức ăn nhanh, tiệm bánh, tại các cửa hàng tiện lợi phổ biến ở Nhật Bản, và ăn tại đó thì các mặt hàng này chịu thuế 10%, còn nếu mang đi thì mức thuế là 8%.

Bên cạnh đó, việc tăng thuế tiêu dùng được Chính phủ Nhật Bản coi đây là cơ hội tốt để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, bởi vì đó là nền tảng cho sự phát triển của các công cụ tài chính hiện đại cần thiết cho Nhật Bản để thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 liên quan tới trí tuệ nhân tạo, robot… Ngoài ra, còn một số lý do thực tế khác như có thể theo dõi dòng tiền một cách hiệu quả hơn.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã thông qua chiến dịch kéo dài 9 tháng về việc hoàn tiền cho người tiêu dùng dưới dạng điểm, nếu họ sử dụng một trong 40 hệ thống thanh toán điện tử đã được chấp thuận để mua hàng tại một trong gần 500.000 cửa hàng đã được lựa chọn. Người tiêu dùng có thể nhận số tiền 2% hoặc 5% trong tổng số tiền chi tiêu tùy thuộc vào địa điểm họ mua hàng thông qua ứng dụng tiền điện tử mà họ sử dụng khi mua sắm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc trợ cấp để hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt ở Nhật Bản.

Đây là cú hích lớn cho ngành thanh toán điện tử, nhưng chưa rõ ai sẽ là người thắng cuộc. Nhiều công ty tài chính công nghệ và ngân hàng đang rất tích cực trong việc thúc đẩy các ứng dụng thanh toán tiền điện tử thông qua việc cung cấp thêm các lợi ích như điểm trung thành hay chiết khấu khi sử dụng cho các giao dịch trên trang thương mại điện tử của họ. Tuy nhiên, người tiêu dùng có vẻ vẫn thờ ơ với dịch vụ này.

Mặt khác, việc xây dựng các hệ thống thanh toán tiền điện tử không phải không có khó khăn. 7Pay, một dịch vụ thanh toán của tập đoàn Seven & i Holdings, công ty mẹ đang điều hành chuỗi cửa hàng tiện ích Seven-Eleven ở Nhật Bản, đã phải hứng chịu cuộc tấn công nghiêm trọng ngay sau khi ra mắt hồi tháng 7/2019 và công ty đã buộc phải dừng dịch vụ này. Cùng với Seven & i Holdings, Mizuho đã phát hiện hệ thống thanh toán thử nghiệm J-Coin Pay bị xâm nhập vào ngày 27/8 ảnh hưởng tới số liệu của hàng ngàn người dùng và các cửa hàng tham gia.

Mai Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here