Mỹ-Nhật ký Tuyên bố chung về Hiệp định thương mại

0
146
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

Ngày 25/9/2019 tại New York, Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Shizo Abe đã ký Tuyên bố chung về Hiệp định thương mại Mỹ -Nhật bên lề cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Trước đó, từ tháng 9/2018, dưới sức ép của Mỹ, Nhật đã đồng ý ra tuyên bố chung tiến hành đàm phán thương mại Mỹ-Nhật. Vòng đàm phán đầu tiên diễn ra vào tháng 4/2019 tại Washington. Sau 4 vòng đàm phán,  đến tháng 8/2019, Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe tuyên bố đã đạt được “các nguyên tắc cốt lõi” bao gồm các điều khoản lien quan đến tiếp cận thị trường nông sản, giảm thuế quan một số sản phẩm công nghiệp và các quy tắc về thương mại kỹ thuật số.

Đến ngày 25/9/2019, bên lề cuộc họp của Đại Hội đồng Liên hiệp quốc, Lãnh đạo hai nước đã ký Tuyên bố chung khẳng định hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Mỹ-Nhật và Hiệp định Thương mại số Mỹ-Nhật. Hai bên bày tỏ mong muốn sẽ sớm ký và triển khai các hiệp định này sau khi hoàn tất các thủ tục nội bộ; nhất trí sẽ hoàn tất tham vấn trong vòng 4 tháng kể từ khi Hiệp định Thương mại Mỹ-Nhật có hiệu lực để tiếp tục đàm phán về các vấn đề thuế, hải quan và hạn chế về thương mại hàng hóa, các rào cản về thương mại dịch vụ và đầu tư.

Theo các chuyên gia pháp lý Mỹ, do các mức cắt giảm thuế quan của Mỹ trong Hiệp định này khá hạn chế và không đòi hỏi phải có thay đổi về luật pháp, nên Tổng thống Trump không cần quốc hội Mỹ phê duyệt hiệp định. Về phía Nhật Bản, chính quyền Abe sẽ phải trình hai viện Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10/2019. Dự kiến sau đó, các hiệp định này sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2020.

Về nội dung, Hiệp định này có nội dung tương đối hẹp (báo chí sở tại gọi đây là Hiệp định hạn chế – Limited Trade Pack) tập trung tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho một số sản phẩm nông nghiệp và hàng hóa công nghiệp; gồm các điểm chính sau: (i) Liên quan đến tiếp cận thị trường nông nghiệp: Nhật Bản sẽ từng bước cắt giảm thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ với tổng giá trị khoảng 7 tỷ USD (chiếm 50% kim ngạch hàng nông nghiệp Mỹ xuất sang Nhật), bao gồm thịt bò, thịt lợn, lúa mì, các sản phẩm từ sữa, rượu vang và ethanol. Riêng mặt hàng thịt bò, Nhật giảm thuế nhập khẩu từ 38,5% xuống còn 9% trong vòng 16 năm. Đối với thịt lợn, Nhật đồng ý loại bỏ hoàn toàn thuế sau 16 năm (tương tự như trong cam kết TPP trước đây).(ii) Liên quan đến các hàng hóa công nghiệp, Mỹ sẽ giảm hoặc loại bỏ thuế đối với một số mặt hàng công nghiệp từ Nhật Bản như công cụ máy móc, tua bin hơi nước, xe đạp. Tuy nhiên, Mỹ không giảm thuế đối với ô tô và phụ tùng ô tô.

Liên quan đến Hiệp định Thương mại kỹ thuật số Mỹ-Nhật, dựa trên Tuyên bố Osaka về kinh tế số tại Hội nghị thượng đỉnh G20, hai bên nhất trí một thỏa thuận riêng về e-commerce và các lĩnh vực khác của thương mại số, có giá trị khoảng 40 tỷ USD với các nội dung chính sau: (i) Cấm áp thuế đối với các sản phẩm kỹ thuật số được truyền dưới dạng điện tử như video, âm nhạc, sách điện tử, phần mềm và trò chơi. (ii) Đảm bảo đối xử không phân biệt đối với các sản phẩm kỹ thuật số. (iii)Đảm bảo không có rào cản trong việc chuyển dữ liệu xuyên biên giới trong tất cả các lĩnh vực. (iv) Cấm các yêu cầu nội địa hóa dữ liệu, bao gồm đối với cả các nhà cung cấp dịch vụ tài chính. Cấm truy cập tùy ý vào mã nguồn và thuật toán máy tính. (v) Đảm bảo các công ty linh hoạt sử dụng công nghệ mã hóa sáng tạo trong các sản phẩm của họ.

(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here