Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc: “Trong cái rủi có cái may”

0
99

Ngày 01/09/2019, Mỹ và Trung Quốc bắt đầu áp thuế mới lên hàng hoá của nhau. Cụ thể, Mỹ áp mức thuế 15% lên hàng hoá Trung Quốc; và Trung Quốc cũng bắt đầu áp thuế 5-10% lên sản phẩm dầu thô của Mỹ. Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 2/9 đã đưa đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) do Mỹ tiến hành áp thuế mới lên hàng hoá Trung Quốc và tuyên bố sẽ bảo vệ các quyền pháp lý phù hợp với quy định của WTO của Trung Quốc. Về phía Mỹ, nước này cho rằng đây là hành động trừng phạt Trung Quốc bởi Trung Quốc đã tiến hành đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ – một hành động được phía Mỹ cho là không nằm trong các quy định của WTO. Nhiều chuyên gia cho rằng, quyết định của Trung Quốc về việc đánh thuế lên hàng hoá của Mỹ là không phù hợp; đồng thời cũng chỉ trích Trung Quốc đơn phương áp dụng các chính sách công nghiệp để đánh cắp hoặc ép các đối tác thương mại chuyển giao công nghệ. Các chuyên gia này cũng cho rằng, hành động của Mỹ “được miễn trừ” khỏi các quy định của WTO vì đây là “biện pháp cấn thiết để bảo vệ đạo lý”.

Trong khi đó, Tổng thống Trump ca ngợi các biện pháp thuế quan là phương tiện buộc các công ty Mỹ phải chuyển các cơ sở sản xuất về Mỹ. Tuy nhiên, việc tăng thuế lên các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tác động đến kinh tế Mỹ: giá các mặt hàng tiêu dùng  ngày càng gia tăng; các công ty, doanh nghiệp nhỏ của Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc buộc phải giảm quy mô hoạt động. Cùng lúc đó, các công ty này cũng phải tiến hành thăm dò tìm kiếm các nhà sản xuất khác ở khu vực Đông Nam Á.

Shang Jin Wei, cựu kinh tế trưởng của ADB, hiện là giáo sư kinh tế và tài chính tại Đại học British Columbia, và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Úc (Australian Nation University) cho rằng, có những quan ngại về khả năng kinh tế Mỹ suy thoái vào cuối năm nay hoặc năm 2020. Dựa vào lịch sử kinh tế, bất cứ khi nào nào kinh tế Mỹ suy giảm hoặc suy thoái đều sẽ tác động tiêu cực đến các nền kinh tế có tỉ lệ thương mại/GDP lớn như Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ cũng có xu hướng hợp tác với Trung Quốc để tìm cách kích thích, phục hồi nền kinh tế. Trong giai đoạn 2008-2010, khi nền kinh tế Mỹ lâm vào khủng hoảng kinh tế, chỉ có nền kinh tế Trung Quốc mới có đủ năng lực để kích cầu trên phạm vi toàn thế giới; và cũng nhờ đó, Mỹ tán thành với việc Trung Quốc có nhiều tiếng nói hơn trong các thể chế quốc tế như IMF và nhóm G20. Vì thế, một câu hỏi lớn có thể được đặt ra: Trong trường hợp nền kinh tế Mỹ suy thoái vào cuối năm nay, cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay có chấm dứt hay không?

Giáo sư Shang JinWei cho rằng, lý do ông Trump khởi xướng cuộc Chiến tranh Thương mại là do nền kinh tế Mỹ tương đối nóng do các các chính sách giảm thuế cuối năm 2017. Ông cũng cho rằng lập trường của ông Trump đối với Trung Quốc sẽ mềm mỏng hơn nếu kinh tế Mỹ suy thoái. Tuy nhiên, có hai yếu tố dưới đây có thể làm thay đổi khả năng này:

Thứ nhất, Trung Quốc không đủ tiềm lực hoặc không muốn tiến hành các gói kích cầu kinh tế. Hiện nay, tỉ lệ nợ/GDP của Trung Quốc cao hơn 10 năm trước. Nếu Trung Quốc tiến hành các giải pháp như 10 năm trước bằng việc tung ra các gói kích cầu ồ ạt có thể hạn chế năng lực của Trung Quốc trong việc thực hiện chính sách tài khoá mở rộng. Tuy nhiên, tỉ lệ nợ/GDP của Trung Quốc vẫn thấp hơn các nền kinh tế lớn khác, nên Trung Quốc vẫn còn nhiều tiềm lực để tiến hành các biện pháp kinh tế trong trường hợp khẩn cấp.

Thứ hai, năm 2017 khi Mỹ tiến hành những chính sách giảm thuế, làm tăng thâm hụt thương mại với Trung Quốc và khiến cho tình trạng tiết kiệm chính phủ của Mỹ thêm tồi tệ. Năm nay, tổng thâm hụt của Mỹ sẽ lớn hơn năm 2017 và 2018 – nghĩa là thâm hụt thương mại của Mỹ sẽ còn gia tăng. Thế nhưng, nhiều chính trị gia và truyền thông Mỹ không đồng tình với mối liên hệ giữa cắt giảm thuế của ông Trump với thâm hụt thương mại gia tăng. Họ cho rằng nguyên nhân thâm hụt là từ phía Trung Quốc. Thêm nữa, Trung Quốc đã cắt giảm thuế ồ ạt từ cuối năm 2018, bao gồm: giảm thuế VAT từ 17% xuống 16% rồi 13%; cắt giảm thuế thu nhập công ty; giảm tỉ lệ đóng góp của giới chủ vào hệ thống an sinh xã hội. Việc cắt giảm thuế này làm giảm tỉ lệ tiết kiệm quốc gia của Trung Quốc theo GDP và sẽ làm tổng thặng dư thương mại của Trung Quốc giảm vào năm 2020. Trong trường hợp đó, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc có thể sẽ thu hẹp lại. Vì thế, giáo sư Shang kết luận việc Mỹ cắt giảm thuế năm 2017 là trở ngại cho việc giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc và các đối tác thương mại khác; đồng thời cũng là nguồn gốc gây nên căng thẳng thương mại trong các năm tới.

Việc kinh tế Mỹ suy thoái có thể là tin xấu đối với thế giới, nhưng nó lại có thể giúp bình thường hoá quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc như những lần trước đấy. Trong trường hợp quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tốt lên, các nhà đầu tư và kinh doanh trên toàn thế giới có thể yên tâm đầu tư. Vì vậy, việc nền kinh tế Mỹ sắp suy thoái có thể là trường hợp “trong cái rủi có cái may”./.

(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Canada)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here