Khi Trung Quốc giành lại chủ quyền đối với Hong Kong từ Vương quốc Anh hồi năm 1997, thỏa thuận trao trả cho phép thành phố này có được “mức độ tự trị cao” trong vòng 50 năm. Cơ chế đó, được gọi là “Một quốc gia, hai chế độ”, đã đi được gần nửa đoạn đường.
Cánh cổng mở ra thị trường Trung Quốc
Điều này đã giúp cho Khu hành chính đặc biệt Hong Kong trở thành cửa ngõ chính cho đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Mỹ cũng coi Hong Kong khác biệt với phần còn lại của Trung Quốc vì các mục đích thương mại, có nghĩa là, Hong Kong được miễn các loại thuế mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đối với hàng hóa của Trung Quốc. Luật pháp Mỹ chưa hề đề cập đến những điều sẽ xảy ra sau năm 2047. “Một quốc gia, hai chế độ” là một cơ chế phù hợp với Trung Quốc theo nhiều cách, bao gồm cả việc củng cố vị thế của Hong Kong như một trung tâm tài chính toàn cầu.
Sau 12 tuần lễ, các cuộc biểu tình ở Hong Kong chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Các cuộc biểu tình ở Hong Kong bắt đầu từ việc người dân không hài lòng với dự luật dẫn độ những nghi phạm về Trung Quốc Đại lục xét xử. Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cho biết, luật dẫn độ đã “chết” và không còn được thảo luận nữa. Tuy nhiên, những người biểu tình bắt đầu đưa ra những yêu sách mới như điều tra hành động quá mức của cảnh sát; yêu cầu bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chức; và yêu cầu áp dụng một hệ thống bầu cử trực tiếp.
Giới quan sát nhận định Bắc Kinh đang dựa vào truyền thông để tuyên truyền những hậu quả của các cuộc biểu tình đối với uy tín của thị trường chứng khoán lớn thứ ba thế giới. Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 27/8 đã phát biểu với một đoàn doanh nghiệp Hong Kong rằng, cần hỗ trợ hơn nữa cho Chính quyền đặc khu để chấm dứt tình trạng bạo lực đã biến thành cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà thành phố này phải đối mặt kể từ khi được trao trả cho Trung Quốc. Theo một thông báo trên trang web chính thức của Chính phủ Trung Quốc (http://www.gov.cn), ông Vương Nghị nhấn mạnh, các nhóm doanh nghiệp cũng nên đóng vai trò tích cực thông qua việc hỗ trợ thanh niên tham gia phát triển kinh tế của Hong Kong.
Một trong những nền kinh tế năng động nhất của châu Á đang phải đối mặt với sự bất ổn nghiêm trọng. Ngành du lịch bị thiệt hại đầu tiên. Lĩnh vực này đem về 5% GDP của Hong Kong, bảo đảm việc làm cho 270.000 người lao động tại đây. Tới nay, gần 30 quốc gia trên thế giới cảnh báo công dân của họ không nên đến Hong Kong vào thời điểm hiện tại.
Theo các số liệu chính thức của Chính quyền Đặc khu hành chính này, 50% các chương trình tham quan Hong Kong của du khách nước ngoài bị hủy bỏ, đặc biệt là sau vụ người biểu tình chiếm đóng sân bay quốc tế. Hơn 1.700 công ty lữ hành chính thức tại Hong Kong tỏ ra ngày càng lo ngại khi biết rằng 3/4 du khách quốc tế đến tham quan là các công dân Trung Quốc và 80% trong số này đã hủy chương trình đến Hong Kong.
Ngoài ra, nhiều hoạt động buôn bán cũng bị xáo trộn. Những khu thương mại vốn sầm uất nhất nay vắng bóng người, nhiều cửa hàng phải đóng cửa mỗi đợt biểu tình, nhân viên phục vụ bị tạm thời cho nghỉ việc. Giới tiểu thương bị thiệt hại 20-50% lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2018.
Tình trạng trở nên nghiêm trọng đến mức ngày 15/8, Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong phải đưa ra một gói hỗ trợ kinh tế trị giá 19 tỷ đô la Hong Kong (khoảng 2 tỷ USD). Ngân hàng Thụy Sỹ UBS giảm mạnh dự báo tăng trưởng của Hong Kong trong năm 2019, ước tính tăng trưởng GDP của Đặc khu hành chính này giảm xuống còn 0,8% cho cả năm.
Tăng trưởng kinh tế của Hong Kong năm nay sẽ trì trệ hoặc, trong trường hợp tốt nhất, sẽ đạt 1%. Tuy nhiên, nếu tình trạng bất ổn vẫn tiếp diễn, không loại trừ khả năng suy thoái. Tuy nhiên, biểu tình chỉ là một trong những yếu tố gây thêm khó khăn cho vùng lãnh thổ này, khi các nền kinh tế khu vực cũng đang gặp khó khăn, đặc biệt do xung đột thương mại Mỹ-Trung. Hàn Quốc, Singapore hay Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đều đều cùng cảnh ngộ.
Nhận định về hình ảnh và uy tín của Hong Kong trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, chuyên gia về Đông Bắc Á của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp Antoine Bondaz, cho rằng: “Các cuộc biểu tình ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều lĩnh vực. Trước mắt, rõ rệt nhất là ngành du lịch, từ chỉ số đặt phòng ở khách sạn đến hoạt động tại các trung tâm thương mại đều giảm mạnh. Ngoài ra, giới tiểu thương bị tác động nhiều. Về dài hạn, hình ảnh và sức thu hút của Hong Kong bị thiệt hại lớn. Hong Kong là một trong những thị trường tài chính quốc tế lớn của thế giới và trong bảng xếp hạng của Quỹ Heritage, Hong Kong đứng đầu về mặt tự do giao thương. Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos coi Hong Kong là 1 trong số 10 địa điểm kinh doanh thuận lợi nhất. Một cách cụ thể, tôi nghĩ là còn quá sớm để thẩm định đúng mức về tác động lâu dài đối với uy tín của Hong Kong”.
Hong Kong hiện có sàn chứng khoán lớn thứ ba thế giới, sau New York và London. Đây cũng là hải cảng lớn thứ hai của toàn châu Á (Hong Kong vừa bị Thượng Hải “soán ngôi”). Lĩnh vực dịch vụ chiếm 92% GDP của toàn lãnh thổ, đứng đầu trong số này là dịch vụ ngân hàng. Hong Kong là cửa ngõ của 20% các dịch vụ của tập đoàn Bank of China, là nhịp cầu để nguồn vốn Trung Quốc vươn ra thế giới bên ngoài, 60% các tập đoàn tham gia sàn chứng khoán Hong Kong có trụ sở tại Đại lục.
Có lý do để Bắc Kinh chưa mạnh tay can thiệp
Nêu bật mức độ lệ thuộc giữa Bắc Kinh với Đặc khu hành chính Hong Kong, chuyên gia Antoine Bondaz cho rằng, Hong Kong vẫn là cánh cổng mở ra thị trường Trung Quốc. Phần lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Hong Kong chủ yếu là để hướng tới Đại lục. Tuy nhiên, Hong Kong ngày càng lệ thuộc vào kinh tế của Trung Quốc. Vào thập niên 1980, tỷ trọng của Trung Quốc chưa đầy 15% GDP Hong Kong. Giờ đây, Trung Quốc đóng góp đến gần 1/2 GDP của Hong Kong. 75% du khách tham quan Hong Kong là người từ Đại lục đến. Ngược lại, Hong Kong dường như không còn quá quan trọng đối với nền kinh tế của Trung Quốc như hồi năm 1997, khi Anh trao trả Hong Kong cho Bắc Kinh. Cách đây 22 năm, GDP của Hong Kong tương đương 1/5 GDP của Trung Quốc. Giờ đây, GDP của Hong Kong chỉ bằng 1/40 tổng sản phẩm của Đại lục”.
Có một số lý do để Bắc Kinh chưa mạnh tay can thiệp một cách quá lộ liễu vào Hong Kong. Chính quyền Trung ương ở Bắc Kinh cũng đã tăng tốc trong việc phát triển các vùng xung quanh Hong Kong, ví dụ như Thâm Quyến, nhằm thu hẹp ảnh hưởng về kinh tế và tài chính của Hong Kong trong tương lai. Điểm mạnh của kinh tế Hong Kong tới nay là tài chính. Tuy nhiên, về mặt này, Bắc Kinh đang theo đuổi chiến lược phát triển hai thị trường Thượng Hải và Thâm Quyến để cạnh tranh trực tiếp với Hong Kong. Thêm vào đó, nhược điểm của Hong Kong là vùng lãnh thổ này lơ là việc phát triển công nghệ cao.
Chuyên gia Antoine Bondaz cho rằng cuộc khủng hoảng ở Hong Kong lần này phần nào xuất phát từ lo ngại kinh tế của một phần trong số 7,5 triệu dân cư tại đây. Ông nói: “Yếu tố kinh tế rất quan trọng. Các cuộc biểu tình liên tiếp đang đè nặng lên tăng trưởng của Hong Kong. Tuy nhiên, đồng thời, các chỉ số kinh tế cũng cho phép giải thích một phần thái độ bất mãn trong xã hội và đó là mầm mống gây nên khủng hoảng hiện nay. Chênh lệch giàu nghèo tại Hong Kong ngày càng lớn, giới trẻ Hong Kong ngày càng khó chen chân vào thị trường lao động, không có điều kiện đi thuê nhà. Vì vậy, số này muốn giành lại quyền định đoạt tương lai.
Mai Ly