Trong một dấu hiệu cho thấy Liên minh châu Âu (EU) đã mềm mỏng hơn với Chính phủ của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Đại sứ EU tại Campuchia George Edgar đã hoàn tất thủ tục để cấp 100 triệu USD tiền viện trợ phát triển cho khu vực nghề cá của Campuchia.
Động thái này diễn ra trong thời điểm EU đang trong tiến trình xem xét khả năng hủy bỏ quy chế ưu đãi thương mại EBA (Tất cả trừ vũ khí) với quốc gia Đông Nam Á, do những quan ngại về vấn đề nhân quyền và tự do báo chí tại quốc gia này.
Theo tờ Khmer Times ngày 20/8, Bộ trưởng Đoàn trực thuộc Thủ tướng Campuchia, ông Kao Kim Hourn, cho biết sau cuộc gặp giữa Đại sứ EU George Edgar và Thủ tướng Hun Sen, thỏa thuận EU viện trợ 100 triệu USD phát triển nghề cá Campuchia sẽ được ký kết chính thức trong ngày 21/8.
Bộ trưởng Kao Kim Hourn cho biết việc khai thác thủy hải sản là một trong những trụ cột của nền kinh tế Campuchia, bởi vấn đề an ninh lương thực của quốc gia này phụ thuộc lớn vào nghề đánh bắt cá. Khoản viện trợ 100 triệu USD nói trên là một bước tiến tích cực trong “Liên minh biến đổi khí hậu Campuchia” – một dự án do EU hỗ trợ nhằm giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và tuyên truyền hiểu biết xã hội về phát triển bền vững. EU cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ khu vực lâm nghiệp của Campuchia, đặc biệt là trong vấn đề chống hoạt động chặt phá rừng bất hợp pháp.
Quan hệ EU và Campuchia hồi tháng 2/2019 trở nên căng thẳng khi Ủy ban châu Âu (EC) khởi động tiến trình giám sát EBA, do những bước thụt lùi trong nền dân chủ tại quốc gia này. Giai đoạn giám sát này kết thúc hồi tuần trước và EC sẽ bắt đầu ba tháng dự thảo kết luận sau khi Chính phủ Campuchia đệ trình bản báo cáo chi tiết về các nỗ lực cải thiện nhân quyền.
Đại sứ EU tại Campuchia George Edgar cho biết sau khi báo cáo nói trên được đệ trình, vào tháng 2/2020, EU sẽ ra quyết định có tiếp tục cho Campuchia hưởng ưu đãi thương mại EBA hay không.
Thị trường EU tiếp nhận tới 40% các mặt hàng xuất khẩu của Campuchia, với mức tăng trưởng 227% trong giai đoạn 2011- 2016 và đạt kim ngạch 5,77 tỷ USD chỉ tính riêng trong năm 2017. Năm 2018, các mặt hàng chính mà Campuchia xuất khẩu sang EU gồm có dệt may và da giày, thực phẩm sơ chế, rau quả và xe đạp. EU là thị trường xuất khẩu quan trọng của Campuchia, bởi phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á này (lên tới 99%) được hưởng quy chế ưu đãi thương mại EBA.
Trần Long