Báo Haaretz, Israel vừa qua cho biết có một rủi ro nhất định về sự sụp đổ kinh tế, nhưng điều đáng lo ngại hơn là việc Nhà Trắng không có khả năng xử lý khủng hoảng hiện nay. Đã nhiều lần Donald Trump suýt đẩy nước Mỹ và thế giới vào một cuộc khủng hoảng với các Twitter gây chiến và các sáng kiến chính sách lẩm cẩm? Thật khó để đếm hết, nhưng thật đáng chú ý, sau hơn hai năm tại vị ông Trump vẫn xoay sở để tránh khỏi thảm họa trong gang tấc.
Kinh tế thế giới hiện đang trong giai đoạn xấu. Trump quyết định tăng cường sức ép với Trung Quốc bằng cách mở rộng thuế quan bao gồm dự kiến đánh thêm 10% đối với 300 tỷ đô la hàng nhập khẩu của Trung Quốc; đáp trả lại hành động này, Bắc Kinh có động thái ngừng mua các sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ và để đồng nhân dân tệ mất giá vượt qua mốc quan trọng 7 nhân dân tệ ăn 1 đô la Mỹ; và cuối cùng việc Washington tuyên bố Trung Quốc là một “kẻ thao túng tiền tệ” làm mối quan hệ thương mại toàn cầu ngày càng phức tạp đến mức khó có thể dự đoán.
Cho đến nay, giả định là Trung Quốc và Mỹ đang thử gan lẫn nhau, cuối cùng, họ sẽ ngồi xuống và đàm phán một thỏa thuận. Động thái đối đáp vừa qua của họ có thể gây ra một số thiệt hại kinh tế ngắn hạn, nhưng vẫn có thể kiểm soát. Tuy nhiên, hành động hai bên ăn miếng trả miếng gần đây được nhìn nhận không còn là những hành động ngắn hạn, hiện giờ cả hai bên đang đẩy lên thành một cuộc chiến lâu dài, với quy mô và ảnh hưởng to lớn của hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, cuộc chiến sẽ tác động trên toàn cầu.
Cuộc chiến đang diễn ra
Có thể sẽ có vài nước chiến thắng từ cuộc chiến tranh thương mại (ví dụ như Việt Nam đã giành được một số hợp đồng gia công khỏi tay Trung Quốc), nhưng số người thua cuộc sẽ nhiều hơn.
Trước cuộc chiến đang diễn ra, Donald Trump có phải là nhà lãnh đạo được mong chờ không? Mặc dù có thành tích mỏng manh với tư cách doanh nhân và nhà đàm phán, trong cuộc bầu cử năm 2016 Trump đã quảng bá cho bản thân về thành tích xuất sắc trong hai lĩnh vực trên. Trong Phòng Bầu dục, ông Trump đã rất xuất sắc trong việc rút khỏi các thoả thuận; tuy nhiên, kỷ lục đạt được thoả thuận mới của Trump gần như bằng không. Ngay cả khi đã ép các đối tác ký kết vào thỏa thuận, như thoả thuận thay thế cho hiệp định Mậu dịch tự do Bắc Mỹ – NAFTA, ông Trump cũng không thể khiến Quốc hội phê chuẩn nó.
Nếu ông Trump có được một đội ngũ mạnh hỗ trợ, các khuynh hướng tồi tệ nhất có thể được kiểm soát. Nhưng trong Nhà Trắng chỉ có những quan chức làm xấu thêm tình hình. Ví dụ như John Bolton, người ít tôn trọng hệ thống toàn cầu và sức mạnh của các thỏa thuận được đàm phán. Những người khác gắn quá chặt với định kiến coi Trung Quốc là kẻ thù (Peter Navarro và Robert Lighthizer) để có thể đưa ra các thỏa hiệp thực chất. Những người có trách nhiệm hoặc từ chối làm việc cho Trump hoặc rời đi trong thất vọng. Do đó, cuộc khủng hoảng mà Trump phải đối mặt không chỉ là về tác động kinh tế, mà là khả năng có thể đối phó với nó.
Tình hình có vẻ còn đen tối hơn nếu xem xét đến những người đang ngồi ở phía bên kia của bàn đàm phán. Trump thích đối đầu với những người chuyên quyền như Kim Jong-un và Recep Tayyip Erdogan, nhưng những người này hiếm khi đồng ý với những gì ông Trump muốn. Đó không phải là bản chất của họ: họ là những người vươn lên quyền lực không phải bằng nghệ thuật của thỏa thuận mà bằng chính sách cứng rắn không khoan nhượng. Tập Cận Bình cũng không ngoại lệ. Hy vọng cuối cùng của nền kinh tế thế giới là thế yếu tương đối trước Hoa Kỳ của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại.
Ông Tập nắm trong tay một số lá bài, trong số đó là khả năng kiểm soát đối với kinh tế Trung Quốc mà Trump chỉ có thể mơ ước. Có thể so sánh giữa cách Tổng thống Mỹ kêu gọi cho một đồng đô la yếu hơn trong vô vọng so với quyết định của những nhà lãnh đạo Trung Quốc ra lệnh giảm giá trị nhân dân tệ chỉ trong tích tắc.
Nhưng các nhà lãnh đạo Bắc Kinh hiểu rằng quyền lực của họ chủ yếu dựa vào tăng trưởng kinh tế. Nếu họ không thể đảm bảo việc làm và mức sống ngày càng tăng, không có lý do gì để quần chúng Trung Quốc phải chịu đựng sự tham nhũng và bó buộc về chính trị. Sau nhiều năm tăng trưởng kinh tế, suy thoái là điều mà người Trung Quốc trẻ chưa bao giờ trải qua và chịu đựng.
Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông chắc chắn khiến ông Tập và các quan chức Trung Quốc tức giận. Nguyên nhân hàng đầu là tự do chính trị, nhưng nguyên nhân sâu xa là kinh tế. Suy thoái kinh tế đã khiến Hồng Kông rơi vào tình trạng hỗn loạn mà giới cầm quyền ở Bắc Kinh lo sợ có thể xảy ra ở Trung Quốc. Điều đó có thể khiến ông Tập đủ lo lắng để chấp nhận với điều kiện của Trump để cứu nền kinh tế Trung Quốc khỏi sự suy thoái do chiến tranh thương mại. Câu hỏi là Trump và nhóm giúp việc có khả năng thực hiện một thỏa thuận trên không?
(ĐSQVN tại Israel)