Dầu lửa, nạn nhân của chiến tranh thương mại

0
115
ảnh minh hoạ
ảnh minh hoạ

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đang dấy lên lo ngại về sự sụt giảm của nhu cầu dầu lửa. Trước viễn cảnh của một cuộc chiến tranh tiền tệ, giá dầu đã không thể kháng cự và có xu hướng giảm mạnh. Giá dầu Brent, mức tham chiếu của châu Âu, đã giảm 4% xuống còn 56,5 USD trong ngày 7/8/2019. Kể từ đỉnh giá dầu vào tháng 4, giá dầu Brent đã vượt qua ngưỡng giảm 20%, chính thức tham gia “thị trường giá xuống” (bear market). Tương tự, giá dầu ngọt nhẹ Texas (WTI), mức tham chiếu của Mỹ, cũng đã giảm xuống 51,30 USD/thùng. Tốc độ giảm được tăng lên trong ngày 7/8/2019, khi Bộ Năng lượng Mỹ công bố trữ dầu của nước này tăng 2,4 triệu thùng, trái ngược với kỳ vọng của các nhà phân tích.

Nhu cầu chững lại

Về tổng thể, các nhà đầu tư đang lo ngại căng thẳng Mỹ – Trung sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và dẫn đến giảm nhu cầu tiêu thụ dầu. Các nhà phân tích tại Bank of America Merrill Lynch đánh giá các trừng phạt thuế mới của chính quyền Trump có thể sẽ làm giảm lượng tiêu thụ dầu lửa từ 250.000 – 500.000 thùng/ngày.

Vitol, gã khổng lồ về kinh doanh dầu mỏ, cũng chia sẻ nhận định này và dự báo mức tăng trưởng nhu cầu dầu lửa thế giới chỉ đạt 650.000 thùng/ngày trong năm 2019. Hãng này cũng cảnh báo về các rủi ro địa chính trị chưa được các nhà đầu tư nhìn nhận đầy đủ, đặc biệt là tại khu vực eo biển Hormuz ngoài khơi Iran.

Hướng tới mốc 30 USD

Các nhà quan sát của Bank of America cho rằng thị trường dầu còn có thể bị xáo trộn nếu Trung Quốc quyết định trả đũa Mỹ một cách gián tiếp thông qua việc mua thêm dầu thô từ Iran. Trong một viễn cảnh như vậy, Bank of America dự báo giá dầu Brent có thể ở mức giao động từ 20 – 30 USD.

Trong khi đó, các chuyên gia của ngân hàng Đức Commerzbank tỏ ra thận trọng, đánh giá “các chỉ số cơ bản vẫn chưa chứng minh được sự tụt dốc của giá dầu. Sự sụt giảm của nhu cầu dầu vẫn chưa đủ thấp”. Ngân hàng này nhận định tăng trưởng nhu cầu dầu vẫn sẽ được duy trì ổn định bởi nền kinh tế thế giới sẽ không rơi vào suy thoái.

Tuy nhiên ở Mỹ, nền kinh tế đầu tầu của thế giới, các rủi ro suy thoái đang ngày càng hiện hữu trong những tháng qua. Khoảng cách giữa lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm và 3 tháng đã trở lại mức -0,38% của năm 2007. Trong lịch sử, khoảng cách này luôn được coi là một dấu hiệu cảnh báo khủng hoảng và được thị trường phố Wall theo dõi sát sao. GDP của Mỹ luôn giảm liên tục trong 2 năm mỗi khi chỉ số này giảm xuống dưới mức 0%.

(ĐSQVN tại Pháp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here