Liệu chiến thương mại với Mỹ có chuyển thành chiến tranh tiền tệ?

0
291
ảnh minh hoạ
ảnh minh hoạ

Ngày càng có nhiều nhà quan sát lo ngại Mỹ sẽ can thiệp vào thị trường hối đoái để làm suy yếu đồng USD và hỗ trợ cho những nhà xuất khẩu của họ.

Ngày 3/7/2019, ông chủ Nhà Trắng đăng trên twitter “Trung Quốc và Châu Âu đang tham gia vào các hoạt động thao túng tiền tệ qui mô lớn và đang bơm tiền vào hệ thống của họ nhằm cạnh tranh với Mỹchúng ta sẽ phải đáp trả, hoặc tiếp tục là những kẻ ngốc ngồi im ngoan ngoãn nhìn các quốc gia khác diễn trò – và họ làm điều này từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo diễn ra ngày 25/7, Chủ tịch Ngân hành Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi đã đáp trả một cách ngắn gọn bằng cách nhắc lại rằng ECB “không theo đuổi mục tiêu tỷ giá hối đoái”.

Trước các cuộc tấn công lặp đi lặp lại của Tổng thống Trump, các nhà đầu tư và các nhà phân tích, trong đó có Goldman Sachs, ING, Pimco và Citigroup, ngày càng lo ngại chiến tranh thương mại sẽ đi kèm chiến tranh tiền tệ. Xin nhắc lại, điều này xảy ra khi một hay nhiều quốc gia đơn phương can thiệp vào thị trường hối đoái để làm suy yếu giá trị đồng tiền nhằm hy vọng thúc đẩy xuất khẩu.

Chiến tranh lạnh về tiền tệ

Trong 30 năm qua, các tác động qui mô lớn đối với thị trường hối đoái được tiến hành trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với nhau ở quy mô quốc tế. Như vào năm 2011, các ngân hàng trung ương chủ chốt đã cùng nhau hành động để tránh sự sụp đổ của đồng yên sau thảm họa sóng thần Fukushima. Năm 1995, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Bộ Tài chính Mỹ, các thể chế tiền tệ của Châu Âu và Nhật Bản đã đồng lòng hỗ trợ đồng USD trước đồng yên của Nhật và đồng mác của Đức.

Kể từ 2011, duy nhất chỉ có Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ vào năm 2015 sau đó là năm 2016. ECB và Ngân hàng trung ương Nhật Bản không còn can thiệp trực tiếp vào thị trường hối đoái. Tuy nhiên, các ngân hàng này đã tung ra các chương trình lớn để mua lại nợ công và nợ tư (nới lỏng định lượng – QE) nhằm chống lại nguy cơ giảm phát. Dù đây không là mục tiêu công khai, thì việc mua lại nợ công và nợ tư này cũng có hiệu ứng thứ cấp làm kéo giá đồng euro và yên đi xuống. Do vậy, không thể nói về cuộc chiến tiền tệ theo nghĩa đen của từ này… mà nên nêu ra khái niệm “chiến tranh lạnh về tiền tệ”, theo đánh giá của Joachim Fels, Cố vấn kinh tế thế giới của Pimco.

Liệu Donald Trump có thể sẽ làm nóng lại cuộc chiến tranh lạnh về tiền tệ này? Điều này rất có thể. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tỷ giá hối đoái thực tế của đồng USD hiện được định giá quá cao từ 6 đến 12%, chủ yếu là do tăng trưởng năng động của Mỹ – điều đang thu hút hàng loạt các nhà đầu tư trên khắp hành tinh vào Mỹ, do đó về mặt cơ học đang đẩy đồng USD lên giá.

Để giữ giá đồng USD, Bộ Tài chính Mỹ có thể sử dụng khoản 123 tỷ USD dự trữ ngoại hối, trong đó chủ yếu từ Quỹ bình ổn hối đoái (ESF). Tuy nhiên, khoản này xem ra quá ít so với 3.000 tỷ USD dự trữ Trung Quốc hiện có. Ngoài ra, lượng tiền trao đổi hàng ngày trên thị trường ngoại hối thế giới tương đương với 5.000 tỷ USD, gấp hơn 5 lần so với năm 1995… Theo đánh giá của Paul Ashworth thuộc Capital Economics : “Mọi tính toán hành động đơn phương của Bộ Tài chính Mỹ đối với đồng tiền sẽ dẫn đến thất bại, trừ khi có sự giúp đỡ của Fed”.

Tính độc lập của Fed làm Trump khó chịu

Vấn đề là Fed không tuân mệnh lệnh của Washington. Fed hành động trong khuôn khổ sứ mệnh của mình, đó là hướng tới hữu nghiệp toàn phần và duy trì lạm phát xung quanh 2%. Một sự độc lập gây khó chịu cho Tổng thống Donald Trump khi ông cho rằng thể chế tiền tệ này giữ lãi suất chỉ huy quá cao. Liệu Trump có thể bắt Fed vận hành theo mệnh lệnh chính trị ? Điều này sẽ làm cho Fed mất uy tín, kèm theo nguy cơ gây bất ổn cho toàn bộ thị trường.

Trừ khi Fed tự quyết định hỗ trợ Bộ Tài chính, đơn phương phá vỡ thỏa thuận không can thiệp đã ký với các ngân hàng trung ương khác. Ví dụ, bằng cách in ồ ạt đồng USD mới nhằm giảm giá đồng USD. “Nhưng các châu lục khác sẽ phản ứng tương tự, điều này sẽ hạn chế tác động của một biện pháp như vậy” – Paul Ashworth lưu ý và nhấn mạnh nguy cơ thế giới bị cuốn vào vòng xoáy mà không ai sẽ là người chiến thắng.

Ngoài ra, nếu đồng USD yếu sẽ làm tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Mỹ, điều này cũng dẫn đến việc tăng giá các sản phẩm nhập khẩu, gây bất lợi đối với sức mua của người tiêu dùng. Theo Capital Economics, nhìn tổng thể nền kinh tế Mỹ sẽ bị thiệt hại.

(ĐSQVN tại Pháp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here