Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng trung ương các nước G7 đã nhóm họp tại Chantilly, Pháp, từ ngày 17 – 18/7/2019. Hội nghị lần đầu tiên đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc trong việc cải cách hệ thống thuế quốc tế, đặc biệt là việc đánh thuế các doanh nghiệp số. Tuy nhiên, các nội dung cụ thể sẽ còn cần tiếp tục được thảo luận, như vấn đề tiền mã hóa (cryto-currency).
Với sự phát triển của công nghệ số, ngày nay việc tạo ra các giá trị về kinh tế đã thay đổi rất nhiều. Các doanh nghiệp không còn cần phải có sự hiện diện trực tiếp tại một lãnh thổ để cung cấp sản phẩm và dịch vụ của mình. Điều này đặt ra bài toán phức tạp trong việc giải quyết mối quan hệ về thuế giữa doanh nghiệp và cơ quan thu thuế. Các thảo luận kỹ thuật về thuế đối với các doanh nghiệp số (GAFA) đã diễn ra từ lâu trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Pháp là nước đang tích cực thúc đẩy nội dung này trong nhiệm kỳ Chủ tịch G7 của mình.
Các doanh nghiệp số sẽ sớm bị đánh thuế
Thỏa thuận Chantilly gồm hai nội dung chính. Đầu tiên, các nước thừa nhận sự cần thiết phải xem xét lại mối quan hệ về thuế (nexus), tính đến việc một doanh nghiệp không nhất thiết phải có sự hiện diện trực tiếp tại một quốc gia để quốc gia đó có quyền đánh thuế doanh nghiệp. Trong phát biểu tại họp báo sau Hội nghị, Bộ trưởng Kinh tế – Tài chính Pháp B. Le Maire hoan nghênh việc đánh thuế “các hoạt động mà không cần có sự hiện diện trực tiếp, đặc biệt là các hoạt động về số”.
Chia sẻ lợi nhuận
Một cơ chế mới trong việc chia sẻ lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ được hình thành trong thời gian tới. Ví dụ, Đức sẽ có thể đánh thuế phần lợi nhuận mà Google thu được trên lãnh thổ của nước này. Tuy nhiên, các nội dung cụ thể như việc xác định các loại hình hoạt động, mô hình kinh doanh sẽ còn tiếp tục cần được thảo luận. Hiện tại, Mỹ đang ủng hộ việc đánh thuế tất cả các doanh nghiệp đa quốc gia có mảng hoạt động về số. Pháp cũng ủng hộ việc này, tuy nhiên chủ yếu hướng tới các doanh nghiệp chuyên về số. Theo một quan chức cấp cao, “vẫn còn những khoảng cách trong cách tiếp cận của Mỹ và Pháp. Bộ trưởng Kinh tế-Tài chính Pháp đang tương đối bị cô lập với thuế GAFA”.
Mức thuế tối thiểu
Thứ hai, các nước cũng đã đồng ý về nguyên tắc xây dựng một mức thuế tối thiểu đối với các doanh nghiệp đa quốc gia. Mức thuế hiện đang được áp dụng tại Mỹ là 13,125% có thể sẽ là tham chiếu cho các thảo luận. Theo Bộ trưởng Kinh tế-Tài chính Pháp, mức thuế tối thiểu này sẽ giúp “chấm dứt cuộc chạy đua hướng tới việc giảm và tối ưu hóa thuế”. Tuy nhiên, con số cụ thể vẫn chưa được đưa ra. Các vấn đề kỹ thuật sẽ tiếp tục được thảo luận trong khuôn khổ OECD cho đến tháng 1/2020.
Quan ngại về đồng tiền libra
Trong vấn đề tiền mã hóa, Hội nghị đã kết thúc trong sự quan ngại trước kế hoạch phát hành đồng tiền mã hóa libra của Facebook. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp F. Villeroy de Galhau cho biết “đã có phản ứng mạnh mẽ từ phía tất cả các nước G7”. Bộ trưởng Kinh tế – Tài chính Pháp hoan nghênh việc các đổi mới về công nghệ đang giúp giảm bớt các chi phí giao dịch trong hệ thống thanh toán xuyên biên giới, tuy nhiên, ông cho rằng “đồng tiền libra gây ra các vấn đề về chính trị và kỹ thuật liên quan đến quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và ngân hàng, về chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố” và phản đối sự hình thành của “một Nhà nước tư nhân”. Một nhóm làm việc về vấn đề này do Benoit Coeuré, thành viên Ban điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu, dẫn đầu, sẽ có báo cáo cuối cùng tại Washington trong mùa Thu tới.
Nhận định về kết quả của Hội nghị, Bộ trưởng Kinh tế-Tài chính Pháp B.Le Maire cho rằng Hội nghị Chantilly đã giúp các nước G7 đạt được “tiến bộ trong việc hướng tới một chủ nghĩa tư bản đúng đắn hơn”. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ S. Mnuchin đánh giá G7 đã “đạt được các tiến bộ đáng kể, tuy nhiên còn nhiều việc phải làm”. Năm 2020 sẽ là thời điểm quyết định.
Tin từ ĐSQVN tại Pháp (theo Les Echos, ngày 18/7/2019 và trang web Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp)