Tin kinh tế Ấn Độ

0
240
Ảnh minh họa

1. Tình hình và chính sách tài chính – tiền tệ:

Giá trị đồng rupee của Ấn Độ duy trì ổn định từ mức cao nhất là 68,38 Rs/USD (ghi nhận ngày 11/7) tới mức thấp nhất nhất 69,58 Rs/USD (ghi nhận ngày 21/6). Tuy nhiên, trong ba ngày liên tiếp từ 16-18/7, đồng Rupee liên tục giảm giá và đạt mức cuối cùng là 68,97 do giá dầu thô có dấu hiệu tăng.

Ngày 5/7, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman đã trình bày về Ngân sách Ấn Độ trước Hạ viện. Theo đó, Ấn Độ đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế 5.000 tỷ USD trong năm 2025 và trước mắt đạt 3.000 tỷ USD trong năm 2019-2020. Nhằm giảm giao dịch tiền mặt và thúc đẩy thanh toán kỹ thuật số, Ấn Độ sẽ áp dụng thuế ở mức 2% nếu tổng số tiền rút tại ngân hàng, bưu điện từ 10 triệu rupee. Ngoài ra, để thu hút FDI, Ấn Độ sẽ giảm thuế gián tiếp đối với các công ty công nghệ toàn cầu nếu đặt nhà máy tại Ấn Độ. Thu hút FDI là chìa khóa cho sáng kiến “Make in India” của Thủ tướng Modi nhằm tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng tỷ trọng sản xuất của nền kinh tế Ấn Độ.

Theo số liệu chính thức được công bố hôm 15/7, lạm phát dựa trên giá bán buôn đã giảm tháng thứ hai liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2017 là 2,02% trong tháng 6. Ngân hàng Dự trữ vào ngày 6/6 đã hạ lãi suất cho vay chuẩn xuống mức là 5,75%. Các nhà hoạch định chính sách dự kiến lãi suất sẽ theo xu hướng giảm do sự sụt giảm về đầu tư. Mergermarket cho biết, Ấn Độ không thể thu hút nhiều đầu tư nước ngoài trong nửa đầu năm 2019 mặc dù Trung Quốc bị kéo vào cuộc chiến thương mại với Mỹ, vì cơ sở công nghiệp yếu kém và các quy tắc bảo hộ. Đầu tư của Mỹ vào Ấn Độ đã giảm 91% xuống còn khoảng 2 tỷ USD qua 30 giao dịch. Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các công ty Ấn Độ vào tháng 6 đã giảm 64% xuống còn 820,36 triệu USD so với mức 2,29 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

2. Quan hệ kinh tế Ấn Độ với các nước

– Trong chuyến thăm Ấn Độ từ ngày 9-11/7, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Chutima Bunyapraphasara, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Enggartiasto Lukita, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal để thúc đẩy Ấn Độ đẩy nhanh các cuộc đàm phán thông qua RCEP để có thể tiến tới ký kết trong năm 2019. Ấn Độ hoan nghênh đề nghị này và yêu cầu các quốc gia thành viên RCEP thực hiện mở cửa ngành dịch vụ – ngành thế mạnh của Ấn Độ nhiều hơn. Thái Lan với tư cách Chủ tịch ASEAN 2019 đã đề nghị Ấn Độ cụ thể hoá danh sách các dịch vụ mà họ muốn các nước thành viên mở cửa hơn. Cuộc họp tiếp theo về RCEP sẽ diễn ra vào tháng 8 tại Trung Quốc và tháng 9 tại Thái Lan, trước Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11 cũng tại Thái Lan.

– Sau các căng thẳng thương mại trong tháng 6, ngày 12/7, Ấn Độ và Mỹ đã có cuộc đàm phán đầu tiên giữa Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal và Trợ lý Đại diện Thương mại Mỹ về các vấn đề Nam và Trung Á Christopher Wilson. Tuy nhiên, hai bên không đạt được đột phá nào về các vấn đề quan trọng như trợ giá nông nghiệp, thương mại điện tử, thuế thép và nhôm. Dự kiến ông Piyush Goyal sẽ thăm Mỹ tháng 8/2019 và có cuộc gặp với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.

– Với Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6, nhập khẩu từ Ấn Độ đạt 290,2 triệu USD (chủ yếu là sắt thép các loại, máy móc, thiết bị, phụ tùng và hàng hoá khác) và xuất khẩu đạt 620 triệu USD (chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử, điện thoại các loại và linh kiện). Theo số liệu cập nhật đến tháng 4/2019 của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, nhập khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam đạt 659,6 triệu (chủ yếu là các sản phẩm điện thoại, điện tử, linh kiện và phụ tùng điện thoại, điện tử) và xuất khẩu đạt 449,71 triệu USD (chủ yếu là thịt, cá, các sản phẩm làm từ thịt, cá và sắt, thép).

3. Tình hình xuất nhập khẩu của Ấn Độ

Do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và căng thẳng trong thương mại Ấn – Mỹ, xuất khẩu của Ấn Độ trong tháng 6 giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng qua, đạt 25,01 tỷ USD, giảm 9,71%. Việc tạm thời đóng cửa Tập đoàn dầu và khí gas tại Mangalore và nhà máy lọc dầu Jamnagar để bảo trì trong tháng 6 đã ảnh hưởng xấu tới xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ. Trong tháng 6, xuất khẩu xăng dầu giảm 33%, đá quý và đồ trang sức giảm 10,7%, trong khi xuất khẩu các hàng hoá khác cũng giảm 4,86% xuống còn 19,15 tỷ USD.

Nhập khẩu cũng giảm 9,06% ở mức 40,29 tỷ USD – thấp nhất trong 6 tháng qua. Nhập khẩu dầu giảm 13,33% xuống còn 11,3 tỷ USD, trong khi nhập khẩu vàng tăng 13% lên 1,7 tỷ USD. Nhập khẩu các hàng hoá khác giảm 9% xuống 26,57 tỷ USD. Thâm hụt thương mại thu hẹp còn 15,28 tỷ USD (so với 16,6 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái)./.

Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here