Ba kịch bản
Diễn biến của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc đã được Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) xây dựng và công bố mới đây nhằm phân tích diễn biến phức tạp của cuộc chiến trên các góc độ khác nhau, từ đó đưa ra các dự báo tác động tổng thể tới nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn cũng như đề xuất các giải pháp ứng phó.
Kịch bản thứ nhất, cả Mỹ và Trung Quốc cùng nhượng bộ, đạt được thỏa thuận thương mại trên cơ sở kết thúc cơ bản những yêu cầu đề ra trước đây, không có phát sinh mới.
Nền tảng cho kịch bản này chính là việc chiến tranh thương mại đã để lại hệ lụy kinh tế đủ lớn. Kết quả đàm phán thương mại giữa hai nước, nếu có, có thể có lợi nhiều hơn cho Mỹ trong ngắn hạn.
Ở kịch bản này, CIEM cho rằng, nếu không leo thang thuế quan trong một giai đoạn không có thời hạn như hiện nay, Trung Quốc có thể chịu khó khăn hơn. Thỏa thuận thương mại có thể đạt được chậm nhất vào nửa đầu năm 2020.
Dù vậy, ngay cả con đường đi đến kết quả này còn không ít bất định, thậm chí không dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc còn lớn.
Kịch bản thứ hai, cuộc chiến thương mại kết thúc trước 2020 do một trong hai nước phải nhượng bộ.
Khả năng này theo CIEM khá khó xảy ra, bởi cả Mỹ và Trung Quốc dường như đều không có ưu thế tuyệt đối trong chiến tranh thương mại – công nghệ hiện nay. Tổng thống Trump có thể có lợi thế để tiếp tục kéo dài chính sách hiện nay đến sau 2020, nếu cần thiết. Do đó, phía Mỹ khó có khả năng nhượng bộ. Bản thân Mỹ cũng có nhiều “quân bài hơn”.
Ngược lại, với một thị trường đủ lớn và hiện không ít doanh nghiệp Mỹ hiện diện và kiếm lời ở đây, Trung Quốc có thể tự tin về việc Mỹ cũng phải hứng chịu những tổn thất không nhỏ.
Kịch bản cuối cùng, chiến tranh thương mại Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang kéo dài và chưa thể tìm được một thỏa thuận chung. Đây là kịch bản không mong muốn nhất, song cũng chưa thể loại trừ ở thời điểm này.
CIEM lưu ý, những nguyên nhân gây ra chiến tranh thương mại như đã phân tích khó có thể được giải quyết trong một sớm một chiều.
Theo đánh giá của CIEM, dù ở kịch bản nào, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ khó kết thúc trong thời gian ngắn. Những hành động, thậm chí đe dọa hành động mà hai siêu cường kinh tế này dành cho nhau có thể sẽ còn tiếp tục và gây tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới.
Tác động có thể còn lớn hơn và/hoặc phức tạp hơn nếu tính đến thị trường tài chính, khi các nhà đầu tư đôi khi phản ứng quá nhanh và quá mức khiến các quyết định đầu tư của họ bị ảnh hưởng.
Và tác động tới Việt Nam
Đánh giá chi tiết tác động tổng thể nhiều mặt từ cuộc chiến này tới Việt Nam, CIEM cho rằng, Việt Nam được nhận định là quốc gia được hưởng lợi theo nghĩa tương đối và có một số cơ hội đáng kể trong cuộc chiến thương mại này. Tuy nhiên, các đánh giá này đều chỉ giới hạn ở phạm vi các biện pháp thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc sử dụng.
Các hàng rào thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc áp bổ sung cho nhau vô hình trung làm tăng cơ hội xuất khẩu cho các nước thứ ba, trong đó có Việt Nam. Gia tăng bất định trong bối cảnh chiến tranh thương mại có thể cũng khiến các công ty đa quốc gia lớn trên thế giới chuyển một phần hoặc toàn bộ các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc sang các nước khác, chẳng hạn như Việt Nam.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít rủi ro, bất lợi. Do khó khăn về đầu ra, hàng Trung Quốc có thể được đẩy sang thị trường Việt Nam và cạnh tranh với hàng Việt Nam ở các thị trường thứ ba khác.
“Nếu kiểm soát thiếu hiệu quả, Việt Nam có thể gặp phải nhiều hơn các lô hàng Trung Quốc ‘mượn đường’ để xuất khẩu sang Mỹ và ngược lại. Trong khi đó, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng không đơn giản, bởi Việt Nam không nên và không thể phân biệt đầu tư theo đối tác. Việc sàng lọc các dự án đầu tư phù hợp với ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam là không dễ, chưa kể đến năng lực hấp thụ dòng vốn (do hạn chế về lao động, hàm ý đối với ổn định kinh tế vĩ mô…)”, CIEM phân tích.
Bên cạnh đó, phân tích của CIEM chỉ ra rằng, dù được đánh giá là nước hưởng lợi tương đối từ chiến tranh thương mại, Việt Nam cũng gặp phải bất lợi là bị Mỹ và Trung Quốc giám sát, thậm chí thực hiện các hành động, chính sách ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam vào các nước này.
Rủi ro sẽ lớn hơn nếu Việt Nam không duy trì được đối thoại, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm với các nền kinh tế lớn khác (như Nhật Bản, EU, Úc…) về đánh giá, dự báo và chính sách ứng phó với chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Một số tác động mặt trái đã được nghiên cứu của CIEM đưa ra cho thấy, Việt Nam đã bước đầu hứng chịu một số tác động bất lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ- Trung.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 13,6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2019, giảm 1,5% so với cùng kỳ 2018. Mức tăng này thấp hơn đáng kể so với năm 2018 (16,56%).
Cũng trong giai đoạn này, nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng hơn 5,04 tỷ USD (tương đương 20,3%). Trong khi đó, không loại trừ khả năng hàng Trung Quốc sẽ gia tăng gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu vào Mỹ.
Thực tế, ngay từ năm 2018, Mỹ đã lưu tâm điều tra hàng hóa Trung Quốc lẩn tránh thuế qua Việt Nam. Nếu thiếu động thái hữu hiệu từ phía Việt Nam đối với xuất xứ hàng hóa, các hành động của Mỹ có thể gia tăng trong thời gian tới.
Trong thu hút vốn FDI, hiện tượng gia tăng dòng vốn từ Trung Quốc thời gian gần đây cũng rất đáng lưu ý. Theo CIEM, bản thân dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng có một phần đáng kể là vốn góp, mua cổ phần, đặc biệt là từ Hồng Kong và Trung Quốc.
Điều này đặt ra quan ngại về lợi ích thu được từ các dòng vốn đầu tư này, bởi các nhà đầu tư có thể chỉ đến “tránh bão” ở Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại. Mặt khác, cảnh báo của CIEM chỉ rõ việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Hồng Kông từ tháng 6/2019 có thể tạo thêm điều kiện cho dòng vốn góp, mua cổ phần từ Hồng Kông vào Việt Nam, nếu không có các biện pháp, chính sách sàng lọc tương xứng.
Trong bối cảnh tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đến Việt Nam là chưa rõ ràng vì còn phụ thuộc nhiều vào các diễn biến phức tạp có thể xảy ra cũng như phản ứng của các nước, CIEM nhận định, khó có thể phán đoán về kết quả cuộc chiến thương mại và đề ra chính sách ứng phó một cách cứng nhắc.
Trong điều kiện này, theo khuyến nghị của CIEM, Việt Nam cần chủ động xây dựng, cập nhật các kịch bản ứng phó với những diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Nên rà soát lại những quy định chính sách của mình, đảm bảo có công cụ và dư địa chính sách phù hợp để định hướng hàng hoá nhập khẩu và ứng phó với những biến động bất lợi trên thị trường thế giới.
Đặc biệt lưu ý kiểm soát chặt chẽ và có biện pháp xóa bỏ tình trạng hàng nước ngoài gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu vào Mỹ. Tập trung các giải pháp tháo gỡ các rào cản đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường, trong đó có thị trường Trung Quốc.
Hoàn thiện hệ thống thông tin thống kê, tránh để tồn tại những khác biệt lớn giữa số liệu nhập khẩu từ Trung Quốc (do Việt Nam công bố) và số liệu xuất khẩu sang Việt Nam (do Trung Quốc công bố). Tiếp tục cải cách môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thuận lợi, cạnh tranh hơn. Không ngừng tiếp xúc, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Hoàn thiện, cụ thể hóa tiêu chuẩn đối với nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, phù hợp với các ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội.
CIEM cũng khuyến nghị đẩy mạnh hợp tác với các nước thuộc nhóm cường quốc (Middle power) để chia sẻ thông tin, đánh giá, kinh nghiệm ứng phó chính sách các quốc gia này đối với những diễn biến phức tạp của cuộc chiến Mỹ- Trung, đồng thời tiếp tục cùng vận động ủng hộ cho thương mại tự do và hệ thống thương mại đa phương…
(Theo Nhịp cầu Đầu tư)