Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – vùng Tarapacá tại thành phố Iquique, Chile

0
282

Ngày 24/06/2019, Đại sứ quán Việt Nam tại Chile đã phối hợp với Đặc khu kinh tế Iquique (Zofri S.A) tổ chức “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – vùng Tarapacá” tại thành phố Iquique, Chile. Tham dự Diễn đàn có Thị trưởng Iquique ông Mauricio Soria, Nghị sỹ Đảng Cộng sản Chile Hugo Gutierrez, Nghị sỹ Đảng Liên minh Dân chủ Độc lập Renzo Trisotti, Thượng Nghị sỹ Soria, Giám đốc Sở Tài chính Vùng Claudio Chamorro, Tổng Giám đốc Sofri S.A Claudio Pommiez cùng đông đảo lãnh đạo chính quyền địa phương và hơn 70 doanh nghiệp của Vùng Tarapacá. Tống Lãnh sự Trung Quốc tại Iquique cũng tới tham dự Diễn đàn.

Phát biểu chào mừng việc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Vùng Tarapacá được tổ chức lần đầu tiên tại địa phương, Thị trưởng Iquique Mauricio Soria khẳng định đây là sự kiện quan trọng trong quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại song phương; đánh giá cao những thành tựu kinh tế Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua. Thị trưởng M. Soria nêu bật vai trò của Iquique là một trung tâm logistics của Nam Mỹ, với dự án các con đường hành lang sinh thái kết nối giữa Argentina, Paraguay, Brazil, Bolivia với Chile đã và đang được triển khai từ 50 năm nay, khi hoàn thành sẽ nối hàng hóa từ bờ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương; các dự án mở rộng cảng biển tại thành phố Iquique, kết nôi với khu vực dân số khoảng 200 triệu người, hướng tới tăng cường xuất nhập khẩu hàng hóa từ Nam Mỹ đến Châu Á-Thái Bình Dương và ngược lại. Ngoài ra, Thị trưởng M. Soria cũng thông tin về các dự án khác như khai thác mỏ, tài nguyên về đồng, muối, litium, năng lượng sạch… và bày tỏ mong muốn doanh nghiệp Việt Nam quan tâm hợp tác với địa phương.

Tại Diễn đàn, Đại sứ Việt Nam tại Chile Nguyễn Ngọc Sơn đã giới thiệu tổng quan về Việt Nam ngày nay, những thành tựu chính của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và quan hệ toàn diện tốt đẹp giữa hai nước. Nhấn mạnh Việt Nam với vị trí cửa ngõ của khu vực Đông Nam Á, hàng hóa Chile nói riêng và các nước Nam Mỹ nói chung từ Đặc khu kinh tế Iquique có thể tiếp cận thị trường Việt Nam, qua đó thâm nhập vào thị trường ASEAN rộng lớn với hơn 630 triệu dân. Ngược lại, hàng hóa của Việt Nam thông qua Đặc khu kinh tế Zofri cũng có điều kiện thuận lợi để tiếp cận vào các nước Nam Mỹ.

Giới thiệu về các tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và vùng Tarapacá, Thương vụ Việt Nam tại Chile đã trình bày chi tiết về tình hình kinh tế, thương mại và đầu tư của Việt Nam trong thời gian qua; quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Mỹ Latinh nói chung và với Chile nói riêng, cũng như những lợi ích của CPTPP đối với Việt Nam và phân tích cụ thể những mặt hàng mà các doanh nghiệp nhập khẩu tại vùng có thể nhập khẩu từ Việt Nam để phân phối tại Chile, Peru, Argentina, Brazil, Paraguay như: các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam (thuế sẽ về 0 ngay khi CPTPP có hiệu lực tại Chile); điện thoại di động; dệt may; da giày; giấy; túi tái chế… và các mặt hàng thế mạnh của vùng sang Việt Nam như: cá hồi, dầu cá, nguyên liệu cho ngành khai thác mỏ, phân bón…

Tổng giám đốc Đặc khu kinh tế Zofri đã giới thiệu cụ thể về Đặc khu kinh tế Zofri hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp tham gia. Theo thống kê, trao đổi thương mại Việt Nam qua Đặc khu kinh tế 5 tháng đầu năm 2019 đạt 23 triệu USD gồm các sản phấm chính như: điện thoại, giày dép, máy vi tính và các sản phẩm điện tử, dệt may… và được phân phối tới thị trường Chile, Bolivia, Peru và Paraguay… Tổng giám đốc Zofri cũng trình bày về các lợi ích về thuế, hải quan và công nhân cho các nhà đầu tư tại Zofri với chiến lược: từ thế giới đến Nam Mỹ và từ Nam Mỹ tới thế giới.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, hơn 70 doanh nghiệp nhập khẩu (trong số đó có nhiều doanh nghiệp đang làm ăn với Việt Nam) đã được giới thiệu về nhiều mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam. Ngoài các mặt hàng truyền thống đã có chỗ đứng trên thị trường Chile như: điện thoại, giày dép, quần áo… còn có một số mặt hàng có thế mạnh khác như: túi tái chế, vôi, giấy, các sản phẩm nhựa, sợi dùng trong ngành nuôi trồng cá hồi…

(ĐSQVN tại Chi-lê)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here