Kinh tế thế giới: bình yên trước bão tố?

0
90

Hiện các nhà phân tích đều hướng về Mỹ nơi điều tra hàng tháng đối với doanh nghiệp đều cho thấy xu hướng chững lại của hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, kinh tế Mỹ đang có tỷ lệ hữu nghiệp toàn phần và tiếp tục được kích thích bởi chính sách thuế của D.Trump. Song, các công ty Mỹ, vốn đầu tư nhiều trong 2018, bắt đầu giảm chi trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Trung Quốc. Tăng trưởng của Mỹ sẽ giảm tốc, xuống còn 2,5% vào năm 2019, thấp hơn 0,4 điểm so với năm trước.

Xu thế này thể hiện rõ nét hơn tại châu Âu. Tại Anh, đầu tư của doanh nghiệp đình trệ kể từ trưng cầu dân ý về Brexit. Tăng trưởng kinh tế của Italia gần như ở điểm chết. Các nhà sản xuất xe ô tô Đức chật vật gượng dậy sau cú sốc do việc triển khai các qui định mới cuối 2018 gây ra.

Có thể cảm nhận được tăng trưởng đang chững lại tại Trung Quốc. Theo báo cáo của Ngân hàng Bảo hiểm-Tín dụng Coface «chiến thương mại đã làm giảm 10% xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong 4 tháng đầu 2019». Tóm lại, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 2,7% năm 2019, so với 3,1% năm 2018.

Một khoản nợ khổng lồ

Kể từ khủng hoảng năm 2008, doanh nghiệp và một số chính phủ đã hưởng lợi nhiều từ chính sách ưu ái của các ngân hàng trung ương. Bằng cách duy trì lãi suất chủ đạo ở mức rất thấp và tung ra các chương trình mua lại nợ công và nợ tư nhân, các ngân hàng này đã tăng mạnh thanh khoản và khuyến khích cho vay.

Kết quả là nợ thế giới đã tăng khoảng 50% kể từ 10 năm nay, theo nghiên cứu do Standard & Poor’s công bố tháng 3/2019, dưới tác động của các nước phát triển và các doanh nghiệp thuộc các quốc gia mới nổi đặc biệt là Trung Quốc. Tổng nợ toàn cầu (cả công và tư nhân) hiện chiếm 234% GDP, so với 208% năm 2008. Ở Pháp, nợ công lên tới gần 100% GDP, đạt mốc gần 2.359 tỷ euro.

Tuy nhiên, ông Olivier Blanchard, nguyên chuyên gia kinh tế trưởng thuộc IMF, lại cho rằng «khi lãi suất vay thấp, nợ công sẽ tích tụ chậm hơn, chi phí đối với ngân sách và nền kinh tế sẽ thấp hơn». Với nhận định lãi vay vẫn ở mức sàn, ông khuyến khích các nước châu Âu điều chỉnh chính sách ngân sách, đồng thời tăng cường đầu tư trước khi cuộc khủng hoảng kế tiếp nổ ra.

Tích tụ rủi ro trên thị trường

Trong một môi trường lãi suất rất thấp, đi vay không mất gì, tuy nhiên đầu tư vào các quỹ trái phiếu gần như cũng không mang lại gì. Do vậy, những năm gần đây, các nhà đầu tư lao vào tìm kiếm hiệu suất đầu tư. Thành công của các khoản cho vay với hiệu ứng đòn bẩy (dành cho các công ty nợ cao) kể từ 5 năm trở lại đây tại Mỹ cho thấy «cơn thèm» đối với các tài sản có độ rủi ro cao hơn.

Không chỉ các công ty đi vay các khoản vay đòn bẩy có độ rủi ro cao (một phần trong số họ thậm chí không còn khả năng phát hành trái phiếu trên thị trường) mà các khoản vay này còn được tích hợp vào các sản phẩm tài chính đã được chứng khoán hóa và phân phối trên thị trường. Còn nhớ, các khoản cho vay bất động sản dưới chuẩn đã làm nổ ra khủng hoảng 2008, ngay cả khi hiện «các ngân hàng có độ phơi nhiễm với các khoản cho vay đòn bẩy thấp hơn so với nợ dưới chuẩn thời gian 2007-2008», theo nhận định của các chuyên gia Ngân hàng Trung ương Pháp.

Căng thẳng thương mại và bất ổn địa chính trị

Các tác nhân thị trường không còn sự lựa chọn: họ bắt đầu ngày làm việc bằng cách lướt các dòng tweet mới nhất của Tổng thống Mỹ. Việc cả D.Trump và Tập Cận Bình nối lại đối thoại tại G20-Osaka và tuyên bố tạm ngừng căng thẳng đối đầu đều vô ích, chiến tranh thương mại chưa đến hồi kết.

Ngày 01/7, chính quyền Mỹ đã tuyên bố tiến hành tham vấn nhằm áp các biểu thuế mới với EU. Được cho là để đối phó với các khoản trợ cấp của châu Âu trong ngành hàng không, các loại thuế mới sẽ nhằm vào khoảng 90 sản phẩm, nhất là pho-mai, rượu whisky và các sản phẩm từ thịt lợn, với tổng giá trị lên đến 4 tỷ USD. Một danh sách công bố trước đó vào ngày 12/4 đã nhắm vào danh mục hàng hóa châu Âu trị giá 21 tỷ USD.

Trong chiến dịch tái cử, động thái của Tổng thống Mỹ không khỏi làm ta quan ngại về những gì sẽ diễn ra. Sylvain Broyer đặt câu hỏi «Phải chăng chúng ta đang tiến dần tới sự chấm dứt của một hệ thống vốn đã nâng đỡ kinh tế thế giới trong nhiều thập kỷ? Dù thế nào, tình trạng bất định kéo dài tự thân đã là một nguy cơ».

(Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here