Cọ xát mậu dịch Trung-Mỹ và vấn đề cải cách WTO với G20.

0
85

Gần đây cọ xát mậu dịch Trung-Mỹ, cải cách WTO với G20 trở thành 3 vấn đề nổi bật và có liên quan tới nhau. Trong lần cọ xát này, mồi lửa chính là Điều tra theo điều khoản 301, mà điều khoản này chính là sự tranh cãi rất lớn.

Trên thực tế, ngay từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, EU đã kiện Mỹ theo chính điều khoản này do lập pháp của Mỹ không phù hợp với qui định của WTO. Kết quả là Mỹ thua kiện, chính phủ Mỹ năm 1994 đã ra tuyên bố hành động của chính phủ, đồng ý về sau khi sử dụng Điều khoản 301 thì sẽ xem xét tới vấn đề kết hợp với các điều khoản của WTO. WTO không tiếp tục theo đuổi vấn đề này nữa và thái độ tổng thể là Mỹ có thể điều tra các thành viên của WTO theo Điều khoản 301, song sau khi điều tra thì không được đơn phương có hành vi trừng phạt mà phải đưa kết quả lên WTO do WTO đưa ra biện pháp chế tài căn cứ theo kết quả điều tra.

Ở lần cọ xát này, Mỹ đã dùng tới Điều khoản 301, tự động dùng cây gậy thuế quan, rõ ràng là vi phạm qui định của WTO. Trung Quốc lập tức có biện pháp đáp trả, đồng thời kiện Mỹ theo cơ chế giải quyết trong khuôn khổ WTO. Lý do của Mỹ là tiến trình giải quyết tranh chấp của WTO kéo dài quá lâu là điểm quan trọng của việc Mỹ không hài lòng với WTO. Trên thực tế, trình tự thời gian theo khuôn khổ WTO qui định rõ là 3 tháng cần có hành động gì, 6 tháng có hành động gì, song trên thực tế quá trình thực hiện bị kéo dài là phổ biến và kéo dài rất lâu. Xem xét tới tình trạng này, WTO rõ ràng là khó có thể giải quyết được tranh chấp Trung-Mỹ trong thời gian ngắn. Lần cọ xát này cho thấy rõ tính bức thiết của việc cần cải cách cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.

Cọ xát mậu dịch Trung-Mỹ liên quan tới WTO liên quan tới vấn đề thứ 2 là Mỹ luôn luôn phàn nàn Trung Quốc không tuân thủ cam kết khi gia nhập WTO. Mười mấy năm nay, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ luôn ra báo cáo về việc Trung Quốc tuân thủ cam kết khi gia nhập WTO, đương nhiên là không chỉ nhằm riêng Trung Quốc, Nga cũng là nước được quan tâm. Trước đây, Báo cáo của phía Mỹ chủ yếu nêu từng sự việc, đánh giá tuân thủ cam kết của Trung Quốc là tốt và cho rằng “phần lớn lĩnh vực đều làm tốt”. Tuy nhiên, chính quyền Trump sau khi lên cầm quyền đã có lời lẽ cứng rắn, ví dụ như nói hối hận vì đã ủng hộ Trung Quốc gia nhập WTO; dùng nhiều lời lẽ nói Trung Quốc không tôn trọng cam kết.

Trên thực tế, không phải là Trung Quốc không tôn trọng, mà Trung Quốc còn tôn trọng khá tốt, chỉ có điều là chưa đạt được kỳ vọng của Mỹ. Ví dụ, trong các Hiệp định thương mại ký Mỹ với các nước khác có một số điều khoản yêu cầu Trung Quốc đạt tới (trong khi qui định của WTO nói chung thấp hơn với tiêu chuẩn của Hiệp định Mỹ ký với nước khác). Khi Trung Quốc chưa đạt tới thì Mỹ nói Trung Quốc không tuân thủ cam kết. Đây là điều không hợp lý.

Mỹ có thể thông qua các Hiệp định mậu dịch để thúc đẩy các tiêu chuẩn mậu dịch cao hơn, song những tiêu chuẩn này lại được đưa ra khuôn khổ đa phương rồi đơn phương yêu cầu Trung Quốc tôn trọng rõ ràng là không có căn cứ pháp lý quốc tế. Thời kỳ chính quyền Obama trọng tâm thúc đẩy Hiệp định TPP  đưa ra qui định thương mại quốc tế tiêu chuẩn cao. Sau khi lên cầm quyền, chính quyền Trump tuyên bố rút khỏi TPP và đặt trọng tâm vào thúc đẩy cơ chế mậu dịch tự do Bắc Mỹ, sau khi đàm phán xong được đặt tên là USMCA. Hiện tại, các qui định mậu dịch quốc tế tiêu chuẩn cao đang được mở rộng và trở thành xu thế, trong tương lai việc cải cách WTO sẽ tiếp thu một số qui tắc này. Tuy nhiên, cho dù nó sẽ trở thành xu thế trong tương lai song trước khi có qui tắc đa phương thì cũng không thể yêu cầu các nước thành viên WTO chưa tham gia qui tắc đa phương mới phải tuân thủ qui tắc này.

Vấn đề này chắc chắn có thể đàm phán, Trung Quốc có thể thông qua cải cách, thông qua mở cửa để kết nối với tiêu chuẩn mậu dịch cao, nỗ lực đạt tới tiêu chuẩn của phía Mỹ nêu ra. Trung Quốc cũng có thể đàm phán với phía Mỹ để cùng nâng cao trình độ của qui định của WTO, thúc đẩy cải cách các qui định tương ứng. Trung-Mỹ đã tiến hành 11 vòng đàm phán, 10 vòng trước tiến hành về tổng thể cũng thuận lợi, song tới vòng 11, phía Mỹ nêu vấn đề chấp hành là một nguyên nhân quan trọng gây bế tắc vòng đàm phán này. Phía Mỹ phàn nàn rất nhiều về việc cam kết tuân thủ thỏa thuận của phía Trung Quốc. Trên thực tế, nhiều cam kết bản thân là phi chính thức, mặt khác phía Mỹ yêu cầu Trung Quốc phải chấp hành theo tiêu chuẩn của mình; hơn nữa phía Mỹ cũng không thực hiện được một bộ phận cam kết thì lại nêu yêu cầu này với phía Trung Quốc. Tóm lại, phía Mỹ cuối cùng chỉ có thể quay trở lại khuôn khổ WTO để tìm kiếm sự giám sát, kiềm chế đối với Trung Quốc do sự ràng buộc đa phương thì rộng hơn so với thỏa thuận song phương. Điều này làm cho sự điều chỉnh cơ chế giám sát, thẩm tra trở thành nội dung quan trọng của cải cách WTO.

Cải cách WTO rơi vào khó khăn

Trên thực tế việc cải cách WTO đã được trao đổi sớm từ đầu thế kỷ 21. Lúc đó các bên đều cảm thấy thúc đẩy vòng đàm phán Doha gặp khó khăn song cải cách WTO vẫn chưa trở thành điểm nóng. Từ cuối năm ngoái, vấn đề cải cách WTO không ngừng nóng lên và tính chính trị nổi rõ. Các thực thể kinh tế đều nêu các phương án cải cách WTO, như EU, Trung Quốc. Mỹ nêu một số lập trường riêng trong một số báo cáo và kiến nghị. Có thể nói cải cách WTO có tính cần thiết, các bên đã đạt được nhận thức chung. Tuy nhiên, việc cải cách WTO cần tiến hành như thế nào, các bên còn chưa có một phương án thống nhất. Hiện tại, cải cách WTO vẫn chỉ dừng ở mong muốn, yêu cầu, các bên có ý nghĩ riêng. Hiện tại các lĩnh vực của cải cách WTO chủ yếu có 4 mặt.

Một là, vấn đề cơ chế giải quyết tranh chấp, điều này có tính cấp bách do cơ cấu tố tụng của cơ chế giải quyết tranh chấp hiện nay đã bị tắc nghẽn, toàn bộ cơ chế rơi vào mối nguy hiểm tê liệt. Năm ngoái, Liên hợp Trung Âu đưa ra phương án liên quan tới cơ chế giải quyết tranh chấp cũng là nhằm thúc đẩy cải cách vấn đề này. Hiện tại, về vấn đề này có thể nói, ngoài Mỹ còn các thành viên khác đều có thể đạt được nhận thức chung. Tức là các thành viên nằm trong cơ quan tố tụng của cơ chế giải quyết tranh chấp cần mau chóng được bầu ra, tuy nhiên Mỹ tự tách riêng ra.

Hai là, về sự vận hành của bản thân WTO, do hiện nay WTO không như IMF hoặc Ngân hàng thế giới, Tổng thư ký WTO là người vận hành công việc bình thường của WTO song bản thân cơ cấu này không có quyền lực đặc biệt. Về cơ bản, thành viên của WTO đều làm theo ý của mình, Hội nghị Bộ trưởng là cơ quan nghị sự tối cao. Điểm này có sự nhận thức chung nhiều nhất giữa các nước vì không liên quan tới quyền lợi đặc biệt ví dụ tăng thêm quyền cho một số ủy ban, hủy bỏ một số loại Hội đồng trị sự do vậy tương đối dễ dàng.

Ba là, cải cách sửa đổi điều khoản của WTO là quan trọng nhất. Sự khác biệt trong mặt này khá nhiều. Đương nhiên, các nước có nhận thức chung phổ biến đối với một số vấn đề, ví dụ vấn đề nghề cá với sự phát triển bền vững; vấn đề thương mại điện tử với lĩnh vực kinh tế số, đa số các nước đều nhất trí tiến hành đàm phán, chỉ có điều việc bảo mật dữ liệu là có sự khác biệt. Tiện lợi hóa đầu tư cũng cần tiến hành đàm phán và là nhận thức chung. Về cơ chế đàm phán, EU đưa ra mô thức đàm phán tất cả các bên tức là có ý nguyện đàm phán là có thể tham gia.

Một số vấn đề khác có lập trường khác biệt khá rõ là vấn đề doanh nghiệp nhà nước. Mỹ, Nhật Bản, EU đã tiến hành cuộc họp 3 bên Bộ trưởng thương mại, đã ra Tuyên bố chung. Trong tuyên bố, các nước này muốn đưa điều khoản trợ cấp Nhà nước đối với các doanh nghiệp nhà nước vào khuôn khổ qui tắc mới của WTO để đối phó với sự bóp méo thị trường. Điều này không nghi ngờ gì là nhằm vào Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc vẫn chưa có phương án rõ ràng về vấn đề này. Hãy còn một sự khác biệt nữa là địa vị của Trung Quốc là nước đang phát triển và sự hủy bỏ một số chế độ đãi ngộ khác biệt và đặc biệt đối với một số thành viên. Rất nhiều nước phát triển nêu Trung Quốc và một số thành viên là nước đang phát triển có sự khác biệt với các nước thành viên đang phát triển, có thể qui thành các nước đang phát triển tiến bộ (advanced developing country). WTO cần chiếu cố các nước kém phát triển nhất là không có tranh cãi gì. Tuy nhiên, hiện nay trong khuôn khổ WTO, các nước đang phát triển đều tự nhận mình là nước đang phát triển. Tuy nhiên, Mỹ và các nước đang phát triển đều bày tỏ cần xây dựng một tiêu chuẩn “tốt nghiệp” với việc hủy bỏ sự đãi ngộ riêng biệt và đặc thù cho các nước này.

Bốn là, cải cách cơ chế quyết sách của WTO, hiện nay vẫn chưa đưa ra cải cách cơ chế quyết sách. WTO yêu cầu đàm phán nhất trí, nếu như một thành viên phản đối thì các phương án liên quan sẽ không được thông qua, rõ ràng đã làm giảm đi nhiều tính hiệu quả quyết sách. Hiện nay, vấn đề này vẫn chưa có bên nào đưa ra phương án riêng của mình. Trung Quốc chỉ nói sẽ giữ nguyên cơ chế quyết sách hiện nay.

Lấy cơ chế G20 thúc đẩy cải cách WTO

Sau khi các thực thể kinh tế chủ yếu bày tỏ yêu cầu, cải cách WTO đi vào giai đoạn xây dựng phương án cải cách, vai trò quan trọng của G20 sẽ nổi lên. Trước đó, cải cách các lĩnh vực mà WTO làm liên quan tới G20 cũng không ít, năm nay tổ chức tại Nhật Bản, cải cách WTO đã trở thành chủ đề “hot” hơn so với năm ngoái tổ chức tại Argentina. WTO có 164 thành viên, song các vấn đề lớn đều do các thực thể kinh tế lớn đạt được nhận thức chung. Giai đoạn sau là tìm nhận thức chung, vạch ra lộ trình cải cách.

Hiện tại việc cần làm là tiến hành phân loại vấn đề cần cải cách. Xác định loại vấn đề nào có sự khác biệt lớn, loại nào khác biệt nhỏ, loại nào khó có thể điều hòa. Sau đó có thể xác định sơ bộ thời gian biểu giải quyết. Ví dụ, có một số cải cách dễ thúc đẩy, trong khoảng 5 năm có thể đạt nhất trí thì trước tiên bắt đầu tiến hành. Loại mâu thuẫn, khác biệt lớn ví dụ vấn đề doanh nghiệp nhà nước và sự khác biệt trong nhận thức về địa vị nước đang phát triển thì có thể tạm gác lại.

Sau khi có lộ trình giải quyết, thì liên quan tới vấn đề thực hiện. Lúc đó cần xem xét xây dựng một nhóm lãnh đạo cải cách phụ trách công tác chấp hành và điều phối, nhóm này có thể có hơn chục người, do các bên cử ra. Nội bộ các thành viên có thể xây dựng cơ chế điều phối tương ứng, liên hệ với Nhóm Lãnh đạo cải cách của WTO. Giai đoạn này, G20 vừa vặn có thể phát huy vai trò tích cực do G20 đã tập hợp các nền kinh tế có tính tiêu biểu nhất, có tính hợp pháp và tính hiệu quả. Các nền kinh tế quan trọng nhất có thể tiến hành điều phối trong G20, ví dụ Trung –Mỹ tiến hành điều phối. Sau khi G20 bàn bạc xong các vấn đề lớn, phản ánh cải cách của WTO, G20 có thể phát huy vai trò tích cực trong cải cách WTO./.

(Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here