Trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 34 vừa được tổ chức thành công tại Bangkok, Thái Lan, ASEAN đang phải đối mặt với những không chắc chắn từ bên trong cũng như bên ngoài. Theo phân tích của The Diplomat, ASEAN hiện có những vấn đề cấp bách cần giải quyết và các nước thành viên của khối được cho là đang có những quan điểm khác nhau về việc ASEAN cần xác định cho mình vị thế ra sao để đối mặt với những thách thức phía trước.
Nước Chủ tịch Thái Lan sẽ đóng vai trò then chốt trong việc chỉ đạo và định hình phản ứng của ASEAN, cũng như cho thấy một mặt trận đoàn kết trong việc đối phó với những biến động mà khu vực này phải đối mặt.
Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững
Theo thông lệ, tất cả các nước Chủ tịch ASEAN đều đưa ra một chủ đề xác định nhiệm kỳ chủ tịch của họ. Thái Lan đã lựa chọn chủ đề “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững”. Nói ngắn gọn thì Thái Lan hy vọng có thể thúc đẩy sự tiến bộ của ASEAN để bắt kịp với những thay đổi đang diễn ra, trong đó có việc chuẩn bị cho nền kinh tế mới.
Bangkok cũng thừa nhận rằng ASEAN cần tăng cường quan hệ đối tác với các đối tác đối thoại và các thể chế khác trong việc đương đầu với các thách thức ngày càng gia tăng và muốn bảo đảm rằng các chính sách và các nỗ lực xây dựng cộng đồng của ASEAN là bền vững. Trong khi Thái Lan nỗ lực tạo ra những kết quả cụ thể theo chủ đề của mình, nước này cũng phải dẫn dắt ASEAN vượt qua những bất ổn địa chính trị và kinh tế mà khu vực này phải đối mặt. Sự lãnh đạo của nước này đối với ASEAN trong giai đoạn đầy thử thách này sẽ được theo dõi sát sao.
ASEAN sẽ phải trải qua giai đoạn không chắc chắn trong khu vực do cuộc cạnh tranh chiến lược gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ. Sự kình địch giữa hai nước lớn này không có dấu hiệu suy giảm, với việc Mỹ gọi Trung Quốc là một cường quốc xét lại trong khi Bắc Kinh tuyên bố rằng họ sẽ không chịu khuất phục trước sức ép và sẵn sàng đối đầu với Washington lâu dài.
Không rõ sự không chắc chắn này sẽ kéo dài bao lâu, cũng như kết quả cuối cùng sẽ ra sao. Ngay cả khi ASEAN tìm cách giải quyết và điều chỉnh theo dòng chảy mới này, sự sụp đổ của hệ thống thương mại tự do, sự không chắc chắn về tương lai của hệ thống thương mại đa phương và toàn cầu hóa, xu hướng bảo hộ ngày càng gia tăng, sự xuất hiện của chính trị bản sắc và nhu cầu cấp thiết phải điều chỉnh theo những thực tế mới của nền kinh tế kỹ thuật số.
Những thách thức sâu sắc này cần được xử lý ngay khi các nước thành viên ASEAN tiếp tục đối phó với các thách thức phi truyền thống xuyên quốc gia hiện đang gây ra những nguy cơ thực sự hiện hữu, như chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, ma túy, buôn người, an ninh hàng hải và các thách thức trên không gian mạng.
Ngoài tất cả những điều trên, mỗi nước thành viên ASEAN cũng có những ưu tiên riêng ở trong và ngoài nước cũng như các mối quan ngại quốc gia khác có thể làm suy yếu khả năng hoặc sự sẵn sàng dốc sức vì một phản ứng được phối hợp của khu vực trước các thách thức đang ngày càng tăng này.
Câu hỏi then chốt là liệu ASEAN, bất chấp 52 năm tồn tại và danh tiếng phải khó khăn lắm mới đạt được là một tổ chức khu vực thành công, có còn sở hữu những phương tiện, sự nhanh trí và sự ngoan cường để lèo lái vượt qua và sống sót trước những thách thức có vẻ nan giải mà họ sẽ phải đối mặt trong tương lai hay không. Những câu hỏi vẫn không ngừng được đặt ra về sức mạnh của sự đoàn kết ASEAN?
Khát vọng then chốt
Là một chiến lược, ASEAN hy vọng có thể hiện thực hóa một cộng đồng hòa nhập và có tính kết nối cao vào năm 2025 như những gì được hình dung trong Văn kiện tầm nhìn 2025 của khối này.
Việc thành lập thị trường và cơ sở sản xuất chung là một khát vọng then chốt mà sẽ làm được nhiều điều cho nhóm nước khu vực này nếu được hiện thực hóa. Đó là một tham vọng lớn nhưng chắc chắn khả thi – chừng nào mỗi nước thành viên vẫn sẵn sàng đưa ra những thay đổi, điều chỉnh và hy sinh cần thiết ở trong nước để hiện thực hóa mục tiêu này đồng thời đối phó với các cú sốc và sự biến động bên ngoài mà giờ đây họ phải đối mặt.
Khi xét tới tính độc đáo về mặt cấu trúc của ASEAN, nhất là hoạt động ra quyết định dựa trên sự đồng thuận, việc ASEAN đã tiến bộ đến mức này trong suốt 52 năm từ khi được thành lập đến nay là một thành công không hề nhỏ. Họ không chỉ tiến bộ trong các lĩnh vực được coi là “quả dễ hái”, vốn thường mang tính kỹ thuật và có lợi cho tất cả các nước thành viên, mà còn cả trong các lĩnh vực trọng yếu trên cả 3 trụ cột định hình cách thức tổ chức ASEAN, cụ thể là an ninh-chính trị, kinh tế và văn hóa-xã hội.
ASEAN đã đạt được những tiến bộ thực sự trong việc tạo ra các cách tiếp cận khu vực để chống lại các mối đe dọa và thách thức chung mà trong đó phải kể đến chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực, an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, các vấn đề an ninh phi truyền thống như buôn người, và sự hỗ trợ nhân đạo và chuẩn bị cứu trợ thảm họa, mà một vài trong số này là những nhiệm vụ liên quan đến nhiều trụ cột.
Sự hợp tác kinh tế ASEAN đã tiến xa kể từ khi ký kết Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN vào năm 1992. Các nước thành viên đã có những tiến bộ về kinh tế trong nước một phần nhờ tư cách thành viên ASEAN, được hưởng lợi từ hòa bình và sự ổn định mà nhóm này đã đem lại cho khu vực, cũng như các thỏa thuận nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài được thiết lập trong những năm qua.
Hồ sơ tập thể của ASEAN đã được hoàn thiện đáng kể, chẳng hạn như quy mô thị trường đạt mức 640 triệu người, thương mại với thế giới đang tăng (ở mức 2.570 tỷ USD năm 2017) trong đó phần lớn là nhờ sự hỗ trợ từ mạng lưới các hiệp định thương mại tự do của khối này, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) gia tăng hàng năm (2.800 tỷ USD trong năm 2017) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gia tăng, ở mức 137 tỷ USD trong năm 2017. Tất cả những con số này cho thấy ASEAN đã sẵn sàng trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới tính đến năm 2030 và làm nên hình ảnh tốt đẹp về thành công của ASEAN.
Trên thực tế, những số liệu này chỉ ra rằng, nếu ASEAN chỉ là một quốc gia, thì chắc chắn đây sẽ là một chủ thể kinh tế toàn cầu đáng gờm. Tuy nhiên, nếu chia nhỏ các số liệu này theo thành tích của từng nước thành viên thì có thể thấy sự chênh lệch lớn tồn tại ngay trong nhóm này.
Niên giám thống kê ASEAN năm 2018, do Ban thư ký ASEAN công bố, tiết lộ rằng sự chênh lệch này dựa trên số liệu thống kê của từng nước thành viên. Chẳng hạn, GDP bình quân đầu người của Singapore và Brunei gồm 5 con số trong khi các nước thành viên ASEAN còn lại vẫn dừng ở mức 4 con số. Dòng vốn FDI hàng năm chảy vào khu vực này cũng không phân bổ đồng đều. Một số nước thành viên hàng năm thu hút dòng vốn FDI lớn trong khi các nước khác thì không. Trong tổng số FDI trị giá 137 tỷ USD của ASEAN được ghi nhận trong năm 2017, Singapore thu được hơn 62 tỷ USD, tiếp theo là Indonesia, Việt Nam và Philippines lần lượt ở mức 23 tỷ, 14 tỷ và 10 tỷ USD.
Sự đoàn kết trong ASEAN chính là chìa khóa
Giai đoạn hội nhập kinh tế đầu tiên của ASEAN đã kết thúc vào năm 2015 và hiện khối này đang trong giai đoạn tiếp theo như được vạch ra trong Kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN giai đoạn 2015-2025. Hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn đòi hỏi phải giải quyết các vấn đề sau:
Thương mại nội khối ASEAN ở mức thấp: Thương mại nội khối ASEAN chỉ chiếm khoảng 23% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN, bất kỳ thay đổi nào trong môi trường thương mại bên ngoài cũng sẽ tác động đến tình trạng ngoại thương của ASEAN. ASEAN đã đặt cho mình mục tiêu tăng gấp đôi thương mại nội khối tính đến năm 2025 như là một bước đệm chống lại sự phụ thuộc quá mức của khối này vào thương mại toàn cầu. Điều này đòi hỏi phải có sự điều chỉnh và cam kết của mỗi nước thành viên, bao gồm việc cải thiện kết nối cơ sở hạ tầng bên trong ASEAN nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy xuất nhập khẩu xuyên biên giới cũng như các hoạt động sản xuất bổ trợ.
Kiểm soát các hàng rào phi thuế quan: Mặc dù các nước thành viên đã hoàn thành phần lớn các mục tiêu xóa/giảm thuế được nhất trí trong AFTA và các danh sách loại trừ đã được rút ngắn, nhưng vẫn có sự gia tăng đồng thời các biện pháp phi thuế quan bên trong ASEAN, từ 1.634 lên đến 5.975 biện pháp trong giai đoạn năm 2000-2015. Các biện pháp phi thuế quan làm suy yếu môi trường miễn thuế mà AFTA đang tìm cách thúc đẩy.
Thu hẹp khoảng cách phát triển: Có một khoảng cách rộng về mức độ kinh tế và phát triển của mỗi quốc gia thành viên. Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI) được tạo ra với mục tiêu cụ thể là thu hẹp khoảng cách phát triển bên trong ASEAN. Tuy nhiên, khoảng cách này vẫn còn rất rộng. Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, ở một mức độ thấp hơn, tiếp tục tụt hậu so với các nước thành viên ASEAN khác. Mặc dù các nỗ lực IAI giúp ích ít nhiều, nhưng vẫn cần làm nhiều hơn nữa để đưa các nước này tiến lên trên bậc thang phát triển, trong đó bao gồm cả những nỗ lực nội tại của những nước thành viên kém phát triển hơn nhằm thu hút nhiều FDI hơn vào nền kinh tế của họ.
Vượt qua các rào cản trong nước: Các kế hoạch và thỏa thuận của ASEAN nhằm hiện thực hóa một thị trường và cơ sở sản xuất chung phải được tiến hành ở cấp quốc gia, đây là trách nhiệm của mỗi nước thành viên. Mỗi nước có những hạn chế, thách thức và áp lực khác nhau ở trong nước, khiến cho việc thực hiện các thỏa thuận ASEAN ở cấp quốc gia chưa phải là ưu tiên. Ngay cả nếu các nước thành viên muốn theo đuổi việc thực hiện các thỏa thuận trên, vẫn có những thiếu sót về năng lực, rào cản về pháp lý trong nước, hạn chế về nguồn lực và những khó khăn về chính trị trong nước mà một số nước thành viên có thể phải đối mặt.
Hiểu rõ các thỏa thuận hiện thời: Đối với một số nước thành viên, một số thỏa thuận có thể khó thực hiện cho dù họ đã nhất trí về nguyên tắc. Chẳng hạn như việc chuyển dịch lao động trong ASEAN. Các quốc gia như Singapore và Malaysia sẽ thận trọng khi cân nhắc cho phép chuyển dịch lao động tự do vì điều này có thể dẫn đến một “cơn lũ” người lao động thiếu tay nghề từ các nước kém phát triển tràn sang các nước phát triển hơn.
Sự gắn kết về kinh tế của ASEAN vẫn đang được củng cố, nhưng hiện hiệp hội này phải có quyết tâm cao hơn nữa để thực hiện mục tiêu hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn. Có những thách thức mới cần phải giải quyết như các xu hướng hiện nay phản đối các thỏa thuận thương mại đa phương, thái độ chống lại toàn cầu hóa và các xu hướng bảo hộ đang gia tăng.
Những thách thức này sẽ trở nên phức tạp hơn nữa do sự không chắc chắn phát sinh từ tranh chấp thương mại Mỹ-Trung đang ngày càng căng thẳng. Mặc dù mỗi nước thành viên sẽ phải tự điều chỉnh và thay đổi chính sách để điều hướng và giảm thiểu tác động của các xu hướng toàn cầu này, thì ASEAN – với tư cách là một khối – cần phải tiếp tục lên tiếng chống lại những xu hướng trên và mạnh mẽ ủng hộ việc bảo toàn một hệ thống thương mại đa phương tự do, do các quy tắc và chuẩn mực quốc tế chi phối.
Trọng tâm hàng đầu của ASEAN là phải đảm bảo rằng các mục tiêu phát triển và hội nhập của họ sẽ không suy giảm, duy trì cam kết của khối này đối với các quy tắc và chuẩn mực dựa trên luật pháp quốc tế, và tiếp tục lên tiếng bảo vệ thương mại tự do, chủ nghĩa đa phương và các thị trường mở. Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore gần đây đã nói về sự cần thiết để ASEAN duy trì một cơ chế mở và thiết lập quan hệ đối tác với càng nhiều quốc gia và các khối kinh tế càng tốt.
Các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ còn phải thảo luận nhiều điều trước khi đi đến một hiểu biết chung về các thách thức kinh tế và an ninh mà khu vực này phải đối mặt, cũng như những bước đi mà ASEAN phải thực hiện để ứng phó với những thách thức này. Sự đoàn kết trong ASEAN chính là chìa khóa.
Trần Quyên