Những thách thức đối với mục tiêu đạt quy mô nền kinh tế 5.000 tỷ USD của Thủ tướng Ấn Độ

0
100
Thủ tướng Modi đã thể hiện niềm khát khao táo bạo của mình, kêu gọi "nghĩ lớn" vượt ra ngoài khuôn khổ, phá vỡ các mô hình cũ về tăng trưởng và phát triển kinh tế. (Nguồn: Nikkei Asian Review)

Giám đốc tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group Arindam Bhattacharya vừa có bài viết trên tờ Financial Express, nêu bật những thách thức đối với mục tiêu của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhằm đạt giá trị quy mô nền kinh tế 5.000 tỷ USD vào năm 2024.

Thủ tướng Modi đã thể hiện niềm khát khao táo bạo của mình, kêu gọi “nghĩ lớn” vượt ra ngoài khuôn khổ, phá vỡ các mô hình cũ về tăng trưởng và phát triển kinh tế. (Nguồn: Nikkei Asian Review)

Chủ trì cuộc họp Hội đồng điều hành lần thứ 5 của Viện Nghiên cứu Chuyển đổi Ấn Độ (NITI Aayog) mới đây, Thủ tướng Modi đã công bố mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế có quy mô 5.000 tỷ USD vào năm 2024 và khẳng định đây là mục tiêu khó nhưng khả thi.

Theo tác giả bài báo, để hiện thực hóa điều này, Ấn Độ cần phải đạt mức tăng trưởng 12%/năm trong 5 năm tới. Thủ tướng Modi rõ ràng đang muốn khích lệ đất nước và định hình đường lối cho chính phủ mới, nhưng tăng trưởng kinh tế của Ân Độ hiện đang bộc lộ các dấu hiệu suy giảm.

Mục tiêu tăng trưởng nói trên đòi hỏi Ấn Độ phải huy động tất cả các đòn bẩy tăng trưởng kinh tế, bao gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu ở cả ba lĩnh vực là nông nghiệp, sản xuất và dịch vụ. Đông đảo dư luận cho rằng Ấn Độ phải giải quyết các yếu tố không hiệu quả, coi đó là một ưu tiên cao nhất để phát huy tối đa tiềm năng của mình.

Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng các chiến lược để giúp tăng trưởng kinh tế đạt 12%/năm trong 5 năm tới đang trở nên phức tạp, bởi nó diễn ra khi mô hình kinh tế thế giới đang thay đổi. Liên quan đến vấn đề này, hiện có một số thay đổi mà Chính phủ Ấn Độ cần tính đến trên con đường phát triển của mình.

Thứ nhất, sự thay đổi về thương mại thế giới. Tăng trưởng thương mại thế giới, đặc biệt là thương mại hàng hóa, là một phần quan trọng trong các chiến lược tăng trưởng của tất cả các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cường độ thương mại đã chững lại, đặc biệt là thương mại hàng hóa vốn giúp các quốc gia đang phát triển hưởng lợi trong 50 năm trước đó. Trong khi đó, thương mại dịch vụ, nhất là thương mại điện tử (cả dịch vụ lẫn hàng hóa) nơi các quốc gia phát triển nắm lợi thế, đang tăng trưởng nhanh hơn nhiều. Đây là một sự thay đổi cơ cấu quan trọng trong thương mại thế giới.

Thứ hai, sự xuất hiện của một yếu tố thị trường mới là dữ liệu. Việc tạo dựng một thị trường dữ liệu hiệu quả (thông qua cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, các cơ chế quản lý, các quy định về phối hợp hoạt động, quyền riêng tư và luật bảo mật) đang trở nên ngày càng quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, không kém gì việc tạo ra thêm các thị trường yếu tố truyền thống hiệu quả. Những nước triển khai điều này tốt hơn và nhanh chóng hơn sẽ thu về các lợi ích và thiết lập vai trò lãnh đạo toàn cầu trong nhiều ngành công nghiệp.

Thứ ba, việc làm trong lĩnh vực sản xuất chính thức trên thế giới đang sụt giảm, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được thôi thúc bởi các công nghệ số đang tăng tốc. Công nghệ số cũng đang làm xuất hiện các mô hình doanh nghiệp mới, các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp siêu nhỏ, thúc đẩy tăng trưởng của dịch vụ bằng cách hạ thấp chi phí. Một trong những tác động đáng kể của sự thay đổi này là sự xuất hiện của việc làm thời vụ đang gia tăng nhanh chóng như các lái xe Uber và những người giao hàng chặng cuối của các công ty thương mại điện tử. Điều này đặt ra một số thách thức về chính sách. Mặc dù vậy, do sự tăng trưởng của việc làm không chính thức như vậy, nhiều chuyên gia cho rằng Ấn Độ không đối mặt vấn đề về việc làm mà là vấn đề thu nhập thấp. Ấn Độ cần có mô hình kinh tế mới này để thúc đẩy nguồn tạo thu nhập từ các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp siêu nhỏ và hình thức tự doanh.

Thứ tư, sự thay đổi có ý nghĩa quan trọng đối với công tác hoạch định kinh tế dài hạn là vai trò gia tăng của sở hữu trí tuệ và nhân tài như một nguồn tạo giá trị trong thế kỷ 21, trái ngược với vai trò chủ đạo trong thế kỷ 20 của sự chuyển đổi nguyên liệu thô thành sản phẩm cuối cùng. Có thể thấy rõ điều này từ sự đổi ngôi hoàn toàn của top 20 công ty hàng đầu thế giới về giá trị vốn hóa thị trường trong hai thập kỷ qua, từ những công ty chi phối toàn cầu về nguồn tài nguyên và sản xuất sang những công ty dựa trên công nghệ số vốn ngày càng được thúc đẩy bởi các yếu tố sở hữu trí tuệ, dữ liệu và nhân tài.

Thủ tướng Modi đã thể hiện niềm khát khao táo bạo của mình, kêu gọi “nghĩ lớn” vượt ra ngoài khuôn khổ, phá vỡ các mô hình cũ về tăng trưởng và phát triển kinh tế. Sự thành công trong quá trình đó sẽ là sự khác biệt giữa việc mục tiêu vẫn chỉ là niềm ước ao hay trở thành hiện thực.

Huy Lê (theo Financial Express)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here