Đại sứ Việt Nam tại EU Vũ Anh Quang : Hy vọng EVFTA sẽ có hiệu lực vào năm 2020

0
113
Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu Vũ Anh Quang.

Ngày 25/6,  Hội đồng châu Âu đã chính thức thông báo chấp thuận hai Hiệp định giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam về thương mại tự do (EVFTA) và về bảo hộ đầu tư (EVIPA), đồng thời ủy nhiệm cho Ủy ban châu Âu ký kết với Việt Nam vào ngày 30/6 tới tại Hà Nội.

Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu Vũ Anh Quang.

EVFTA và EVIPA là những thỏa thuận tiêu chuẩn và tham vọng cao nhất từng được ký kết giữa EU và một quốc gia đang phát triển dựa trên quy định pháp luật. Theo Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu Vũ Anh Quang, đây là quyết định cuối cùng của EU về việc ký kết các Hiệp định Thương mại Tự do và Bảo hộ Đầu tư giữa EU với một nước đối tác, trước khi EU kết thúc nhiệm kỳ 2014 – 2019 và chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ mới 2019 – 2024, sau bầu cử Nghị viện châu Âu.

Đánh giá về tầm quan trọng của hai Hiệp định này, Đại sứ Vũ Quang Anh cho biết, EVFTA và EVIPA có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam và EU, không chỉ về thương mại, đầu tư. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và EU đánh giá, đây là Hiệp định Thương mại tự do “thế hệ mới, toàn diện, chất lượng cao”; gắn thương mại – đầu tư với “các chuẩn mực về xã hội, lao động, môi trường và các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm”. Đây cũng là các Hiệp định Thương mại – Đầu tư thế hệ mới đầu tiên mà EU đạt được với một nước thu nhập trung bình. Hai hiệp định này, sau khi được hai bên ký và phê chuẩn, sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cả Việt Nam và EU, vì các sản phẩm kinh tế của hai bên không cạnh tranh mà trái lại, mang tính bổ sung cho nhau.

Khi EVFTA có hiệu lực, hơn 99% thuế hải quan đối với hàng hóa giao dịch giữa hai bên sẽ được dỡ bỏ, Việt Nam cũng sẽ loại bỏ 65% thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu của EU. Các phần thuế còn lại cũng sẽ dần được xóa bỏ trong vòng 10 năm sau đó. Bên cạnh việc mang lại những cơ hội kinh tế quan trọng,  EVFTA cũng đảm bảo rằng thương mại, đầu tư và phát triển bền vững luôn song hành, bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn cao nhất về bảo hộ lao động, an toàn, bảo vệ môi trường và người tiêu dùng.

Trong khi đó, EVIPA sẽ giúp bảo vệ và tăng đầu tư của EU vào Việt Nam. Điều này hứa hẹn đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hoạt động thương mại và đầu tư của EU tại Đông Nam Á.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với thương mại hàng hóa trị giá gần 50 tỷ Euro (khoảng 56 tỷ USD) vào năm 2018, sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới và EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Các doanh nghiệp EU cũng sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam, nhất là các ngành EU có thế mạnh như công nghệ cao, năng lượng sạch, tự động hóa, tài chính – ngân hàng, vận tải, logistics, qua đó hỗ trợ nỗ lực của Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bao trùm, bền vững.

Theo lịch trình, sau khi được ký kết, hai hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu (EP) và nghị viện của 28 nước thành viên bỏ phiếu thông qua. Theo đánh giá, EVFTA sẽ được EP thông qua vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2020. Còn EVIPA sẽ mất nhiều thời gian hơn, ít nhất là 2 năm để EP và nghị viện của 28 quốc gia thành viên thông qua.

Giải thích rõ về tiến trình phê chuẩn để hai Hiệp định trên sớm có hiệu lực, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu cho biết, về phía Việt Nam, các Ủy ban liên quan của Quốc hội sẽ nghiên cứu, cho ý kiến thẩm định về 2 văn kiện và trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình phê chuẩn các điều ước quốc tế.

Vì không phải một quốc gia nên quy trình phê chuẩn của EU phức tạp hơn. Theo quy định của EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU sẽ có hiệu lực sau khi được Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu phê chuẩn; Hiệp định Bảo hộ đầu tư sẽ có hiệu lực chậm hơn, vì sau khi được Quốc hội hai bên phê chuẩn, còn phải chờ Quốc hội của 28 quốc gia thành viên EU phê chuẩn.

Đại sứ Vũ Quang Anh hy vọng, Nghị viện châu Âu nhiệm kỳ mới sẽ sớm ổn định các vấn đề tổ chức, nhân sự sau bầu cử để bắt đầu xem xét 2 Hiệp định vào tháng 9 hoặc 10/2019 và bỏ phiếu phê chuẩn cuối năm 2019 hoặc đầu 2020.

Theo nhận định của Đại sứ Vũ Quang Anh, đây sẽ là một tiến trình không ít khó khăn, thách thức đối với cả hai bên. Tôi tin tưởng rằng, trong khuôn khổ quan hệ Đối tác – Hợp tác toàn diện Việt Nam – EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU sẽ có hiệu lực trong năm 2020, Hiệp định Bảo hộ đầu tư cũng sẽ sớm có hiệu lực, vì lợi ích to lớn, lâu dài của cả Việt Nam và EU, vì một hệ thống thương mại – đầu tư toàn cầu tự do, rộng mở dựa trên luật lệ và phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm./.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here