Hội nghị phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ 2019

0
147

Ngày 25/6/2019, tại thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, đã diễn ra Hội nghị phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương trong vùng, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và các chuyên gia, học giả.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá những thành tựu, hạn chế, khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh phát triển Vùng phù hợp với thực tế và nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, đưa Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trở thành đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước, có vai trò dẫn dắt và tạo sức mạnh lan tỏa phát triển bền vững nền kinh tế quốc gia.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tựu Vùng đạt được trong thời gian vừa qua, thể hiện ở những con số hết sức ấn tượng như tốc độ tăng trưởng vùng GRDP bình quân ba năm 2016-2018 đạt 9,08%, cao nhất trong bốn Vùng kinh tế trọng điểm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 85%; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 25,6%, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu của cả nước; tổng thu ngân sách đạt 1.170 nghìn tỷ đồng, chiếm 31,2% tổng số thu ngân sách cả nước… Không những vậy, Vùng còn đạt được nhiều thành tựu về mặt xã hội với tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 34,9%, cao nhất trong các Vùng kinh tế trong điểm của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,5% năm 2016 xuống còn 2% năm 2018 theo chuẩn đa chiều, thấp nhất trong cả nước…

Thủ tướng Chính phủ cho rằng mặc dù đạt được những thành tựu đáng hoan nghênh kể trên, thời gian qua, Vùng vẫn chưa tạo được những bước tiến mang tính đột phá, phát triển nhanh song chưa thực sự bền vững. Tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ bắt đầu có xu hướng giảm sút, nhất là ngành dịch vụ chất lượng cao; sản xuất nông nghiệp còn manh mún, công nghệ chế biến nông sản còn lạc hậu. Chỉ số các nhân tố tổng hợp TFP còn chưa cao, trình độ ứng dụng khoa học công nghiệp ở tầm thấp, công nghiệp hỗ trợ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Khu vực doanh nghiệp FDI thiếu gắn kết với khu vực doanh nghiệp trong nước, chưa tạo được sức mạnh lan tỏa nâng cao năng lực sản xuất trong nước; doanh nghiệp FDI chủ yếu vẫn tập trung đầu tư vào các ngành lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên trong khi tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng thấp. Không gian phát triển hình thành một cách thụ động, chưa rõ nét theo định hướng; tốc độc xây dựng cơ sở hạ tầng tiến bộ song tình trạng quá tải sẽ sớm xảy ra. Hợp tác nội Vùng chưa cao, phát triển thiếu quy hoạch, định hướng rõ nét. Phát triển kinh tế – xã hội chưa đi đối với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh…

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội Vùng để từ đó rút ra được những bài học kinh nghiệm, đề ra được những giải pháp thiết thực hơn trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Thủ tướng nhấn mạnh định hướng phát triển Vùng trong thời gian tới cần có trọng tâm, trọng điểm hơn theo hướng: (i) Lấy đổi mới, sáng tạo là động lực phát triển, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp trụ cột, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao, từng bước nâng cao trình độ khoa học công nghệ; (ii) Lấy con người làm trung tâm, tập trung phát triển nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng tốt; (iii) Chú trọng mô hình tăng trưởng bền vững, kinh tế tuần hoàn, phát triển đi đối với an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh; (iv) Tăng cường hiệu quả cơ chế phối hợp Vùng, trước hết cần xây dựng được cơ sở dữ liệu dùng chung cho cả Vùng…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng lúa nước là thế mạnh truyền thống của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, do đó, trong thời gian tới, Vùng cần chú trọng hơn trong việc phát triển một nền nông nghiệp tiên tiến và bền vững, gắn với nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, từ đó nâng cao sức khỏe người dân và thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định với ưu thế về nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và cơ sở hạ tầng, Vùng cần làm tốt hơn công tác quy hoạch Vùng, xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng về giao thông và phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng để Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trở thành đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước, thời gian tới cần xây dựng quy hoạch Vùng theo hướng trọng tâm, trọng điểm hơn, tăng cường cơ chế phối hợp Vùng, nâng cao hiệu quả kết nối hạ tầng trong nội bộ Vùng và liên Vùng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, có giải pháp chống lại các vấn nạn của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa. Bí thư thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh hai giải pháp quan trọng cần phải thực hiện ngay là tăng cường thu hút nguồn lực xã hội để đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng lớn của Vùng và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Vùng để thu hút được ngày càng nhiều đầu tư chất lượng cao.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp và các chuyên gia, học giả cũng tham gia phát biểu tham luận và hiến kế. Nhiều ý kiến cho rằng trong thời gian tới cần có chính sách nâng cao năng suất Vùng thông qua việc chú trọng đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng cơ sở hạ tầng có tính kết nối mạnh; tăng cường liên kết Vùng thông qua việc xây dựng quy hoạch Vùng có định hướng rõ nét, trong đó có phân công, chuyên môn hóa dựa trên thế mạnh của từng địa phương trong Vùng; phát triển kinh tế Vùng gắn kết chặt chẽ với môi trường và xã hội, chú trọng kinh tế tuần hoàn … Có ý kiến cho rằng cần mở rộng thêm các tỉnh, thành lân cận vào Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cần có một tổ chức chuyên trách, một bộ phận chuyên môn phụ trách phát triển Vùng theo quy hoạch chung, tránh tình trạng phát triển tràn làn theo từng địa phương riêng lẻ…

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm 07 tỉnh, thành phố (Thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc) là vùng trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ của cả nước, được phê duyệt theo Quyết định 198/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/01/2014. Tháng 12/2016, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nhiệm kỳ 2015 – 2016, thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị hợp tác phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ năm 2016. Hội nghị đã thông qua Kế hoạch Điều phối phát triển Vùng giai đoạn 2017 – 2020./.

Lan Hương

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here