RCEP sẽ là yếu tố chủ chốt giúp gia tăng trao đổi thương mại trong ASEAN

0
147
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 34.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 34.

Phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 34 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Chủ tịch ASEAN năm 2019, đã chính thức khép lại. Trọng tâm của hội nghị xoay quanh Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc khởi xướng, giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang gây tác động ngày càng lớn đến nền kinh tế của các nước trong khu vực.

Theo AFP, tại Hội nghị Cấp cao ở Bangkok, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á sẽ nỗ lực thúc đẩy việc ký kết hiệp định RCEP, để hình thành một khu vực tự do thương mại bao gồm 10 nước ASEAN và 6 nước khác là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Một thị trường rộng lớn chiếm một nửa dân số thế giới. Dường như RCEP càng đóng vai trò quan trọng khi căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng…

Hiệp định RCEP do Trung Quốc đề xuất sẽ kết nối khoảng một nửa dân số thế giới và được xem là một cách để Trung Quốc định hình cấu trúc thương mại châu Á – Thái Bình Dương, sau sự thoái lui của Mỹ khỏi khu vực. Ngay sau khi nhậm chức, ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) – lẽ ra sẽ là hiệp định thương mại có quy mô lớn nhất thế giới – và gọi đó là “kẻ hủy diệt việc làm” của người dân nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Truyền thông sở tại dẫn lời Thủ tướng Thái Lan Prayut phát biểu tại một diễn đàn kinh doanh được tổ chức bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34: “Các mâu thuẫn thương mại giữa các cường quốc chính đã tác động đến thương mại toàn cầu cũng như bầu không khí đầu tư và cuối cùng có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh thương mại. Ngoài ra, chúng ta phải đối mặt với thách thức của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với công nghệ và sáng tạo mang tính đột phá mà sẽ tác động tới nền kinh tế toàn cầu, kể cả những người dân từ mọi tầng lớp”.

Ông Prayut tỏ ý tin tưởng rằng Thái Lan và ASEAN có khả năng đương đầu với những thách thức nói trên, đồng thời có thể hành động như là một cơ sở ổn định cho thương mại và đầu tư và là giải pháp để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trên khắp thế giới. Ngoài ra, ASEAN vẫn sẽ duy trì được tính trung tâm của hiệp hội trong cấu trúc khu vực giữa lúc có sự cạnh tranh của các cường quốc lớn trong vùng.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang ảnh hưởng ngày càng nhiều đến kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế khu vực nói riêng, phát ngôn viên của Chính phủ Thái Lan Weerachon Sukhontapatipak đã tuyên bố với báo chí: “Hiệp định RCEP sẽ là yếu tố chủ chốt giúp gia tăng trao đổi thương mại”.

Bộ trưởng Truyền thông Philippines Martin M. Andanar cũng cho rằng, Hiệp định RCEP cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Các cuộc đàm phán về RCEP đã bắt đầu ngay từ năm 2012, nhưng trong những tháng gần đây, tiến trình thương lượng đã bị chững lại do Ấn Độ lo ngại hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường khổng lồ này. Về phần Australia và New Zealand, hai nước này quan ngại về việc thiếu những bảo đảm về môi trường và lao động trong hiệp định.

Trả lời phỏng vấn truyền thông tối 21/6 trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34,  phát ngôn viên của Chính phủ Thái Lan Weerachon nói rằng, sự liên kết, kết nối ASEAN là một vấn đề quan trọng, vì chỉ có gắn kết và kết nối tốt thì mới có một Cộng đồng ASEAN vững mạnh về mọi mặt, từ kinh tế, chính trị, an ninh. Tất cả các nước ASEAN sẽ phải cùng phối hợp nhằm chung tay tạo dựng sự kết nối này. Đây chính là điều mà Thủ tướng Thái Lan rất quan tâm và đẩy mạnh trong thời gian qua cũng như trong tương lai.

Hội nghị lần này cũng nhấn mạnh đến lợi ích chung của cộng đồng, của người dân các nước ASEAN. Chính vì vậy Thái Lan muốn thúc đẩy để năm nay là một năm trọng điểm, năm văn hóa ASEAN nhằm thúc đẩy các lĩnh vực khác cùng phát triển.

Phương Nga

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here