Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) là khu vực có đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất nhập khẩu và nguồn thu ngân sách nhà nước của Việt Nam. Tuy nhiên, trong thu hút và quản lý ĐTNN vẫn còn những hạn chế như: cơ cấu ngành/vùng của ĐTNN còn chưa phù hợp; sử dụng nhiều lao động nhưng giá trị gia tăng không cao; tình trạng mất cân đối của ĐTNN giữa các địa phương; việc ĐTNN tập trung vào các ngành sử dụng nhiều lao động đã dẫn tới hiện tượng nhiều khu công nghiệp có một số lượng lớn người lao động nhưng chưa đảm bảo cơ sở hạ tầng về an sinh xã hội… Đây là các vấn đề cần phải được nghiên cứu, kiến nghị hướng giải quyết nhằm phục vụ cho việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 – 2030. Để nâng cao hiệu quả thu hút ĐTNN trong giai đoạn 2021 – 2030, bài biết nghiên cứu này sẽ tập trung vào phân tích kinh nghiệm của một số nước trên thế giới trong việc thu hút ĐTNN trên các khía cạnh sau: (1) Chính sách ưu đãi thuế nhằm thu hút ĐTNN; (2) Chính sách hỗ trợ khác, trong đó chủ yếu là tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn, bình đẳng, cải cách các thủ tục hành chính, đặc biệt là về điều kiện kinh doanh đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
1. Chính sách ưu đãi thuế nhằm thu hút ĐTNN
So với giai đoạn trước, để tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của nhiều nước trên thế giới, cả các nước phát triển và các nước đang phát triển, đã được điều chỉnh giảm đáng kể. Mức thuế suất thuế TNDN trung bình của các nước OECD đã giảm từ 32% năm 2000 xuống 25% năm 2015 và đến năm 2018 còn 22%. Từ năm 2013 đến nay, Anh đã 4 lần giảm thuế suất thuế TNDN phổ thông, từ 24% xuống 19%. Năm 2017, Mỹ đã giảm mức thuế suất phổ thông thuế TNDN từ 35% xuống còn 21%. Tại khu vực châu Á, năm 2010, Singapore đã giảm mức thuế suất thuế TNDN từ 18% xuống 17%. Hàn Quốc đã cắt giảm thuế suất thuế TNDN từ 22% xuống 20% vào năm 2012. Malaysia giảm thuế suất từ 25% xuống 24% từ năm 2016.
Bên cạnh đó, gần đây cũng đã có một số quốc gia thực hiện thu hẹp phạm vi ưu đãi thuế nhằm đảm bảo tính trung lập của hệ thống chính sách thuế, ví dụ như trường hợp Jamaica, Ai Cập hay Trung Quốc. Năm 2013, Jamaica đã thực hiện một công cuộc cải cách thuế khá toàn diện, xóa bỏ nhiều chính sách ưu đãi thuế. Ai cập năm 2005 cũng đã ban hành Luật thuế thu nhập mới, qua đó đã bãi bỏ chính sách miễn, giảm thuế có thời hạn và áp dụng các quy định chuyển tiếp cho các dự án đang thực hiện. Nguồn vốn FDI vào Ai Cập trong năm sau đó (2005-2006) vẫn tăng gấp đôi (IMF, 2015). Tương tự, cuối thập niên 2000, Trung Quốc cũng đã thực hiện đơn giản hóa chính sách ưu đãi thuế trong lần cải cách thuế năm 2008 . Theo đó, Trung Quốc đã thống nhất áp dụng thuế suất thuế TNDN đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài và thu hẹp phạm vi áp dụng ưu đãi thuế, chuyển từ ưu đãi dựa theo địa bàn sang dựa chủ yếu theo ngành nghề.
1.1. Chính sách ưu đãi thuế ở một số quốc gia trên thế giới:
Chính sách ưu đãi về giảm mức thuế suất
Ưu đãi về giảm thuế suất, đặc biệt là thuế suất thuế TNDN đang được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Theo đó, các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào các lĩnh vực khuyến khích đầu tư như ngành công nghệ cao, DNNVV,… có thể được hưởng ưu đãi về thuế suất trong một thời hạn nhất định. Cụ thể ở một số nước như sau:
Ở Trung Quốc, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông là 25%, trong khi đó các DNNVV được áp dụng mức thuế suất ưu đãi là 10%-20%, doanh nghiệp công nghệ cao được áp dụng thuế suất 15%.Ở Thái Lan, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông là 20% nhưng các DNNVV được áp dụng thuế suất ưu đãi ở mức thấp hơn. Ở Australia, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông là 30% còn mức thuế suất thuế TNDN đối với doanh nghiệp nhỏ là 27,5% và áp dụng cho doanh nghiệp có tổng thu nhập ít hơn 25 triệu AUD trong năm tài chính 2017-2018 và ít hơn 50 triệu AUD trong năm tài chính 2018-2019 . Ở Hàn Quốc không có quy định về mức thuế suất ưu đãi đối với DNNVV. Tuy nhiên, thuế TNDN được thu theo biểu thuế lũy tiến (từ 10% đến 25%) từ 01/01/2018 với các mức thuế suất cao hơn áp dụng đối với phần thu nhập chịu thuế ở mức cao hơn.
Chính sách ưu đãi về miễn, giảm thuế có thời hạn
Trong số các hình thức ưu đãi thuế, miễn, giảm thuế có thời hạn là hình thức được áp dụng phổ biến nhất, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. So với các nước đang phát triển, tỷ lệ các quốc gia phát triển có sử dụng hình thức ưu đãi về kỳ miễn, giảm thuế thấp hơn đáng kể. Chỉ có 21% số quốc gia thuộc OECD có áp dụng hình thức ưu đãi này. Gần đây, một số nước phát triển đã bãi bỏ hình thức ưu đãi miễn, giảm thuế có thời hạn.
Tại Trung Quốc, pháp luật về thuế TNDN của nước này cho phép: i) miễn thuế trong 1 năm đầu có lãi và giảm 50% số thuế phải nộp trong 2 năm tiếp theo đối với các ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, các liên doanh góp vốn cổ phần hoạt động tại các khu phát triển công nghệ mới và công nghệ cao, hoặc tại các đặc khu kinh tế có thời gian hoạt động từ 10 năm trở lên; (ii) miễn thuế trong 2 năm đầu có lãi và 50% số thuế phải nộp cho 3 năm tiếp theo đối với các doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 10 năm trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp hoặc tại địa bàn có điệu kiện kinh tế khó khăn; (iii) miễn thuế trong 5 năm đầu có lãi và giảm 50% số thuế phải nộp cho 5 năm tiếp theo đối với các doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 15 năm trở lên trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cảng, cầu tàu, giao thông vận tải, năng lượng, hoạt động trong các đặc khu kinh tế.
Malaysia thực hiện ưu đãi thuế cho các dự án mới quan trọng từ 01/01/2016, theo đó miễn 100% thuế TNDN trong 05 năm đối với công ty thành lập mới, công ty thực hiện mở rộng dự án sản xuất thực phẩm; trong 10 năm đối với công ty thực hiện dự án sản xuất thực phẩm mới. Một số ngành (công nghiệp vũ trụ, công nghệ sinh học…) được miễn thuế TNDN trong thời gian từ 10 đến 15 năm .
Ở Hàn Quốc, các doanh nghiệp có vốn ĐTNN đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao được miễn 100% thuế TNDN trong thời gian 5 năm kể từ năm đầu tiên kinh doanh có lãi và giảm 50% thuế TNDN cho 2 năm tiếp theo.
Chính sách ưu đãi thuế thông qua giảm trừ nghĩa vụ thuế và giảm trừ thu nhập chịu thuế theo đầu tư
Một số quốc gia bên cạnh áp dụng mức thuế suất ưu đãi và miễn, giảm thuế thu nhập trong thời hạn nhất định còn thực hiện chính sách giảm nghĩa vụ thuế và giảm trừ thu nhập chịu thuế theo đầu tư, nhất là ở các nước phát triển. Trong khu vực Châu Á cũng có quốc gia áp dụng hình thức ưu đãi này, ví dụ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Ở Hàn Quốc, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư tăng sản lượng, phát triển công nghệ và nguồn nhân lực, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, Hàn Quốc áp dụng chính sách giảm nghĩa vụ thuế theo đó: Doanh nghiệp đầu tư máy móc, trang thiết bị trước 31/12/2012 để tăng sản lượng, đảm bảo an toàn được giảm trừ 3% số thuế TNDN phải nộp, riêng đối với DNNVV mức giảm trừ là 7%. Doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ, nguồn nhân lực cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, đào tạo nghề được giảm trừ 10% số thuế phải nộp. Doanh nghiệp đầu tư nhằm tiết kiệm năng lượng trước 31/12/2011 và đầu tư nhằm bảo vệ môi trường trước 31/12/2013 được giảm trừ 10% số thuế phải nộp. Số thuế chưa được giảm trừ sẽ được chuyển sang 5 năm tiếp theo.
Ở Malaysia, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, khó thu hồi vốn trong thời gian ngắn có thể lựa chọn hình thức ưu đãi thuế khác như giảm trừ thuế đối với vốn đầu tư. Theo đó, doanh nghiệp có thể được giảm trừ tới 60% vốn đầu tư trong thời gian 10 năm. Số giảm trừ chưa được sử dụng hết có thể được chuyển sang các năm tiếp theo.
1.2. Qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trong áp dụng chính sách ưu đãi thuế, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, ưu đãi thuế được áp dụng khá phổ biến trên thế giới, song cách thức và phương thức áp dụng các nước rất khác nhau. Các nước phát triển dựa nhiều vào chính sách giảm trừ nghĩa vụ thuế hoặc thu nhập chịu thuế theo đầu tư và dành nhiều sự ưu tiên cho lĩnh vực KH&CN và CNTT, trong khi đó các nước đang phát triển lại dựa nhiều vào hình thức miễn, giảm thuế có thời hạn và áp dụng biện pháp ưu đãi về thuế suất. Để thu hút đầu tư, trong nhiều trường hợp, ưu đãi thuế là cần thiết nhưng cần được áp dụng một cách thận trọng và phải được cân nhắc trên cơ sở so sánh, đánh giá đầy đủ các lợi ích và chi phí của áp dụng các chính sách này.Xu hướng chung được nhiều nghiên cứu ủng hộ là từng bước hạn chế sự phụ thuộc quá nhiều vào các hình thức ưu đãi dựa vào kỳ miễn, giảm thuế vì có chi phí cao.
Thứ hai, thực tiễn ở nhiều nước cũng đã bổ sung thêm các bằng chứng cho thấy ưu đãi thuế không phải là yếu tố quyết định đối với các nhà đầu tư khi lựa chọn địa điểm đầu tư. Để đảm bảo được tính hiệu quả của các chính sách ưu đãi thuế thì các yêu cầu về đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, sự ổn định và minh bạch của thể chế có ý nghĩa rất quan trọng. Chính sách ưu đãi thuế không thể thay thế được các nền tảng để đáp ứng các yêu cầu về môi trường kinh doanh cơ bản của các nhà đầu tư.
Thứ ba, chính sách ưu đãi thuế cần được xây dựng trên cơ sở đảm bảo đặt lợi ích tổng thể của nền kinh tế quốc dân lên trên lợi ích cục bộ của từng ngành, từng địa phương; được thực hiện theo những mục tiêu thống nhất, đảm bảo sự nhất quán và phải theo một định hướng phát triển rõ ràng, tránh việc ban hành các chính sách khuyến khích thuế chỉ để phục vụ mục tiêu ngắn hạn trước mắt hoặc có lợi cho cục bộ một số ngành, nghề hay địa bàn.
Thứ tư, việc nghiên cứu, ban hành các chính sách ưu đãi thuế cần có sự tính toán đầy đủ các chi phí của việc áp dụng ưu đãi, trong đó cần thường xuyên xây dựng, công bố công khai các Báo cáo chi tiêu thuế và xem đây là một tài liệu bắt buộc trong quá trình xây dựng dự toán ngân sách hàng năm cũng như các báo cáo ngân sách trung và dài hạn. Thực tế, ở nhiều nước để kiểm soát được các lợi ích mà các nhà đầu tư được hưởng, việc lựa chọn loại hình ưu đãi phù hợp để áp dụng được cho là rất quan trọng, ví dụ giữa miễn, giảm thuế có thời hạn và áp dụng cơ chế giảm trừ thu nhập chịu thuế hay nghĩa vụ thuế theo đầu tư. Trên phương diện này, có một số quốc gia đưa ra mức khống chế về “lợi ích về thuế” tối đa mà các nhà đầu tư được hướng trên cơ sở gắn với quy mô số vốn đầu tư thực tế thực hiện hay các lợi ích về kinh tế – xã hội mà dự án đầu tư được hưởng ưu đãi có thể tạo ra, ví dụ số việc làm tạo ra.
Thứ năm, danh mục ngành, nghề được áp dụng ưu đãi phải có tính chọn lọc gắn với các lợi thế của đất nước. Mỗi quốc gia cần phải xác định được sản phẩm nào cần phát triển và khi định hướng phát triển, cần tính tới nhu cầu của thị trường ở tầm dài hạn. Gần đây, nhiều nước đã thực hiện sửa đổi chính sách thuế ưu đãi thuế theo hướng chỉ tập trung cho một số ngành mũi nhọn và vùng đặc biệt khó khăn để giảm bớt chi phí cho nhà đầu tư và tạo môi trường đầu tư hấp dẫn về tổng thể, thay thế tiêu chí khuyến khích theo ngành nghề bằng việc khuyến khích cả nền kinh tế. Một xu hướng khác gần đây cũng được một số quốc gia theo đuổi, ví dụ như Trung Quốc, là chuyển từ ưu đãi dựa vào địa bàn sang ưu đãi dựa chủ yếu vào ngành, nghề theo các định hướng ưu tiên chiến lược của quốc gia.
2. Các chính sách hỗ trợ khác
Bên cạnh các chính sách ưu đãi thuế, chính phủ các nước cũng thực hiện nhiều biện pháp bổ trợ khác nhằm thu hút ĐTNN, trong đó chủ yếu là các biện pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, xóa bỏ hạn chế ĐTNN đối với một số lĩnh vực nhạy cảm hoặc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Cụ thể:
Trung Quốc: Theo Thông tư hướng dẫn thu hút và sử dụng đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày 17/01/2017, Trung Quốc thực hiện tự do hóa các lĩnh vực cho ĐTNN; mở cửa cho ĐTNN từng bước vào các lĩnh vực nhạy cảm như viễn thông, giáo dục, internet, công nghiệp, giao thông vận tải; các doanh nghiệp có vốn ĐTNN sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo chiến lược “Made in China 2025”; xóa bỏ quy định về vốn tối thiểu đối với các doanh nghiệp ĐTNN; sửa đổi danh mục hạn chế ĐTNN (giảm danh sách các ngành cấm thu hút đầu tư từ 63 ngành/lĩnh vực năm 2017 xuống còn 48 ngành/ lĩnh vực, giảm danh sách các ngành cấm thu hút đầu tư trong khu vực thương mại tự do từ 95 ngành/lĩnh vực xuống còn 45 ngành/lĩnh vực)… Doanh nghiệp ĐTNN trong các ngành được khuyến khích có thể tiếp tục được hưởng lợi về chi phí sử dụng đất (70% mức giá cấp đất tối thiểu).
Indonesia: Trong giai đoạn 2015-2017, Chính phủ Indonesia đã đưa ra 16 gói kích thích và bãi bỏ quy định trong nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó tập trung vào việc bãi bỏ quy định, cắt giảm các quy định hạn chế trước đây và tăng cường hoạt động thực thi pháp luật nhằm hỗ trợ doanh nghiệp; giảm thời gian cấp phép các dự án mới, thời gian cấp đất và mua sắm hàng hóa dịch vụ công được nhanh chóng; rút ngắn và đơn giản hóa quá trình xin giấy phép kinh doanh (nộp trực tuyến tất cả các tài liệu cần thiết để xin cấp giấy phép đầu tư thay cho việc phải thực hiện thông qua nhiều cơ quan như trước đây); tiếp tục ưu đãi thuế cho các ngành trong khu kinh tế đặc biệt, đồng thời miễn thuế cho hai ngành: sản xuất nông nghiệp và công nghiệp kỹ thuật số, đồng thời cho phép nới lỏng danh mục đầu tư bị cấm hoặc hạn chế của quốc gia đối với một số lĩnh vực ưu tiên như dệt may…
Hàn Quốc: Chính phủ Hàn Quốc ưu đãi ĐTNN thông qua việc trợ cấp tiền mặt đối với các khoản ĐTNN thỏa mãn một số điều kiện nhất định như: yếu tố công nghệ cao, hiệu quả của việc chuyển giao công nghệ, quy mô tạo việc làm, liệu ĐTNN có trùng với đầu tư trong nước hay không, quyền sở hữu của địa điểm thực hiện dự án đầu tư…
3. Một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả thu hút và quản lý vốn đầu tư nước ngoài:
3.1. Quan điểm về xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư
Cần nghiên cứu một cách tổng thể để từ đó xây dựng hệ thống chính sách pháp luật minh bạch, đơn giản, tránh chồng chéo, không thống nhất giữa các văn bản luật gây khó khăn cho nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài.
Quan điểm về thu hút ĐTNN cần thay đổi theo hướng ưu đãi thuế không phải là yếu tố quyết định. Để đảm bảo được tính hiệu quả của các chính sách ưu đãi thuế thì các yêu cầu về đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, sự ổn định và minh bạch của thể chế có ý nghĩa rất quan trọng.
3.2. Về chính sách ưu đãi thuế
Đẩy mạnh cải cách ưu đãi thuế nhằm tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích và thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và một số ít ngành, lĩnh vực quan trọng theo chính sách phát triển của Nhà nước trong giai đoạn sắp tới trên cơ sở thu hẹp diện ưu đãi theo ngành, lĩnh vực, chỉ tập trung khuyến khích ưu đãi thuế vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, lĩnh vực xã hội hóa, công nghệ, môi trường và liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thống nhất toàn bộ ngành, lĩnh vực, địa bàn ưu đãi thuế được quy định tại các Luật thuế, không thực hiện theo các luật chuyên ngành.
3.3. Về chính sách quản lý hoạt động ĐTNN
– Cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về đầu tư đồng bộ, thông suốt về DN có vốn đầu tư nước ngoài để các cơ quan trung ương, địa phương có thể truy cập và kết xuất được tất cả các thông tin liên quan đến DN có vốn đầu tư nước ngoài để phục vụ công tác tổng hợp, đánh giá.
– Cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế kiểm soát để hạn chế các DN có vốn ĐTNN lỗ lũy kế nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng để được hưởng ưu đãi thuế.
– Tăng cường năng lực giám sát tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN ĐTNN của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, công khai minh bạch thông tin về hoạt động và tình hình tài chính của các DN ĐTNN./.
Phương Thái