Lựa chọn khó khăn của Đài Loan trong bối cảnh căng thẳng quan hệ Trung – Mỹ

0
97
(Nguồn: VOA)
(Nguồn: VOA)

Tờ Thời báo tự do, Đài Loan (22/05) đăng xã luận với tiêu đề “Theo Mỹ hay theo Trung Quốc” cho rằng, cuộc chiến khoa học công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang căng thẳng, Mỹ không chỉ cấm các doanh nghiệp Mỹ cung cấp các linh kiện bán dẫn cho doanh nghiệp Trung Quốc gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trong đó Huawei chỉ là doanh nghiệp đầu tiên mà Mỹ nhắm đến.

Dự kiến bước theo của Tổng thống Trump sẽ là các doanh nghiệp sản xuất máy bay không người lái và thiết bị giám sát an ninh, cũng như yêu cầu các công ty sản xuất linh kiện bán dẫn Mỹ kéo dài thời gian thẩm tra hồ sơ xin làm việc của các kỹ sư có quốc tịch Trung Quốc. Bên cạnh đó, gần đây Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu, Trung Quốc đang triển khai cuộc trường chinh mới cũng như thực hiện chuyến khảo sát các doanh nghiệp sản xuất đất hiếm nơi được xem là con bài để đáp trả Mỹ, cho thấy cuộc chiến thương mại giữa hai bên khó có thể kết thúc trong một sớm một chiều.

Theo cáo buộc của Mỹ, sở dĩ các doanh nghiệp của Trung Quốc phát triển nhanh chóng là nhờ vào việc Trung Quốc đánh cắp công nghệ, làm hàng nhái, thôn tính các công ty nước ngoài, lôi kéo các chuyên gia công nghệ. Ngoài ra, với chiêu bài mở cửa thị trường, nhưng trên thực tế Trung Quốc tiến hành theo chủ nghĩa dân tộc, lấy thị trường để đổi lấy chuyển giao công nghệ, ngăn chặn sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài. Cách làm này của Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại với những gì mà Trung Quốc cam kết khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới. Không những vậy, Trung Quốc còn lợi dụng quy tắc của trò chơi thị trường để bán phá giá các sản phẩm của mình, trong khi ở trong nước Trung Quốc dựng bức tường ngăn không cho hàng hóa, dịch vụ cũng như văn hóa nước ngoài du nhập, khiến thị trường thương mại quốc tế bị mất cân đối nghiêm trọng. Do vậy, kinh tế, việc làm và doanh nghiệp của Mỹ được xem là bị thua thiệt nhiều nhất. Mặc dầu vậy, Trung Quốc vẫn một mực không chịu thừa nhận những gì mà mình đã gây ra, ngược lại còn “được đằng chân, lân đằng đầu” hòng chiếm lợi thế của Mỹ để xây dựng giấc mộng cường quốc chế tạo với chiêu bài “Trung Quốc chế tạo 2025”, điều đó đã dẫn đến gia tăng xung đột, tạo đối đầu trực diện với Mỹ.

Xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới với 2 chiến tuyến được mở rộng từ lĩnh vực kinh tế sang công nghệ, quân sự, thậm chí đến chiến lược địa chính trị và hệ thống giá trị…, tình hình ngày càng gay gắt, khiến một số chuyên gia nhận định hiện đã hình thành “chiến tranh lạnh mới”. Tuy nhiên khác với cục diện chiến tranh Xô-Mỹ trước đây, Mỹ vẫn đang kiểm soát được thị trường kinh tế tự do.

Từ góc độ của Đài Loan, lệnh cấm xuất khẩu công nghệ của Tổng thống Trump, không chỉ đánh vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Đài Loan khi lấy Trung Quốc làm đại bản doanh để gia công sản xuất. Với lệnh cấm này đã tác động đến giá thành và các doanh nghiệp Đài Loan phải đứng trước sự chọn lựa Mỹ hay Trung Quốc. Từ sau thế chiến thứ hai, nhờ có sự hỗ trợ của Mỹ mà Đài Loan mới có thể phát triển nhanh chóng và bảo đảm an ninh, trong khi Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ chính sách thôn tính Đài Loan bằng vũ lực. Hơn nữa, suốt trong một thời gian dài, doanh nghiệp Đài Loan đầu tư nhiều vốn, công nghệ và nhân tài vào thị trường Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực tài chính và viễn thông, hình thành cục diện thương mại “Đài Loan nhận đơn hàng, Trung Quốc sản xuất, xuất khẩu sang Mỹ”, khiến kinh tế Đài Loan ít nhiều bị ảnh hưởng, chững lại. Nhiều người cho rằng, cách làm này của Đài Loan vô hình chung đã giúp cho Trung Quốc lớn mạnh, trong khi Trung Quốc luôn coi Đài Loan là con bài để gây sức ép. Chính vì vậy đã đến lúc Đài Loan phải đưa ra lựa chọn để giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Thực tế cho dù không có cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ, thì việc các doanh nghiệp Đài Loan từng bước rút khỏi thị trường Trung Quốc cũng là sự lựa chọn tất yếu. Tuy nhiên, với con số đầu tư hàng trăm tỷ đô la của Đài Loan hiện nay ở thị trường Trung Quốc thì việc rút vốn là vô cùng khó khăn, đòi hỏi các doanh nghiệp Đài Loan phải có quyết tâm lớn.

(Nguồn: Văn phòng Kinh tế – Văn hoá Việt Nam tại Đài Bắc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here