Bangladesh muốn tiếp tục nhận ưu đãi thương mại sau khi ra khỏi Nhóm các nền kinh tế kém phát triển nhất

0
76

Trong cuộc Hội thảo với chủ đề: “Những tranh luận gần đây tại WTO và mối quan tâm của Nhóm các nền kinh tế kém phát triển nhất (LDC)” diễn ra tại Dhaka hôm 6/5, các diễn giả cho rằng, những nước sắp ra khỏi LDC, trong đó có Bangladesh cần vận động các tổ chức khu vực và quốc tế tiếp tục dành những ưu đãi thương mại trong giai đoạn chuyển đổi lên nền kinh tế đang phát triển. Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Hà Lan, Chủ tịch Tiểu ban LDC của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bà Monique Van Daalen cho biết, WTO sẽ tiếp tục sát cánh ủng hộ các nước nghèo trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu đang diễn ra. Bà Van Daalen khẳng định, WTO sẽ giúp đỡ Bangladesh trong việc thực hiện mục tiêu trở thành nước đang phát triển vào năm 2024 và nước phát triển vào năm 2041. Bà cũng cho biết, trong tương lai, từ một thể chế được vận hành bởi các quy tắc, WTO sẽ trở thành một thể chế được vận hành bởi các giá trị, trong đó sự công bằng, chuẩn mực và bình đẳng đóng vai trò cốt lõi.

Hiện thị phần xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của LDC trong nền kinh tế toàn cầu vẫn còn khiêm tốn, với tỷ lệ 0,95% năm 2018. Mặt khác, thâm hụt thương mại của LDC tiếp tục tăng, từ 93 tỷ USD năm 2017 lên mức 103 tỷ USD năm 2018. Mức thâm hụt này của năm 2018 cao gấp 3 lần so với năm 2010. Trong khi đó, Thứ trưởng phụ trách Châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Bangladesh, Mahbub Uz Zaman bày tỏ quan ngại rằng, xu hướng lên ngôi của chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại nhiều nước, trong đó có các nước ở Châu Âu đang là trở ngại lớn đối với các nước LDC để nhận được những ưu đãi thương mại trong giai đoạn quá độ. Trong bối cảnh đó, một số diễn giả nhấn mạnh tới việc tham gia vào Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc. Giám đốc Trung tâm Đối thoại chính sách Bangladesh, Rehman Sobhan cho rằng, không chỉ đơn thuần là một dự án cơ sở hạ tầng, BRI đang hướng tới trở thành một thể chế kinh tế và thương mại mang tính hợp nhất và toàn cầu. Ông nhấn mạnh, thương mại toàn cầu đã bước sang một giai đoạn mới khi Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của nhiều nước.

Tin từ ĐSQVN tại Bangladesh (theo The Financial Express, ngày 7/5)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here