Các khoản cho vay vốn mang tính lạm dụng của Trung Quốc tại các nước nghèo

0
210
Ảnh minh họa

Ngày 7/5/2019, các Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng trung ương và đại diện từ 45 nước đã tham dự Hội nghị quốc tế về nợ do Bộ Kinh tế – Tài chính Pháp tổ chức tại Paris để trao đổi về tình trạng nợ đáng lo ngại của các nước đang phát triển. Các nước này muốn gây sức ép lên các chủ nợ đang lạm dụng tương quan sức mạnh của mình. Nếu một cuộc khủng hoảng nợ mới xảy ra, nó có thể sẽ giúp Trung Quốc và các doanh nghiệp thương mại tư nhân giành quyền kiểm soát nhiều mỏ nguyên liệu thô và hạ tầng chiến lược tại các nước nghèo.

Trong những năm 2000, nhiều nước nghèo đã gần như được xóa nợ hoàn toàn. Bắt đầu từ con số không, các nước này đã có thể vay từ các đối tác mới như Trung Quốc, Ấn Độ, các nước vùng Vịnh các chủ nợ tư nhân… Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã xác định hơn 1000 công cụ tài chính cho các nước đang phát triển, thông thường là các khoản vay trong thời hạn ngắn, lãi suất biến động và rủi ro đáng kể. Đến nay, tình trạng nợ của các nước này đã một lần nữa đạt mức đáng lo ngại. Theo IMF, số nước có dư nợ cao đã tăng gấp đôi trong 5 năm, từ 13 lên 24 nước. Vấn đề là các nước cho vay không áp dụng một cùng một chuẩn mực. Năm 2016, IMF đã dự báo nợ của Cap Vert đã quá cao, ở mức 130% GDP. Trong khi những nước cho vay truyền thống là thành viên của OECD dừng việc cho vay thì Trung Quốc vẫn tiếp tục. Olivier Cattaneo, chuyên gia kinh tế của OECD, nhấn mạnh “trong khi các nước OECD cấp vốn cho hệ thống xã hội thì Trung Quốc ưu tiên du lịch, hạ tầng…”.

Các khoản nợ thế chấp (hoặc cầm cố) đang khiến các nước chủ nợ thuộc Câu lạc bộ Paris đặc biệt lo ngại khi các nước đi vay dùng các tài sản chiến lược để thế chấp, trong một số trường hợp thậm chí còn không nhận thức được điều này. Chuyên gia kinh tế của OECD cho rằng “các nước cần sự trợ giúp vì trong một số trường hợp họ phát hiện ra các điều kiện ràng buộc khi đến hạn trả nợ”. Ví dụ như trường hợp Trung Quốc cấp vốn cho Sri Lanka để phát triển cảng nước sâu Hambatota nằm trên tiến đường vận chuyển dầu mỏ. Năm 2017, Trung Quốc giành quyền kiểm soát cảng này trong 99 năm. Đây là thách thức không chỉ cho riêng với Sri Lanka mà còn cả phần còn lại của thương mại quốc tế. Cũng theo cách này, các công ty dầu mỏ đã trực tiếp lấy đi các tầu chở dầu của Tchad khi nước này không còn khả năng trả nợ.

Tái cấu trúc nợ

Các điều kiện cho vay đi ngược lại các tiêu chuẩn của OECD, do đó, đáng lẽ ra không nước nào có thể tiếp cận các thị trường tài chính này. Trung Quốc đáp trả lại rằng không phải là lỗi của nước này khi các nước thất bại trong việc tiết kiệm và tăng thu thuế để trả nợ (thường là do các vấn đề về quản lý). Giải pháp duy nhất là gây sức ép chính trị lên các chủ nợ mới để họ tuân thủ các quy định về minh bạch, chất lượng đầu tư, quản trị hiệu quả và tính bền vững của nợ. Trong một số trường hợp, con số nợ có thể bị che giấu, có thể lên tới 30% GDP như tại Mozambique.

Ngày nay, các nước như Pakistan, Ethiopia và Angola đang đứng trước ngã ba đường, hoặc phải tăng sự phụ thuộc vào Trung Quốc, hoặc phải yêu cầu sự trợ giúp của IMF để cải thiện tình hình tài chính. Venezuela là tổng hợp của tất cả các sự phức tạp với số nợ lên tới 140 tỷ USD của cả các chủ nợ công như Trung Quốc, Nga, chủ nợ tư nhân, và với tài nguyên dầu lửa của nước này dùng để cân đối, theo các hợp đồng cũ hứa hẹn các vụ kiện tụng không có hồi kết. Một cố vấn của Bộ Kinh tế – Tài chính Pháp cảnh báo “sẽ có một sự tái cấu trúc nợ và quá trình này sẽ phức tạp nhất trong lịch sử”.

Tin từ ĐSQVN tại Pháp (theo L’Opinion, ngày 7/5/2019)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here