Tương lai nào chờ đón ASEAN vào năm 2040?

0
1230
ASEAN phải dũng cảm bước lên phía trước hướng tới năm 2040 để biến đổi Cộng đồng ASEAN và giữ vững vị trí của tổ chức này trong khu vực và toàn cầu. (Nguồn: Mfa.go)

Khi ASEAN trở nên “già” đi, ngày càng có nhiều người muốn biết liệu tổ chức này có thể tiếp tục tồn tại trong tương lai, chí ít là 20 năm tới, hay không?

ASEAN phải dũng cảm bước lên phía trước hướng tới năm 2040 để biến đổi Cộng đồng ASEAN và giữ vững vị trí của tổ chức này trong khu vực và toàn cầu. (Nguồn: Mfa.go)

Tìm kiếm sự hợp tác hơn nữa

Theo nhà báo kỳ cựu chuyên về các vấn đề khu vực Kavi Chongkittavorn phân tích trên tờ Bangkok Post ngày 7/5, khi ASEAN được thành lập tháng 8/1967, những người sáng lập không cần khẳng định tổ chức mới được thành lập của họ sẽ tồn tại trong 52 năm như hiện nay. Tất cả những gì họ muốn làm vào lúc đó là đảm bảo rằng họ tập hợp với nhau, tận mắt nhìn thấy nhau và cam kết gặp lại vào lần tới bởi họ đang cố tìm cách tránh xung đột trong tương lai và tìm kiếm sự hợp tác hơn nữa. Không chiến tranh, hãy phát triển. Đó là một viễn cảnh đầy đủ vào lúc đó.

Trong thời Chiến tranh Lạnh, ASEAN tồn tại bởi khả năng thích nghi để “tung hứng” các quan hệ của tổ chức này với những cường quốc lớn. Sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin, thế giới đã trải qua những thay đổi lớn, và trật tự quốc tế đã phải chịu sức ép gay gắt nhằm thích nghi với các cường quốc đang nổi lên khắp nơi. Mới đây, những ảnh hưởng đó đã chứng tỏ tình trạng đổ vỡ đến nỗi mà cộng đồng quốc tế phải khó nhọc vật lộn.

Thực vậy, bất kỳ nỗ lực nào nhằm dự báo điều gì sẽ xảy ra trong vòng 20 năm tới, khi mà thế giới tiến tới Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4IR) và Internet vạn vật, sẽ là hơi tham vọng. Đặc biệt, bất kỳ dự báo nào liên quan đến ASEAN sẽ là không hoàn hảo và không đầy đủ vì dự báo đó chỉ mang lại một cái nhìn cục bộ của bức tranh rộng lớn hơn.

Dù cho bản chất không thể đoán trước của tầm nhìn khu vực, một số cách đối xử và cách thức thực hiện nhất định sẽ không thay đổi. Danh tiếng từ 5 thập niên, tiến bộ và vai trò trung tâm đã tồn tại, dựa trên sự tôn trọng triệt để nguyên tắc không can thiệp và không sử dụng vũ lực. Hơn nữa, các thành viên ASEAN vẫn giữ lại chủ quyền quốc gia trong việc ra quyết định, điều mà họ phải đạt được thông qua đồng thuận. Rõ ràng, khi có vụ việc cụ thể sẽ có những thay đổi tăng thêm trong cấu trúc, nhiệm vụ và thủ tục nhằm đảm bảo rằng ASEAN có thể nhanh chóng đáp lại bất kỳ và tất cả các cuộc khủng hoảng.

Vào cuối năm 2017, trong khi lên kế hoạch đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN cho năm 2019, Thái Lan đã có các cuộc thảo luận với tổ chức nghiên cứu kinh tế quốc tế có trụ sở ở Jakarta mang tên Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) liên quan đến việc thực hiện một nghiên cứu về tương lai của ASEAN trong năm 2040. ERIA đồng ý với đề xuất này và dành một năm rưỡi tập hợp 60 học giả và chuyên gia về ASEAN và Đông Á để làm việc trong dự án. Kết quả là một báo cáo 5 tập mang tựa đề “Tầm nhìn ASEAN 2040: Hướng tới một Cộng đồng ASEAN dũng cảm và mạnh mẽ hơn” đã được chính thức trao cho Bộ Ngoại giao Thái Lan hồi tháng Tư vừa qua. Báo cáo này sẽ được phân phát cho các quan chức cấp cao ASEAN để các nhà lãnh đạo của tổ chức khu vực này thảo luận thêm.

Báo cáo tập trung vào những thách thức mới mà ASEAN đang phải đối mặt trước mắt và dài hạn. Rõ ràng, khả năng tồn tại của ASEAN phụ thuộc nhiều vào khả năng trụ vững trước sức ép bên ngoài gây ra bởi những thay đổi trong bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế. Bất cứ điều gì mà ASEAN dự tính làm trong tương lai sẽ được theo dõi chặt chẽ vì trung tâm của kinh tế toàn cầu đang dịch chuyển tới khu vực này. Vào năm 2040, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ nằm trong số 4 nền kinh tế hàng đầu thế giới tính bằng sức mua tương đương (PPP).

Trong hai thập niên tới, khu vực này và thế giới sẽ ở giữa cuộc “chuyển đổi số” của 4IR, vốn sẽ có cả thuận lợi lẫn khó khăn cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Do vị trí địa lý là một thị trường toàn cầu đang tăng trưởng nhanh, nơi đồng quy của sự tăng trưởng thương mại và đầu tư Ấn Độ-ASEAN-Trung Quốc, ASEAN sẽ vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ vì khối này có ít khả năng công nghệ, nhân lực có tay nghề cũng như chuyên môn khoa học và kỹ thuật hơn Trung Quốc, Ấn Độ hoặc Nhật Bản cũng như những nền kinh tế tiến tiến ở Đông Bắc Á.

Giữ vững vị trí toàn cầu

Trong bối cảnh đó, báo cáo nhấn mạnh rằng ASEAN phải dũng cảm bước lên phía trước hướng tới năm 2040 để biến đổi Cộng đồng ASEAN và giữ vững vị trí của tổ chức này trong khu vực và toàn cầu. Báo cáo đưa ra một loạt những nhiệm vụ phải làm trong những năm tới, bao gồm việc tiếp tục nguyên tắc lãnh đạo tập thể chứa đựng tính trung tâm của ASEAN; Thích nghi và sáng tạo; Khai thác cuộc chuyển đổi số của 4IR; Nắm lấy những công nghệ mới và những tập quán tốt nhất để đạt được sự bền vững mang tính kiên cường và đảm đảo an ninh năng lượng; Không ngừng hội nhập và kết nối ASEAN thông qua những tập quán lập quy và quản trị tốt; Tập trung vào trao quyền và bao gồm người dân; Khai thác các mạng lưới công nghệ mới và can dự với người dân để xây dựng một ý thức bản sắc sâu sắc; Được hỗ trợ bởi một hệ sinh thái thể chế hiệu quả cho Cộng đồng ASEAN.

Đối với việc cải cách các thể chế của ASEAN, báo cáo đưa ra 5 khuyến nghị: Thứ nhất, xây dựng các thể chế quốc gia phù hợp với những chiến lược tổng thể của ASEAN. Thứ hai, phá vỡ những “lô cốt” ngầm trong ASEAN và cải thiện sự hợp tác trong ba cộng đồng ASEAN. Thứ ba, cải cách Ban Thư ký ASEAN để cơ quan này trở thành một nguồn kỹ thuật tiên tiến hơn và là nơi theo dõi mạnh mẽ việc thực hiện. Thứ tư, đưa ra một cơ chế nhằm xem xét lại và phân tích các cơ cấu chính sách và quy định trên khắp các nền kinh tế ASEAN để chính phủ các nước thành viên cân nhắc. Thứ năm, khuyến khích các thể chế nghiên cứu khu vực và các nhóm cố vấn làm việc chặt chẽ hơn với Ban Thư ký và những cơ quan khác của ASEAN. Khu vực tư nhân và xã hội dân sự cũng nên được can dự như thế.

Điều quan trọng nhất, bản báo cáo chỉ ra rằng ASEAN cần củng cố ý thức làm chủ của người dân đối với tầm nhìn và sứ mạng của ASEAN. Báo cáo kết luận: “Cùng với thời gian, tổ chức này phải xây dựng bản sắc cộng đồng, ‘cảm giác chúng tôi’, ‘cảm giác chúng ta’ và cảm giác ‘chúng ta luôn ở bên nhau’. ASEAN có thể can dự với người dân bằng cách khai thác các công nghệ và mạng lưới mới của nhân dân và các thể chế nhằm làm sâu sắc ý thức về cảm giác thân thiết và bản sắc ASEAN. Và sau cùng, khi người dân coi tầm nhìn và sứ mạng ASEAN là của chính họ thì ASEAN sẽ trụ vững hơn trong việc quản lý những bất ổn bên ngoài mà khu vực này phải đối mặt và giúp hiện thực hóa những nguyện vọng của nhân dân những nước thành viên và ASEAN”.

Ngọc Quang (theo Bangkok Post)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here