ADB cam kết tiếp tục hỗ trợ Bangladesh sau khi ra khỏi Nhóm các nước kém phát triển nhất

0
94
ảnh minh hoạ
ảnh minh hoạ

Ngày 2/5/2019, tại cuộc họp thường niên lần thứ 52 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Fiji, Chủ tịch ADB, Takehiko Nakao cho biết, ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ Bangladesh ngay cả sau khi nước này đã ra khỏi Nhóm các nước kém phát triển nhất vào năm 2024.

Ông Nakao cho biết, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina mong muốn ADB tiếp tục là đối tác của nước này trong các dự án cải thiện hệ thống đường sắt và cảng, dự án nước sạch và giáo dục; với đề nghị đó, ADB sẵn sàng đồng hành cùng với Chính phủ Bangladesh để triển khai các dự án trên. Cụ thể, ADB sẽ tiếp tục cấp các khoản vay ưu đãi và thông thường cho Bangladesh. Năm ngoái, ADB đã cấp 100 triệu USD để hỗ trợ những người tỵ nạn từ Myanmar. Tháng 4 vừa qua, ADB đề xuất cho Bangladesh vay khoản tín dụng trị giá 4,4 tỷ USD trong 3 năm tiếp theo từ 2020-2022 nhằm hỗ trợ những lĩnh vực then chốt của nước này gồm: năng lượng, giao thông, giáo dục, nông nghiệp và tài chính.

Theo Giám đốc ADB phụ trách khu vực Nam Á, Hun Kim, nền kinh tế Bangladesh đang phát triển theo chiều hướng tốt; với tốc độ tăng trưởng từ 7 – 8%/năm, Bangladesh đang trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Kim nhấn mạnh, Bangladesh cần tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trên 8% trong vòng 20 năm tới để đạt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2041.

Về hợp tác khu vực, ông Kim cho biết sáng kiến của ADB thành lập Diễn đàn Hợp tác kinh tế tiểu vùng Nam Á (SASEC) nhằm tăng cường kết nối và hội nhập trong khu vực, thúc đẩy sự thịnh vượng của các nền kinh tế thành viên và cải thiện đời sống của người dân. SASEC sẽ tập trung hỗ trợ đảm bảo an ninh năng lượng thông qua các dự án phát triển hạ tầng và thương mại trao đổi nội khối. SASEC cũng giúp cải thiện hệ thống hải quan theo hướng hiện đại và hiệu quả, nhằm rút ngắn thời gian và giảm thiểu chi phí thông quan, qua đó tăng cường vận chuyển, trao đổi hàng hóa, cũng như việc di chuyển của người dân các nước thành viên. Đây hiện là một trong những trở ngại lớn đối với quá trình hội nhập và kết nối khu vực.

(Nguồn: ĐSQVN tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here