DOC công bố mức thuế sơ bộ về 0% với tôm Việt Nam: Thúc đẩy khả năng ký kết thêm đơn hàng

0
72

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13), với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).

Ông đánh giá như thế nào về kết quả của đợt POR13 mà Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố đối với tôm Việt Nam?

Như chúng ta đã biết, ngày 9/4, DOC công bố mức thuế chống bán phá giá (CBPG) sơ bộ đợt POR13 cho tôm Việt Nam trong giai đoạn từ ngày 1/2/2017 đến 31/1/2018 là 0% cho 31 doanh nghiệp. Trong đó, DOC tạm cho rằng, các sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của 2 bị đơn bắt buộc là Công ty Sao Ta (Fimex VN) và Công ty Hải sản Nha Trang (Nha Trang Seaproduct Company) không bị bán phá giá vào Mỹ trong giai đoạn này. Từ đó, DOC đưa ra thông báo thuế sơ bộ đối với 2 công ty trên là 0%; 29 doanh nghiệp còn lại cũng được hưởng mức thuế 0%.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 13. Kết quả cuối cùng dự kiến được DOC công bố vào tháng 8/2019, khi đó mức thuế suất 0% này mới có hiệu lực. Dù vậy, theo đánh giá của chúng tôi, kết quả phán quyết này tạo tâm lý phấn khởi cho doanh nghiệp xuất khẩu và nhà nhập khẩu Mỹ. Từ đó, thúc đẩy khả năng ký kết thêm các đơn hàng của doanh nghiệp chế biến tôm thời gian tới.

Vậy ngành tôm sẽ phải làm gì để tận dụng cơ hội này, thưa ông?

Thực tế không chỉ có Việt Nam xuất khẩu tôm vào Mỹ bị áp thuế CBPG mà các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan cũng đang bị DOC áp dụng hình thức này. Vì thế, tôi cho rằng kết quả sơ bộ của đợt POR13 sẽ giúp cho tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tốt hơn so với những nước trên và doanh nghiệp phải nắm bắt vấn đề này để đàm phán hợp đồng với đối tác nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu trong năm nay.

Bên cạnh đó, chất lượng là yếu tố sống còn và lâu dài mà chúng tôi xác định phải thực hiện quyết liệt để nâng cao chất lượng, hình ảnh tôm Việt. Do đó, các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Dù có bị áp thuế hay không áp thuế, chất lượng vẫn phải đặt lên hàng đầu.

Với tín hiệu khả quan trên, theo ông, ngành tôm có đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2019?

Ngay từ cuối năm 2018, VASEP đặt mục tiêu trong năm 2019, ngành hàng tôm xuất khẩu sẽ đạt mức khoảng 4,2 tỷ USD. Tuy nhiên, quý I/2019 do ảnh hưởng nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nên xuất khẩu của mặt hàng này chưa bứt phá, thậm chí sụt giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Hy vọng thời gian tới, với những thuận lợi như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết và có hiệu lực, thuế CBPG 0%… cùng các chương trình cải thiện vùng nuôi tôm… mục tiêu này sẽ đạt được.

Dù có nhiều thuận lợi nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục khuyến cáo doanh nghiệp phải thực hiện tốt những yêu cầu mà thị trường đưa ra, đồng thời, tích cực quảng bá và tìm kiếm thị trường mới, tránh phụ thuộc vào một thị trường truyền thống.

Xin cảm ơn ông!

Thùy Dương

(Nguồn:báo công thương)

 

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here