Theo báo cáo của OECD công bố ngày 16/4/2019 về kinh tế Trung Quốc, nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc hiện nằm trong số cao nhất thế giới, cao hơn rất nhiều so với các nền kinh tế lớn khác với tỷ lệ nợ trên GDP đạt 155%. Đây là một thách thức lớn, nhất là trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn do chiến tranh thương mại với Mỹ. Các biện pháp kích thích tăng trưởng mới đây như tăng ngân sách, đầu tư cơ sở hạ tầng và nới lỏng cấp tín dụng của ngân hàng có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng nợ của khối doanh nghiệp, đảo ngược các bước tiến đã đạt được trong thời gian qua nhằm kiểm soát nợ.
Nguy cơ đối với nợ công
OECD thừa nhận việc tăng đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ giúp kích thích tăng trưởng, tuy nhiên cũng có thể gây ra sự chênh lệch và quản lý thiếu hiệu quả. Báo cáo đánh giá “việc cấp vốn không phải lúc nào cũng là biện pháp tối ưu, ví dụ trong nhiều trường hợp nó có thể gây ra tình trạng dư thừa đầu tư vào các sân bay nhỏ trong khi lại thiếu hụt đầu tư vào các thiết bị đô thị”.
Hiện các cơ quan hành chính địa phương của Trung Quốc chịu trách nhiệm chính về các hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, năm 2017, dư nợ đã vượt tổng nguồn thu tại 13 tỉnh của Trung Quốc. Tình trạng nợ của các địa phương có nguy cơ sẽ ảnh hưởng xấu đến tình hình tài chính công. Hiện nợ công của Trung Quốc không “quá cao” vì nợ của Nhà nước mới chỉ ở mức 36% GDP, tuy nhiên OECD cảnh báo việc giảm nợ cho các địa phương trong tương lai có khả năng sẽ làm nợ công tăng lên.
Thách thức về dài hạn
Mặc dù Trung Quốc hiện vẫn là động lực tăng trưởng chính, chiếm 1/4 tăng trưởng của thế giới, tuy nhiên về dài hạn, nước này sẽ phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số. Báo cáo của OECD cho rằng Trung Quốc khả năng sẽ phải tính đến việc tăng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo sự tồn tại của hệ thống hưu trí. Việc cải thiện năng suất của nền kinh tế và duy trì tăng trưởng thông qua đổi mới sáng tạo cũng cần được bảo đảm. Mặc dù Trung Quốc đã rút ngắn đáng kể cách biệt về năng suất so với Mỹ trong 15 năm qua, tuy nhiên khoảng cách giữa hai nước vẫn còn khá lớn.
OECD cũng cho rằng các kết quả của tăng trưởng của Trung Quốc cần được phân phối công bằng hơn, thuế thu nhập hiện chỉ đóng góp không đáng kể vào việc tái phân phối. Về môi trường, OECD khuyến nghị Trung Quốc tăng thuế môi trường, tăng mức xử phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm cũng như xây dựng thêm các cơ sở xử lý ô nhiễm. Đối với OECD, Trung Quốc đang đứng ở ngã rẽ và đối mặt với các thách thức cả trong lẫn ngoài.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)