MẶT TRÁI CỦA DỮ LIỆU LỚN

0
122
Trong thời đại số, các ngân hàng thành công sẽ là những ngân hàng biết khai thác sức mạnh của công nghệ dữ liệu và công nghệ kỹ thuật số .

 Cùng với sự bùng nổ mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những năm gần đây một khái niệm thường xuyên được đề cập đến là “Dữ liệu Lớn” (Big Data). Giá trị của Dữ liệu Lớn được đánh giá cao đến mức giới chuyên gia ví nó như một thứ tài nguyên có tầm chiến lược: “dầu mỏ” ảo. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều lợi ích lớn lao mà những người ủng hộ Dữ liệu Lớn hứa hẹn nó sẽ và thực tế chứng minh nó đã mang lại, Dữ liệu Lớn còn tiềm ẩn những thách thức lớn lao đối với việc làm của người lao động, đối với quyền riêng tư của mỗi cá nhân, cũng như với bình đẳng và trật tự xã hội.

 Khái niệm Dữ liệu Lớn

Việc thu thập dữ liệu đã được con người thực hiện từ hàng nghìn năm nay. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ hiện đại đã giải đáp được ba bài toàn khó, biến Dữ liệu Lớn thành hiện thực. Thứ nhất là thiết bị thu thập dữ liệu. Dữ liệu ở đây có thể là mọi loại thông tin, từ con số đến hình ảnh, từ nhiệt độ, độ ẩm không khí đến chỉ số chứng khoán, từ vận tốc ô tô đến nhịp tim của mỗi cá nhân. Với sự phát triển và phổ cập của hàng loạt loại cảm biến (sensor), việc thu thập dữ liệu đã trở nên hết sức dễ dàng. Thứ hai là tốc độ truyền tải dữ liệu – điều này ngày càng được cải thiện với internet băng thông rộng, công nghệ di động 4G và sắp tới đây là 5G. Thứ ba là năng lực xử lý dữ liệu theo thời gian thực nhờ sự ra đời của những bộ vi xử lý hiệu suất cao và các siêu máy tính, giúp phân tích và chuyển hóa dữ liệu thành những dự báo, đánh giá và đưa ra quyết định. Dự báo trong 10 năm tới, nhân loại sẽ có những máy tính với năng lực xử lý vượt não bộ của con người, và có thể đến năm 2026, trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) sẽ tham gia vào hội đồng quản trị của một số doanh nghiệp.

Trên thực tế, trong năm năm trở lại đây, ứng dụng của Dữ liệu Lớn đã rất phổ biến, không chỉ ở các nước phát triển mà ngay cả ở Việt Nam. Có thể kể đến một số ví dụ tiêu biểu như xe ô tô tự lái mà nhiều hãng công nghệ lớn như Tesla hay Google đang nghiên cứu phát triển. Cốt lõi của xe tự lái chính là một cỗ máy tính sử dụng dữ liệu thời gian thực của môi trường xung quanh (bao gồm thông tin về đường sá, thời tiết, camera hành trình, cảm biến tốc độ, khoảng cách, ánh sáng…) để xử lý tình huống. Tương tự như vậy là việc ngành y sử dụng dữ liệu tổng hợp từ y văn thế giới và kết hợp với các thông tin đo đạc được từ một người bệnh cụ thể để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất với mỗi cá nhân. Mặt khác, các công ty công nghệ lớn như Google hay Facebook cũng đang sử dụng dữ liệu thu thập được từ người dùng để giới thiệu và quảng cáo sản phẩm phù hợp với thị hiếu và thói quen tiêu dùng của mỗi cá nhân. Có thể nói, dữ liệu lớn sẽ giúp cải thiện sâu sắc gần như mọi mặt đời sống con người cũng như mọi sinh hoạt xã hội của nhân loại.

Những thách thức đến từ Dữ liệu Lớn

Thách thức đầu tiên chính là việc Dữ liệu Lớn kết hợp với trí tuệ nhân tạo có nguy cơ sẽ khiến lao động trong nhiều ngành nghề bị thất nghiệp. Nếu như mối đe dọa đối với những nghề nghiệp phổ thông, lao động chân tay đã xuất hiện từ thế kỷ 19, và đang tái hiện với sự phổ biến của robot và tự động hóa, thì trí tuệ nhân tạo trên nền tảng Dữ liệu Lớn bắt đầu đe dọa cả những ngành nghề trình độ cao tưởng như chỉ có con người mới đảm đương được. Đó là bởi hiện tại trí tuệ nhân tạo đã có khả năng vượt trội con người cả trong việc học kiến thức mới, phân tích, truyền đạt thông tin, và thậm chí cả thấu hiểu cảm xúc của con người.

Nhiều nghề nghiệp, ví dụ như lái xe trên đường phố đông đúc, đánh giá độ tín nhiệm của khách hàng vay tiền, đàm phán kinh doanh, đều đòi hỏi năng lực đánh giá chính xác cảm xúc và mong muốn của người khác. Từ giữa thế kỷ 20, khi công nghệ sinh học và thông tin chưa đạt thành tựu như bây giờ, con người đã sáng chế ra máy phát hiện nói dối. Tuy chưa chính xác tuyệt đối, nhưng đó là một dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy, nếu được trang bị đầy đủ những cảm biến hiện đại, trí tuệ nhân tạo sẽ sớm vượt mặt con người trong việc dự báo người khách bộ hành kia có băng qua đường không hay đối tác có sẵn sàng nhượng bộ trong đàm phán không thông qua phân tích biểu cảm của khuôn mặt, âm sắc của giọng nói hay cử chỉ của bàn tay…

Hai thế mạnh đặc trưng của trí tuệ nhân tạo mà con người không có được là khả năng kết nối và cập nhật. Do mỗi con người là một cá thể, việc kết nối hàng triệu cá nhân và đảm bảo cập nhật thông tin/kiến thức/kỹ năng đến từng người không hề đơn giản. Trong khi đó, với một đường truyền internet đủ nhanh, việc kết nối và cập nhật hàng triệu thiết bị máy tính trong một mạng lưới thống nhất là chuyện rất đơn giản. Ví dụ, khi luật giao thông được điều chỉnh, nhiều lái xe sẽ không nắm được thông tin và có nguy cơ gây tai nạn do chưa nắm vững luật mới. Trong khi đó, toàn bộ các xe tự lái tham gia giao thông đều là một phần trong mạng lưới, nhanh chóng cập nhật phần mềm và giảm thiểu khả năng gây tai nạn. Tương tự, khi Tổ chức Y tế Thế giới phát hiện và ban hành phác đồ điều trị cho bệnh dịch mới, việc cập nhật cho tất cả bác sĩ con người trên thế giới là bất khả thi, song lại rất dễ dàng đối với mạng lưới các bác sĩ trí tuệ nhân tạo. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự báo 47% công việc tại Mỹ năm 2010 sẽ bị thay thế bằng máy móc trong 10-20 năm tới, và những nghề nghiệp có nguy cơ bị thay thế lớn nhất sẽ là nhân viên tiếp thị qua điện thoại, định giá bảo hiểm, trọng tài, môi giới bất động sản, thư ký hành chính v.v…

Thách thức thứ hai, nghiêm trọng hơn nhưng lại ít được quan tâm và nhận thức đúng đắn, đặc biệt là từ góc độ cá nhân, là Dữ liệu Lớn đang tước đi quyền riêng tư của mỗi con người. Với việc hàng tỉ người sử dụng các thiết bị di động như smartphone và tham gia ngày càng sâu, sử dụng ngày càng nhiều các sản phẩm và dịch vụ công nghệ như Google, Facebook, Amazon hay Apple, việc thu thập dữ liệu của cá nhân cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Google hay Facebook nắm chắc về lịch sinh hoạt, về các mối quan tâm, sở thích, và quan điểm chính trị của ta còn chính xác hơn bản thân ta. Dựa vào hành vi của mỗi cá nhân trong môi trường mạng, họ có thể dự báo chính xác, thậm chí tác động đến quyết định hàng ngày của chúng ta như đi du lịch ở đâu, mua cuốn sách nào hay xem bộ phim gì. Thậm chí thuật toán của máy tính còn có thể can thiệp vào những quyết định trọng đại của mỗi con người như hôn nhân, lập gia đình và bầu cử. Vụ scandal mới đây của Facebook và Cambridge Analytica, khi dữ liệu của hơn 70,6 triệu người dùng Facebook tại Mỹ bị sử dụng trái phép nhằm mục đích thao túng lá phiếu cử tri tại cuộc bầu cử Tổng thống 2016, chính là ví dụ tiêu biểu cho việc Dữ liệu Lớn có thể được khai thác vì những mục đích bất chính có thể nguy hại đến mức nào. Khi các tập đoàn công nghệ sở hữu mọi thông tin có thể thu thập về mỗi cá nhân và cùng với nó là khả năng ảnh hưởng sâu sắc mọi quyết định, một trong những giá trị thiêng liêng mà nhân loại vẫn hằng coi trọng – quyền tự quyết – sẽ mất đi khá nhiều ý nghĩa.

Thách thức thứ ba cũng đến từ việc sở hữu Dữ liệu Lớn. Với những tiềm năng to lớn như vậy, Dữ liệu Lớn đồng thời cũng đặt ra vấn đề không nhỏ cho chính quyền trong việc xây dựng hành lang pháp lý cho việc sở hữu, truyền tải và sử dụng dữ liệu. Mặt khác, khi Dữ liệu Lớn đã trở thành một tài sản đặc biệt giá trị, mất công bằng xã hội trong việc sở hữu và tiếp cận dữ liệu cũng sẽ là một vấn đề đau đầu mà chính quyền phải đối mặt và xử lý.

Nếu muốn ngăn ngừa việc tập trung của cải và quyền lực vào tay một thiểu số, then chốt vấn đề là chính quyền phải quản lý việc sở hữu dữ liệu. Trong các thời kỳ trước, tư liệu sản xuất luôn là quyền sở hữu cốt lõi: trong thời đại nông nghiệp là đất, trong thời đại công nghiệp là tư bản và máy móc. Tuy nhiên, bước sang thế kỷ 21, dữ liệu sẽ lấn át vai trò của đất và máy móc như thứ tài sản quan trọng nhất, còn dữ liệu sẽ trở thành mục tiêu kiểm soát chủ chốt của các thể chế chính trị.

Thực ra, cuộc đua thu thập dữ liệu đã xuất phát từ lâu, dẫn đầu là các tập đoàn công nghệ như Google, Facebook (Mỹ), Baidu và Tencent (Trung Quốc). Mặt hàng kinh doanh thực sự của họ là “sự chú ý” của người dùng: họ thu hút sự chú ý của chúng ta bằng cách cung cấp thông tin, dịch vụ và giải trí miễn phí, sau đó bán lại sự chú ý của chúng ta cho các công ty quảng cáo. Tuy nhiên đây nhiều khả năng không phải là mục tiêu cuối cùng. Bằng cách thu hút sự chú ý trên toàn cầu, họ sẽ thu thập được số lượng thông tin khổng lồ của người dùng, một tài sản có giá trị hơn nhiều bất kỳ lợi nhuận nào thu được từ quảng cáo. Nói cách khác, hiện nay ta là khách hàng của họ, nhưng trong tương lai chúng ta sẽ biến thành sản phẩm của họ. Hiện nay, không ít quyết định của con người đã do Google hoặc Amazon định hướng – Google Maps thay ta lựa chọn tuyến đường, Amazon Store gợi ý cuốn sách ta nên đọc. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều phần mềm sẵn sàng chịu lỗ để mở rộng thị phần, bởi dữ liệu mà họ tích lũy được sẽ có thể giá trị hàng tỉ dollar trong tương lai. Khi thu thập được đủ thông tin và sở hữu đầy đủ những công nghệ cần thiết, việc theo dõi, thấu hiểu, thao túng suy nghĩ và lựa chọn của mỗi cá nhân hoàn toàn là chuyện trong tầm tay của những đối tượng có đủ tiềm lực về tài chính. Để ngăn chặn việc một thiểu số tinh hoa độc quyền nắm giữ ưu thế này, và ngăn ngừa bất bình đẳng xã hội và hố sâu giai cấp, nhà nước phải chủ động đứng ra quản lý và giám sát và việc sở hữu thông tin. Đây là vấn đề không hề đơn giản, vì nó mới mẻ và chưa có tiền lệ, và bởi thế khó khăn ngay cả với các nước phát triển, chưa nói đến các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, và chắc chắn là một vấn đề buộc toàn bộ hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội phải đặc biệt lưu tâm trong thời gian tới./.

 Trang Hải

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here