Phát triển thương hiệu Việt ra toàn cầu

0
83
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Thương hiệu quốc gia.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Thương hiệu quốc gia.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang rất tích cực xây dựng thương hiệu, tạo dựng hình ảnh về doanh nghiệp, sản phẩm của mình trên thị trường trong nước và quốc tế. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng, trong tương lai không xa, sẽ có những thương hiệu Việt Nam được biết đến rộng rãi trên thị trường toàn cầu, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thương hiệu Quốc gia, cho biết.

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về vấn đề xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam?

Hiện nay, công tác xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam đã có bước tiến vượt trội. Các doanh nghiệp ngày càng có nhận thức tốt hơn về vấn đề xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu. Cách làm cũng trở nên chuyên nghiệp và bài bản hơn. Tuy nhiên, so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có những điểm yếu, chưa thể sớm khắc phục.

Trước hết là vấn đề tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, do đó hàm lượng giá trị gia tăng thấp, giá trị xuất khẩu không cao. Thứ hai là vấn đề chất lượng sản phẩm. Nhiều sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí bị cấm xuất khẩu vào một số thị trường phát triển vì không đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng. Nguyên nhân là chất lượng sản phẩm không đồng đều, ổn định, chưa đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường cao cấp. Điều này ảnh hưởng đến giá trị thương hiệu của sản phẩm, doanh nghiệp Việt, gián tiếp giảm sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Có ý kiến cho rằng, so với các thương hiệu có tên tuổi trên thế giới thì các thương hiệu cao cấp của Việt Nam mới chỉ là “những đứa trẻ vừa biết đi”. Ông nhận định thế nào về ý kiến này?

Việc so sánh các thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam với các thương hiệu đã có tên tuổi từ lâu trên thị trường quốc tế sẽ là một sự so sánh khập khiễng. Chúng ta cần nhìn nhận các doanh nghiệp Việt Nam đang rất tích cực xây dựng thương hiệu, tạo dựng hình ảnh về sản phẩm của mình trên thị trường quốc tế để có thể lạc quan tin rằng, trong tương lai không xa, sẽ có những thương hiệu Việt Nam được biết đến rộng rãi trên thị trường toàn cầu.

Năm 2018, trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình Thương hiệu quốc gia, Hội đồng Thương hiệu quốc gia đã công nhận 97 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia. Trong số đó rất nhiều các doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm tốt ở khu vực và trên thế giới như: Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) đang vươn dần lên vị trí hàng đầu trong khu vực ASEAN; Công ty TNHH nhà nước một thành viên yến sào Khánh Hòa đứng đầu khu vực châu Á về sản lượng khai thác yến; Công ty cổ phần Vicostone là một trong 4 công ty sản xuất kinh doanh đá thạch anh lớn nhất trên thế giới; Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu sữa tới 43 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới…

Tôi tin tưởng rằng, với đà phát triển như hiện nay, với sự quan tâm sát sao của Chính phủ, sự tham gia của các bộ ngành và đặc biệt là sự năng động, tích cực của các doanh nghiệp, các thương hiệu của Việt Nam sẽ ngày càng trở nên phổ biến và thành công trên thị trường quốc tế.

Thế mạnh thương hiệu quốc gia chính là bệ đỡ để các doanh nghiệp đưa thương hiệu ra thế giới. Theo ông, cần có định hướng, chiến lược cụ thể nào để Việt Nam có những thương hiệu lớn giống như Hàn Quốc có Samsung, Nhật Bản có Honda…?

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam (Vietnam Value) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giao Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện từ năm 2003. Đây là chương trình duy nhất của Chính phủ Việt Nam với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Chương trình nhằm xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt trên thị trường trong nước và quốc tế.

Theo Bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 vừa được Brand Finance công bố, “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Vị trí của thương hiệu được cải thiện hai bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43 nhờ đóng góp của Vietnam Value và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.

Để nâng cao thế mạnh của Thương hiệu quốc gia Việt Nam, tạo một chiến lược quảng bá đồng bộ, nhất quán và chuyên nghiệp về thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới, thực hiện Nghị định số 28/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương đang xây dựng và sẽ trình Thủ tướng phê duyệt đề án Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới và dự thảo Quyết định của Thủ tướng ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia.

Nội dung của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới sẽ có sự gắn kết thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp với các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch, từ đó xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút đối với các nhà nhập khẩu, các du khách, nhà đầu tư, người lao động và người tiêu dùng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đề án cũng nêu lên cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân liên quan trong tổ chức thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Điều này sẽ tạo ra một chính sách, cơ chế thống nhất, đồng thuận, nhất quán trên phạm vi cả nước, từ Trung ương đến địa phương, giữa các bộ, ngành, tổ chức trong xây dựng, quảng bá thương hiệu, hình ảnh quốc gia Việt Nam.

(Nguồn:vneconomy)

 

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here