Trông vào dư địa nào để tăng trưởng ?

0
91
Quý I, sản xuất công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 12,35%. Trong ảnh: Nhà máy Canon Việt Nam.
Quý I, sản xuất công nghiệp chế biến – chế tạo tăng 12,35%. Trong ảnh: Nhà máy Canon Việt Nam.

Trong bối cảnh các động lực chính cho tăng trưởng vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, thì liệu có thể trông vào dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng?

Những thách thức

Dù tăng trưởng kinh tế quý I/2019 là tích cực, với mức tăng 6,79%, song những thách thức, khó khăn của nền kinh tế không phải là nhỏ và những thách thức này đã một lần nữa được chỉ ra tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3.

Trong đó, một trong những thách thức hàng đầu được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh là tốc độ tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại, cả ba khu vực của nền kinh tế đều phát triển theo xu hướng chậm hơn so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, quý I năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng trưởng 2,68%, thấp hơn mức tăng 4,24% của cùng kỳ. Trong đó, ngành nông nghiệp chỉ tăng 1,84%, thấp hơn nhiều so với con số 3,79% của năm ngoái. Ngành công nghiệp chế biến – chế tạo dù tiếp tục đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, nhưng lại không đạt được tốc độ tăng trưởng bứt phá như cùng kỳ năm trước (chỉ tăng 12,35% so với mức 14,3% của cùng kỳ). Ngành khai khoáng tiếp tục gặp khó khăn với mức tăng trưởng âm, tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế. Khu vực dịch vụ cũng trong tình trạng tương tự, chỉ tăng trưởng 6,5%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 6,7%.

Nhưng không chỉ là sản xuất chậm lại, báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn chỉ ra những “cái chậm” khác. Chẳng hạn, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu quý I chỉ đạt 4,7%, trong khi quý I năm ngoái lên tới 22%.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận, giải ngân vốn đầu tư công quý I/2019 tuy có cải thiện hơn so với cùng kỳ năm 2018, nhưng tiến độ nhìn chung còn chậm; sản xuất – kinh doanh còn gặp nhiều rào cản; sự gắn kết với khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và năng lực, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế…

Tất cả những yếu tố đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ ảnh hưởng đến sản xuất – kinh doanh những tháng tiếp theo và khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019.

Mặc dù ngay trước phiên họp thường kỳ Chính phủ, Nikkei công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã tăng từ 51,2 điểm lên 51,9 điểm trong tháng 3, cho thấy sự cải thiện của lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam, song điểm số này vẫn thấp hơn mức trung bình của năm 2018. Điều này cũng cho thấy, sản xuất – kinh doanh ở Việt Nam vẫn đang đối mặt với những khó khăn khôn lường.

“Các động lực chính cho tăng trưởng vẫn chưa thực sự mạnh mẽ”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư một lần nữa nhấn mạnh những khó khăn, thách thức không nhỏ đến từ nội tại của nền kinh tế.

Trông vào dư địa tăng trưởng nào?

Câu hỏi đặt ra là, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như vậy, song Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng 6,8%, thậm chí cao hơn (khoảng 7%), thì nền kinh tế sẽ phải trông vào dư địa tăng trưởng nào?

Chưa nói tới câu chuyện trong dài hạn là trông vào cải cách, như ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã nhiều lần khẳng định, thì trong ngắn hạn, có thể trông vào các động lực quan trọng đến từ khu vực tư nhân và khu vực FDI, đồng thời trông vào các chính sách tiền tệ và tài khóa, vốn đang được điều hành theo hướng vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, song vẫn tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế.

Liên quan vấn đề này, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, trong một cuộc họp cách đây ít ngày về tình hình kinh tế vĩ mô quý I/2019 đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường trách nhiệm giải trình, nhất là các công trình lớn, trọng điểm ở các cấp. Thậm chí, Phó thủ tướng còn chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương lập danh mục các dự án để tập trung thúc đẩy đầu tư tư nhân, xây dựng và đưa vào khai thác tại địa phương.

Còn trong phiên họp Chính phủ tháng 3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh là “kiên quyết không chấp nhận thực tế” giải ngân vốn đầu tư phát triển khu vực nhà nước đạt thấp.

“Tôi yêu cầu các bộ, ngành phải giải trình rõ và có biện pháp mạnh trong vấn đề thực hiện giải ngân vốn đầu tư công ngay trong tháng 4 này”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến chuyện huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến những bất trắc, khó lường của kinh tế toàn cầu, cũng như việc nhiều nước đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, việc Trung Quốc thông qua Luật Đầu tư nước ngoài mới, cởi mở, thông thoáng hơn, để nhấn mạnh “cạnh tranh thu hút FDI sẽ tăng lên với Việt Nam”. Do đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình để có đối sách nhằm không bị giảm nguồn lực trong đầu tư phát triển, nhất là khi thu hút FDI đang là điểm sáng nhất của kinh tế – xã hội Việt Nam.

Ngoài các vấn đề trên, tại phiên họp Chính phủ tháng 3, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhấn mạnh việc phải điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.

Liên quan đến vấn đề này, thông tin từ Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, trong 3 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng ở mức 2,28% và chủ yếu tập trung cho sản xuất – kinh doanh. Trong đó, tín dụng đối với ngành công nghiệp tăng 2,57%; tín dụng đối với ngành xây dựng tăng 1,08%; tín dụng đối với ngành thương mại và dịch vụ tăng 1,97%. Trong khi đó, tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy sản tăng 1,01%… Như vậy, tín dụng đã tăng khá ở hầu hết các ngành và điều này được cho là hỗ trợ lớn cho sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp còn phụ thuộc lớn vào nguồn vốn ngân hàng, vì vậy, phương châm của Ngân hàng Nhà nước là vẫn mở rộng tín dụng, nhưng theo nguyên tắc an toàn, hiệu quả”, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói. Bà Hồng cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2019 ở mức khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

(Nguồn: baodautu.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here