Cái bẫy trên các con đường tơ lụa mới

0
139
BRI bao gồm 2 tuyến đường quốc tế: Một tuyến đường đi theo con đường tơ lụa lịch sử dẫn đến Trung Quốc qua Trung Á, và tuyến đường còn lại dẫn các con đường hàng hải của Trung Quốc đến Đông Nam Á và Nam Á, châu Phi và châu Âu. (Nguồn: Wikipedia)

Nhiều nước vay nợ Trung Quốc đã rơi vào cái bẫy của dự án “Các con đường tơ lụa mới”. Dự án này có lợi cho lợi ích quốc gia và các doanh nghiệp Trung Quốc. Về phần mình, phương Tây không đề xuất được điều gì ngoài chính sách khắc khổ và siết chặt ngân sách. 

Trong vòng chưa đầy một thế hệ, trật tự kinh tế thế giới đã có những thay đổi rõ rệt. Trung Quốc, sau khi vượt Nhật Bản vào năm 2011, sẽ dẫn đầu vào năm 2050, theo sau là Ấn Độ. Ngược lại, Mỹ sẽ bị tụt xuống vị trí thứ ba với tầm vóc kinh tế chỉ bằng già nửa so với đất nước của ông Tập Cận Bình.

3 mặt trận đối đầu

Trước diễn biến này, những năm gần đây, người ta nói nhiều đến khả năng Trung Quốc, một cường quốc đang lên, và Mỹ, một cường quốc đã được khẳng định, sẽ không tránh được một cuộc chiến tranh giống như cuộc xung đột giữa thành Athens và thành Sparta trong thời cổ đại. Quả thực, Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng xóa bỏ ranh giới phân định giữa kinh tế và an ninh quốc gia, do vậy, một lời tuyên chiến chính thức không còn cần thiết nữa. Trong nhiều thập kỷ, hai cường quốc này đã đối đầu nhau trên cả 3 mặt trận.

BRI bao gồm 2 tuyến đường quốc tế: Một tuyến đường đi theo con đường tơ lụa lịch sử dẫn đến Trung Quốc qua Trung Á, và tuyến đường còn lại dẫn các con đường hàng hải của Trung Quốc đến Đông Nam Á và Nam Á, châu Phi và châu Âu. (Nguồn: Wikipedia)

Mặt trận thứ nhất có thể dễ dàng nhận thấy, cả về tốc độ, quy mô và cường độ, liên quan tới Biển Đông, nơi 1/3 lượng giao thương hàng hải quốc tế đi qua. Bắc Kinh đưa ra các yêu sách hàng hải và chủ quyền tại vùng biển này dựa trên chiến lược ngăn chặn tiếp cận khu vực nhằm làm giảm phạm vi hành động của Mỹ và các đồng minh.

Mặt trận thứ hai, mặc dù ít nhận thấy hơn, liên quan đến lĩnh vực không gian mạng, vũ khí mạng và mục tiêu làm chủ các công nghệ cao, các sản phẩm bán dẫn, lĩnh vực điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo. Trong khi cuộc chiến này đang lặng lẽ diễn ra, Trung Quốc, cũng giống như Nga, đã thể hiện quyết tâm đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực công nghệ thông qua chính sách “Made in China 2025”, hay mua lại các công nghệ mới bằng các hoạt động đầu tư rủi ro vào Thung lũng Silicon.

Nhưng mặt trận thứ ba mới cần được phân tích chi tiết hơn, bởi nó đang dần hình thành và trở thành mặt trận quan trọng nhất, với tên gọi chính thức là “Con đường tơ lụa mới” (hay Sáng kiến “Vành đai và Con đường” – BRI). Vậy BRI là gì? Về cơ bản, đây là một chương trình cho vay trị giá hơn 1.000 tỷ USD để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, do Trung Quốc tài trợ và chủ yếu do các nhà thầu xây dựng Trung Quốc thực hiện. Nó cho phép những nước nghèo hoặc thiếu vốn được hưởng nguồn quỹ này để xây dựng và mở rộng các đường cao tốc, hệ thống đường sắt, cầu, cảng, đường ống dẫn dầu và nhà máy điện. Mạng lưới cơ sở hạ tầng kết nối những nước này với Trung Quốc và giữa những nước này với nhau trong một mạng lưới thị trường rộng lớn, tất cả đều có lợi cho cả nước mua lẫn nước bán.

BRI có mang lại sự tiến bộ toàn cầu?
BRI bao gồm 2 tuyến đường quốc tế: Một tuyến đường đi theo con đường tơ lụa lịch sử dẫn đến Trung Quốc qua Trung Á, và tuyến đường còn lại dẫn các con đường hàng hải của Trung Quốc đến Đông Nam Á và Nam Á, châu Phi và châu Âu. Tại châu Á, nguồn vốn của BRI được cung cấp bởi Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) – được thành lập năm 2012 và có trụ sở tại Bắc Kinh. AIIB hợp tác với nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, cho vay và xây dựng ở bên ngoài biên giới Trung Quốc như Ngân hàng phát triển Trung Quốc, Ngân hàng xuất nhập khẩu (EXIMBANK) và Ngân hàng phát triển mới (NDB). Sau 6 năm được triển khai, BRI đã tích lũy được nguồn tài chính đầy ấn tượng.

Tuy nhiên, liệu BRI có mang lại sự tiến bộ toàn cầu cho những nước tham gia? Dĩ nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quảng bá cho BRI, nhưng người ta sẽ đặt câu hỏi về những động cơ của ông.

Chỉ riêng ở châu Á đang phát triển, nơi nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng từ nay cho đến năm 2030 ước tính khoảng 1.700 tỷ USD mỗi năm, BRI đáp ứng phần lớn nhu cầu tài chính này.

Tại Lào, tuyến đường sắt Lào – Trung Quốc, được khởi công xây dựng năm 2016, là dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất của năm đó, tương đương 35% GDP. Tại Campuchia, hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào đất nước này đã dẫn đến sự bùng nổ xây dựng trị giá 18 tỷ USD tại một đất nước mà GDP hàng năm chỉ đạt xấp xỉ 22 tỷ USD. Tại Myanmar, chính phủ nước này vừa ký hợp đồng trị giá 1,3 tỷ USD để xây dựng một cảng nước sâu tại bang Rakhine nối Myanmar với Trung Quốc và hành lang kinh tế Đông-Tây của ASEAN. Tại Pakistan, chỉ vài ngày sau thắng lợi bầu cử của Thủ tướng Imram Khan vào tháng 8/2018, Trung Quốc cũng quyết định cấp cho nước này khoản vay trị giá 2 tỷ USD.

Và danh sách những nước được hưởng lợi, kể cả những nước đối tác nhỏ, vẫn tiếp tục kéo dài. Danh sách này cũng bao gồm nhiều quốc gia ở châu Phi, Mỹ Latinh, Trung và Đông Âu, đặc biệt ở Balkan. Lập luận mà Trung Quốc đưa ra hết sức đơn giản: Nhiều quốc gia gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường vốn quốc tế, và Trung Quốc là một nguồn vốn “tình nghĩa” có mặt ở khắp nơi và dễ kiểm soát.

Những khoản vay thế chấp đầy rủi ro?
Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Ấn Độ, cũng như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ đối với các khoản cho vay trong khuôn khổ BRI. Các nước phương Tây cho rằng các khoản vay này đang dần khiến các quốc gia dễ tổn thương và dễ bị chi phối rơi vào bẫy nợ không thể kiểm soát, và họ chỉ có thể thoát khỏi bẫy đó bằng cách trả nợ bằng hiện vật. Trên thực tế, đã có nhiều ví dụ về những nước rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc.

Sri Lanka là nước đầu tiên đi sai đường. Từ năm 2010 đến năm 2015, Tổng thống Mahinda Rajapaksa đã đứng về phía Trung Quốc để nhận được những dự án đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng. Do không thể thực hiện những nghĩa vụ đã cam kết, Chính phủ Sri Lanka đã buộc phải chấp nhận để Bắc Kinh thuê cảng biển nước sâu Hambantota và 6.000 ha đất liền kề trong 99 năm, để được Bắc Kinh xóa khoản nợ trị giá 1,1 tỷ USD. Quyết định này của Chính phủ Sri Lanka đã cho phép Trung Quốc đặt chân vào Ấn Độ Dương, chỉ cách Ấn Độ, kẻ thù lịch sử của họ vài trăm dặm.

Tương tự, tại Maldives, chính phủ mới đang đánh giá khoản nợ mà chính phủ nhiệm kỳ trước vay Trung Quốc để lại. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, Malaysia, với mức nợ quốc gia hiện vào khoảng 250 tỷ USD, đã từ chối một dự án đường sắt và hai dự án đường ống dẫn dầu trị giá 20 tỷ USD mà Bắc Kinh đề xuất vào cuối năm 2018.

Trong khi đó, tại châu Âu, Trung Quốc cũng đẩy mạnh các hoạt động đầu tư trong khuôn khổ BRI. Năm 2016, Trung Quốc đã ký kết một thỏa thuận với Hy Lạp, theo đó Hy Lạp trao cho Trung Quốc quyền quản lý 2 trong tổng số 3 bến cảng Piraeus (lớn nhất của Hy Lạp) để đổi lấy việc xóa khoản nợ 1,7 tỷ USD. Kể từ đó, Trung Quốc đã nhắm tới những cơ sở hạ tầng biển tương tự ở Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Malta và Cộng hòa Síp, tạo ra một chuỗi giá trị hàng hải mang lại cho Trung Quốc một vị thế vững chắc ở Địa Trung Hải.

Nếu như sự kết nối hàng hải này phục vụ những lợi ích của Trung Quốc, thì nó lại đang tạo ra một vết nứt trong lòng EU, khiến cho các nước thành viên EU ở Tây Âu và Bắc Âu (vốn coi BRI là một con ngựa thành Troia nguy hiểm núp dưới bề ngoài vô hại) chống lại các thành viên Nam Âu, Trung Âu và Đông Âu chào đón BRI.

Một diễn biến tương tự cũng được nhận thấy trong ASEAN. 2 năm sau chiến thắng lịch sử tại Tòa án quốc tế La Hay chống những yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trên biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), gần đây Chính phủ Philippines đã lựa chọn cách “lùi bước”, đi ngược lại công luận nước này. Chính phủ Philippines đã bênh vực Trung Quốc để đổi lấy những thỏa thuận kinh tế có giá trị. Điều đáng nói là sự lùi bước của Philippines là một đòn trí mạng đối với sự khiếu nại của nhiều nước thành viên khác trong ASEAN, đặc biệt là Indonesia, Singapore, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.

Trung Quốc là một nguồn vốn “tình nghĩa” có mặt ở khắp nơi và dễ kiểm soát.

Đối với Trung Quốc, tất cả những điều trên có thể trở thành vũ khí sắc bén cho phép bẻ cong trật tự tiền tệ hiện tại, tiếp cận các thị trường mới và giành được ảnh hưởng đối với cấu trúc đa phương thời hậu chiến. Quả thực, một “câu lạc bộ Bắc Kinh” dựa trên lượng khách hàng ngày càng tăng có thể thay đổi sâu sắc bối cảnh tái cơ cấu nợ, không chỉ gây phương hại tới Câu lạc bộ Paris, mà còn buộc IMF – thường là tổ chức cho vay cuối cùng – phải tỏ “biết điều” hơn trước sức mạnh tài chính của Trung Quốc. Nói chính xác hơn, các những nước vay nợ Trung Quốc có thể dành cho nước này những đảm bảo tài chính ưu tiên trong vấn đề hoàn trả nợ, so với các nước chủ nợ thuộc Câu lạc bộ Paris.

Ngăn chặn các “nạn nhân tự nguyện”

Đối với thương mại quốc tế, mặc dù năng suất của các doanh nghiệp Trung Quốc gần đây đã được cải thiện, họ vẫn tiếp tục dựa vào sự hỗ trợ của chính phủ ở một mức độ lớn, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu và được hưởng một thị trường nội địa lớn. Từ thực tế này, BRI có nguy cơ dành nhiều ưu ái cho các doanh nghiệp Trung Quốc hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài. Thương mại quốc tế trở nên mất cân bằng nặng nề, buộc Tổng thống Trump phải áp dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với các sản phẩm của Trung Quốc. Với cách hành xử kém mạnh tay hơn, nhân cuộc gặp gỡ với Tập Cận Bình vào tháng 1/2018, Emmanuel Macron đã tuyên bố rằng những Con đường tơ lụa mới “không thể là những con đường hình thành quyền bá chủ mới đẩy những nước mà chúng đi qua vào vị thế chư hầu của Trung Quốc”.

Trên thực tế, giờ đây vấn đề trọng tâm đối với phương Tây là làm thế nào để ngăn chặn những “nạn nhân tự nguyện” đồng thời tránh có những phản ứng bộc phát có thể quay lại gây phương hại cho họ về lâu về dài.

Năm 2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ sự thất vọng của phương Tây khi tuyên bố rằng IMF không có lý do gì khi sử dụng tiền nộp thuế của người Mỹ để cứu trợ Pakistan hay những nước vay Trung Quốc nhưng không có khả năng trả nợ. Tuy nhiên, ông Pompeo đã không đề xuất được một giải pháp thay thế đáng tin cậy nào.

Tóm lại, thực tế là toàn thể phương Tây chưa thể tìm thấy một chiến lược hiệu quả đủ để đối phó với thách thức toàn cầu mà Trung Quốc tạo ra. Ngoài việc lên án sáng kiến BRI là một bẫy nợ và ca ngợi những mặt tích cực của chính sách khắc khổ và kỷ luật ngân sách của EU, thì những phản ứng của Mỹ, EU và những nước phương Tây khác quá ít ỏi, quá chậm chạp và rất kém hiệu quả.

Trong cuộc chiến không tuyên bố này, các nước phương Tây phải đối mặt với Trung Quốc khi họ không có những chiến tuyến mạnh, không có chính sách rõ ràng, cũng như không có những mục tiêu cụ thể. Lúc này, họ đang bối rối.

Việt Hà (theo arieon24.news)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here