Hội thảo “Mê Công – Lan Thương và các cơ hội hợp tác cho khu vực”

0
99

Nhằm hưởng ứng Tuần lễ kỷ niệm ba năm hình thành cơ chế hợp tác Mê Công – Lan Thương (18-24/3/2019), ngày 18 tháng 3 năm 2019 tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) đã phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hợp tác Mê Công – Lan Thương và các cơ hội hợp tác cho khu vực”. Đến dự Hội thảo có ông Nguyễn Văn Thảo, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Hùng Ba, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam; ông Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao; ông Thích Chấn Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Trung Quốc và đông đảo các học giả Trung Quốc và Việt Nam.

Sáng kiến Mê Công – Lan Thương (MLC) được hình thành từ năm 2016, sau Hội nghị Tam Á, để thúc đẩy hợp tác giữa sáu nước thành viên, bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan. Ba trụ cột hợp tác chính của sáng kiến MLC là chính trị và an ninh; hợp tác kinh tế và phát triển bền vững;  hợp tác văn hoá – xã hội và giao lưu nhân dân. Có năm nội dung ưu tiên hợp tác trong cơ chế MLC là hợp tác về quản lý nguồn nước; tăng cường kết nối giữa sáu nước thành viên; hợp tác phát triển năng lực sản xuất; hợp tác kinh tế xuyên biên giới và hợp tác nông nghiệp kết hợp với giảm nghèo.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Thảo hoan nghênh Học viện Ngoại giao đã phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc tổ chức hội thảo, là hoạt động thiết thực nhân dịp kỷ niệm Tuần lễ Hợp tác MLC lần thứ hai. Ông nhận định, trong ba năm qua, hợp tác MLC đã đạt được những bước tiến quan trọng, thu hút sự quan tâm và tham gia nhiệt tình của các bộ, ngành và địa phương tại sáu nước thành viên. Ông cũng cho biết, đến nay, hàng trăm dự án sử dụng Quỹ đặc biệt MLC đã được khởi động và đi vào triển khai, đem lại những lợi ích thiết thực cho khu vực trong việc nâng cao năng lực, mở ra cơ hội tiếp cận các kiến thức và công nghệ mới, thúc đẩy sự phối hợp giữa các nước trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và quản lý, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên. Về sự tham gia của nước ta, ông nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng hợp tác MLC và đã tham gia vào quá trình xây dựng khuôn khổ hợp tác ngay từ những ngày đầu thành lập. Ông bày tỏ hy vọng Hội thảo sẽ nhận được những trao đổi, thảo luận hiệu quả để đóng góp ý kiến cho cho hoạt động hợp tác của MLC trong thời gian tới.

Thay mặt đoàn Trung Quốc, trong bài phát biểu của mình, Đại sứ Hùng Ba nhấn mạnh, các dòng sông Mê Công và Lan Thương là cầu nối tự nhiên kết nối các nước và MLC là cơ chế hợp tác kiểu mới giữa sáu nước, mang đến diễn đàn hợp tác mới cho các nước cùng phát triển. Xuất phát từ một sáng kiến còn non trẻ, MLC đã bước đầu trở thành hiện thực, xây dựng được tinh thần MLC là cùng hợp tác, phát triển. Cụ thể, lần đầu tiên MLC đã tổ chức khoá đào tạo giữa các điều phối viên của các nước, tổ chức diễn đàn trao đổi giữa các học giả của các nước thành viên. MLC đã triển khai nhiều dự án đa lĩnh vực, từ kết nối cơ sở hạ tầng cho đến giáo dục hay y tế. Trong MLC, “Việt Nam có vai trò không thể thiếu, có tiềm năng to lớn cần được phát huy. Trung Quốc coi trọng hợp tác trong nhiều lĩnh vực với Việt Nam, để thúc đẩy nhiều dự án phát triển song phương nhưng cũng để dẫn dắt, mở ra cơ hội hợp tác cho khu vực” – ông nói.

Trao đổi tại Hội thảo, các học giả thuộc Học viện Ngoại giao cùng với Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Trung Quốc đã dành thời gian đánh giá về tình hình hợp tác hiện tại trong cơ chế MLC, đề xuất các phướng hướng hợp tác trong thời gian tới. Ông Lê Hải Bình, Phó Giám đốc Học viên Ngoại giao cho rằng, MLC là cơ chế hợp tác có tốc độ phát triển nhanh nhất trong các cơ chế hợp tác tiểu vùng, nhưng dường như các nước thành viên vẫn chưa tận dụng được tất cả các cơ hội hợp tác mà cơ chế này mang lại. Ông đề nghị các học giả trao đổi, thảo luận và đưa ra các sáng kiến để thúc đẩy hợp tác, xoá bỏ các rào cản.

Để tạo thuận lợi cho công tác trao đổi, ông Lưu Khanh, Giám đốc Sở châu Á thuộc Viện nghiên cứu quốc tế của Trung Quốc đã giới thiệu về dự thảo kế hoạch triển khai hợp tác MLC 5 năm lần thứ nhất, trong đó nhiệm vụ chính đã được lãnh đạo cấp cao các nước thành viên xác định là xây dựng vành đai kinh tế MLC. Vành đai này là tầm nhìn để kết nối các kế hoạch khác của khu vực, ví dụ như sáng kiến “Hai hành lang, Một vành đai” của Việt Nam với các nước khác trong khu vực. Đây là cơ chế hợp tác dựa trên môi trường nguồn nước của hai dòng sông Mê Công và Lan Thương, thúc đẩy có hiệu quả phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế tiểu vùng. Ông cho biết, mục tiêu ngắn hạn trong thời gian tới là thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển vành đai đến 2022, với trọng tâm trước mắt là thực hiện thông quan một cửa. Đồng thời, cần tăng cường các dự án hợp tác để nâng cao năng lực sản xuất, hợp tác xuyên biên giới, hướng tới phát triển đồng đều ở hạ lưu, trung lưu và thượng lưu.

Chuyên gia Nguyễn Nhân Quảng, nguyên Phó Tổng thư ký Uỷ hội Sông Mê Công, cho rằng MLC dựa trên nguyên tắc tự nguyện trong sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông Mê Công. Ông kiến nghị, đây là con sông quốc tế thì nên có những chế tài dựa trên luật pháp quốc tế, để gia tăng sự ràng buộc đối với các nước thành viên và bảo vệ lợi ích của các nước không tham gia vào cơ chế. Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Trường Giang – Viện trưởng Viện Biển Đông cho biết, có thể áp dụng các phong tục tập quán quốc tế như nguyên tắc sử dụng nguồn nước công bằng, không gây hại cho các nước khác, chia sẻ thông tin, sử dụng bền vững nguồn nước và bảo đảm quyền của các nước được cùng phát triển.

Trong khi đó, ông Lưu Sướng, chuyên gia về châu Á – Thái Bình Dương thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề về Trung Quốc cho rằng, các nước MLC cần quan tâm đến hợp tác thanh niên, tăng cường ủng hộ cho thanh niên, để các thanh niên ưu tú có thể hiểu rõ nhau hơn, củng cố tình cảm giữa các nước thành viên. Đồng thời, du lịch cũng là lĩnh vực có thể tăng cường hợp tác. Trong năm 2018, có hơn 5 triệu lượt du khách Trung Quốc đến thăm Việt Nam và con số này có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Ông nói: “Đây là những đại sứ, sứ giả cho giao lưu, tăng cường hiểu biết giữa nhân dân các nước MLC. Sáu nước thành viên đang hình thành liên minh giữa các thành phố, và trong thời gian tới cần có hợp tác chặt chẽ để tận dụng các cơ hội thúc đẩy hợp tác du lịch”.

Cuối cùng, TS. Nguyễn Quốc Trường, Trưởng ban Ban Chiến lược phát triển các ngành dịch vụ thuộc Viện Chiến lược và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất ba nội dung hợp tác để đưa hợp tác MLC đi vào thực chất. Thứ nhất, xây dựng Quy hoạch phát triển thủy điện chung trên sông Mê Công để bảo đảm các đập thuỷ điện được xây dựng đúng chỗ, không phương hại đến lợi ích chung của các nước thành viên. Thứ hai, tăng cường kết nối khu vực, đặc biệt là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông và kết nối các hành lang kinh tế gắn với tuyến vận tải Trùng Khánh – Singapore. Thứ ba, nghiên cứu phát triển một số cảng tự do thương mại quốc tế chung của khu vực, ví dụ thí điểm mô hình này tại các cảng Cái Mép – Thị Vải hay cảng Vũng Áng.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Giám đốc Học viện Lê Hải Bình đã cảm ơn các diễn giả, cho rằng đây là cơ hội hữu ích để đưa ra một cách nhìn tổng quan về hợp tác MLC. Ông khẳng định, cơ chế hợp tác giữa các học giả là rất quan trọng, để tiếp tục đưa ra các sáng kiến cho lãnh đạo cấp cao các nước thành viên MLC, góp phàn thúc đẩy hợp tác MLC trên cơ sở các bên cùng có lợi./.

(Ban Quản trị Trang NGKT Trực tuyến)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here