Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì Hội thảo với sự tham gia của các diễn giả quốc tế và trong nước như bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Giáo sư Arne Westad Trường Nhà nước Kennedy, Đại học Harvard; ông Nirukt Sapru, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam; Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright; Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam… Đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam cũng tham gia Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh ý nghĩa thiết thực của các chủ đề được thảo luận tại Hội thảo, đồng thời cho rằng năm 2016 và giai đoạn 2016-2020 có ý nghĩa quan trọng đối với ngành ngoại giao nói chung và công tác Ngoại giao Kinh tế nói riêng trong việc chủ động, tích cực triển khai chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực triển khai đường lối phát triển của Đại hội Đảng XII vừa qua.
Tại Hội thảo, các diễn giả, chuyên gia cùng các thành viên Ban chỉ đạo Ngoại giao Kinh tế đã trao đổi, thảo luận sôi nổi để có cái nhìn sâu hơn, toàn diện hơn về những cơ hội, thách thức, nhiệm vụ và cách thức triển khai công tác Ngoại giao Kinh tế trong năm 2016 cũng như giai đoạn 2016-2020. Bà Kwakwa đã chia sẻ với cán Bộ Ngoại giao về dự án “Việt Nam đến năm 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”. Đây là công trình nghiên cứu toàn diện về cơ hội và thách thức phát triển dài hạn của Việt Nam. Giáo sư Westad chia sẻ về các chính sách kinh tế và đối ngoại mới của Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á. Ông nhận định Trung Quốc cần Đông Nam Á nhiều hơn là Đông Nam Á cần Trung Quốc và tin tưởng rằng quan hệ kinh tế Trung Quốc – ASEAN hoàn toàn có thể cùng phát triển bổ trợ cho nhau, tạo yếu tố cộng hưởng để đưa nền kinh tế các nước Đông Nam Á trở thành trọng tâm, động lực phát triển kinh tế thế giới trong 20 năm tới. Về lĩnh vực tài chính-tiền tệ, các diễn giả cùng chia sẻ quan điểm Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, đây là cơ hội để Việt Nam vươn lên, cải thiện thị trường tài chính vốn đã bị bóp méo trong nhiều năm qua để hướng tới phát triển bền vững và trở thành động lực cho sự phát triển của cả nền kinh tế. Mặc dù vậy, các học giả cũng nhất trí nợ công và thâm hụt ngân sách là những thách thức lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới và chỉ có đổi mới mô hình tăng trưởng, áp dụng kinh tế thị trường triệt để và xây dựng nhà nước pháp quyền mới đảm bảo tận dụng được tốt nhất cơ hội hiện nay.
Nét mới trong Chương trình cập nhật kiến thức Ngoại giao Kinh tế năm nay, Ban Tổ chức đã mời ông Herb Cochran (Giám đốc Điều hành Amcham), ông Shimon Tokuyama (Chủ tịch JBAV), ông Miguel Garrido (Uỷ viên Hội đồng Eurocham) và đại diện các doanh nghiệp Việt Nam như BIDV, FPT, Viettel, Vingroup, May 10… toạ đàm về những cơ hội, thách thức trong việc Việt Nam chuẩn bị cho quá trình hội nhập sâu rộng và triển khai các Hiệp định thương mại tự do đã ký, cũng như yêu cầu phối hợp đối với Bộ Ngoại giao trong hoạt động Ngoại giao Kinh tế. Phát biểu tại phiên thảo luận, đại diện các Hiệp hội thương mại Amcham, Eurocham, Nhật Bản đánh giá cao vai trò của Bộ Ngoại giao đã tạo cơ chế kết nối giữa các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam và Bộ Ngoại giao để chia sẻ những vấn đề quan tâm chung. Các hiệp hội cũng “hiến kế” cho Bộ Ngoại giao những điểm quan trọng Việt Nam cần tập trung cao hơn để đáp ứng tốt nhất và hiệu quả nhất những cơ hội do đầu tư nước ngoài mang lại. Các doanh nghiệp trong nước cũng chia sẻ chính sách đầu tư và những chuẩn bị của mình khi các Hiệp định FTAs mới (đặc biệt là TPP) chính thức được triển khai, đồng thời đề xuất hướng hợp tác, hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao.
“Chương trình cập nhật kiến thức, kỹ năng NGKT và tham vấn địa phương doanh nghiệp của Ban Chỉ đạo Ngoại giao Kinh tế” là chương trình thường niên do Bộ Ngoại giao tổ chức kể từ năm 2013 nhằm cập nhật kiến thức, tìm hiểu nhu cầu, định hướng hợp tác và các vướng mắc của địa phương, doanh nghiệp, qua đó có cơ sở triển khai hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp trong triển khai hội nhập mạnh mẽ và sâu rộng./.
Tú Văn