Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp quảng bá nông sản Việt Nam tại Thượng viện Pháp

0
109

Việt Nam đã kết thúc đàm phán Hiệp định Tự do Thương mại với EU (EVFTA). Sau khi EVFTA có hiệu lực, gạo Việt Nam sẽ được giảm thuế về bằng 0. Để đón đầu cơ hội này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương đang xây dựng chương trình Thương hiệu Gạo Việt.  Hiện nay, một số doanh nghiệp Việt Nam đã có các sản phẩm gạo ngon, sạch, dinh dưỡng, đạt tiêu chuẩn EU, có thể làm sushi và các món cơm khác. Do vậy, Đại sứ quán VN tại Pháp đã quyết định lựa chọn gạo như 1 mặt hàng mũi nhọn để quảng bá tại Pháp. Ngoài gạo, cà phê và trà cũng là những mặt hàng nông sản được ĐSQ đưa ra quảng bá tại Thượng viện Pháp ngày 25/3/2016.

Hơn 200 doanh nghiệp Pháp và Việt Nam đã tham gia sự kiện quảng bá này. Những sản phẩm như hạt lúa, hạt cà phê, lá chè với các thương hiệu nàng Thơm chợ Đào, nàng Hoa, tám Xoan, tám Điện Biên, cà phê Trung Nguyên, cà phê Phúc Sinh, chè Tâm Lan…. của các doanh nghiệp có tiếng của Việt Nam như Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Công ty Lương thực Sông Hậu, Công ty Lương thực Long An, Công ty Cổ phần Gentraco, Doanh nghiệp tư nhân Công Bình… đã được các doanh nghiệp Pháp rất chú ý, quan tâm. Ngoài việc giới thiệu trực tiếp các sản phẩm, ĐSQ cũng trình chiếu băng video về nông sản Việt Nam (gạo, trà, cà phê), quy trình sản xuất sạch, dinh dưỡng, đạt tiêu chuẩn ISO. Đích thân Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn mời khách thưởng thức ẩm thực Việt Nam qua các món được chế biến từ gạo Việt Nam cùng những tách trà và cà phê đậm đà hương vị Việt Nam.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: «Từ một nước với nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, canh tác chủ yếu theo phương thức tự cung tự cấp và phải nhập khẩu lương thực thực phẩm để phục vụ tiêu dùng, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước cấp cung nông, lâm, thủy sản hàng đầu của thế giới. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản không ngừng tăng lên qua các năm (từ mức 3 – 6 tỷ USD/bình quân năm giai đoạn 2000-2005 lên mức 25,5 tỷ USD/bình quân năm giai đoạn 2000 – 2005). Năm 2015, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đạt 27,5 tỷ USD, trong đó gạo và cà phê là một trong 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD…

Tuy đã khẳng định được vị thế nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới như hạt điều, hạt tiêu (đứng thứ nhất thế giới), cà phê (đứng thứ hai), gạo (đứng thứ ba), chè (đứng thứ năm)…  , nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang không ngừng đầu tư khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại cho quá trình sản xuất, chế biến, đóng gói xuất khẩu nhằm cải tiến mẫu mã sản phẩm đảm bảo chất lượng, thương hiệu, uy tín để phù hợp hơn với thị hiếu tiêu dùng của khách hàng từng khu vực…”

Trước đó, ngày 24/3, tại Đại sứ quán cũng đã diễn ra buổi làm việc giữa đoàn 27 doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo của Việt Nam với đại diện của tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Pháp Auchan.

Tại buổi gặp, ông Frédéric Yu, đại diện của tập đoàn Auchan cho biết: Pháp là một trong những thị trường tiêu thụ gạo lớn ở châu Âu, hàng năm, tiêu thụ khoảng 240.000 tấn gạo. Tuy nhiên, để xâm nhập được thị trường này cần phải có những hiểu biết về thói quen và sở thích của người tiêu dùng cũng như nhu cầu của thị trường. Hiện thị trường Pháp đang tiêu thụ chủ yếu gạo Basmati của Ấn Độ, gạo thơm của Thái Lan, Campuchia. Gạo Việt Nam chưa xuất hiện nhiều tại các siêu thị và cũng chưa xây dựng được thương hiệu tại Pháp. Ông cho rằng nếu gạo thơm của Việt Nam đảm bảo chất lượng thì hoàn toàn có chỗ đứng tại thị trường Pháp.

Về phần mình, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết để phục vụ nhu cầu mở rộng xuất khẩu sang các thị trường cao cấp, Việt Nam bắt đầu chuyển đổi sản xuất theo hướng đáp ứng yêu cầu của thị trường, đặc biệt là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo ông, Việt Nam có khả năng phát triển các loại gạo chất lượng cao, đặc biệt là gạo thơm. Pháp và EU là thị trường tiềm năng vì gạo Việt Nam có chất lượng đảm bảo và giá bán thấp./.

(Nguồn: ĐSQVN tại Pháp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here