Chính phủ Pháp triển khai đánh thuế các tập đoàn khổng lồ về số hóa

0
105

Cuộc tấn công của Chính phủ Pháp nhắm vào các tập đoàn khổng lồ về số hóa đang được cụ thể hóa. Ngày 6/3/2019, Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire đã trình bày trước Hội đồng Bộ trưởng Pháp dự thảo luật về đánh thuế các tập đoàn khổng lồ số hóa, gọi tắt là thuế GAFA (vì chủ yếu liên quan tới các tập đoàn GAFA : Google, Apple, Facebook và Amazon). Tỷ lệ đánh thuế GAFA được áp dụng sẽ là 3% doanh số đối với các doanh nghiệp có doanh thu về số hóa (tiền thu được từ quảng cáo trên mạng, từ sử dụng dữ liệu cá nhân và hoa hồng từ bán hàng qua mạng) đạt trên 25 triệu Euro tại Pháp và hơn 750 triệu Euro trên toàn thế giới.

Hiện các tập đoàn GAFA đóng thuế doanh nghiệp rất ít cho Chính phủ Pháp. Chẳng hạn năm 2017, Google khai báo thực hiện doanh số 395 triệu Euro tại Pháp và chỉ đóng thuế 14 triệu Euro mà đáng nhẽ phải đóng thuế khoảng 100 triệu Euro, vì trên thực tế tập đoàn này đạt doanh số từ bán quảng cáo tại Pháp mỗi năm lên tới 2 tỷ Euro, nhưng đăng ký giao dịch tại Ai-len. Theo dự thảo luật mới, thuế GAFA, sẽ được áp dụng từ ngày 01/01/2019 (áp dụng truy thu thuế) đối với khoảng 30 tập đoàn lớn về số hóa tại Pháp, sẽ mang lại nguồn thu cho Chính phủ Pháp thêm 400 triệu Euro trong năm đầu thực hiện và lên tới 650 triệu Euro vào năm 2021. Con số này vẫn ít nếu so với các nguồn thu thuế khác của Chính phủ Pháp, chẳng hạn thuế doanh nghiệp mỗi năm đạt hơn 60 tỷ Euro. Tuy nhiên, việc Chính phủ Pháp đánh thuế GAFA là hợp lý nếu xét về mục tiêu siết chặt thuế. Hơn nữa, quyết định này mang ý nghĩa về chính trị nhiều hơn là về ngân sách. Bởi vì hiện trên thế giới, nhất là trong EU vẫn còn nhiều nước do dự chưa muốn áp dụng loại thuế này, nhất là Đức. Riêng Mỹ, tuy cho rằng thế giới cần cải cách thuế sâu rộng và ủng hộ việc cần ấn định mức thuế tối thiểu đối với các tập đoàn số hóa trên toàn thế giới, nhưng Bộ trưởng Ngân khố nước này, ông Steven Mnuchin khi thăm Pháp cuối tháng 2 vừa qua vẫn nhìn nhận kế hoạch đánh thuế GAFA của Pháp với con mắt thiếu thiện cảm.

Chính phủ Pháp nhận định rằng quyết định đánh thuế GAFA là «chọc vào tổ kiến lửa» nhưng là để gây sức ép cho các đàm phán quốc tế về vấn đề này, dưới sự điều hành của OECD và đẩy nhanh tiến trình thế giới đánh thuế các hoạt động về số hóa. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire khẳng định đây là một biện pháp mạnh nhằm lập lại sự công bằng về thuế, là bước đi ban đầu nhưng sẽ tiến triển nhanh. Ông tin rằng loại thuế này sẽ được toàn thế giới áp dụng.

Các nhà kinh tế bình luận rằng Pháp là một nước rất «sáng tạo» về đánh thuế, nên việc Pháp là nước đầu tiên trong EU đánh thuế GAFA không có gì quá ngạc nhiên. Tuy nhiên, đánh thuế GAFA của Pháp là «điều cực chẳng đã», «lợi bất cập hại», chưa thỏa đáng. Pháp đang «một mình một ngựa», một mình đánh thuế một kiểu, đã đưa cho thế giới chiếc gậy để bị đánh. Các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng về những điều xấu của luật thuế GAFA vì còn nhiều thiếu sót và chứa đựng nhiều rủi ro. Trước tiên là nguyên tắc đánh thuế dựa trên doanh số là trái với quy tắc kinh tế. Biện pháp này có nguy cơ làm nản lòng đầu tư và chuyển đổi về kỹ thuật số của các doanh nghiệp truyền thống. Hiệp hội các Cơ quan Internet cộng đồng (ASIC) thì đánh giá thuế GAFA là một «tín hiệu rất xấu cho nước Pháp», nhất là đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp Pháp, bởi vì đánh thuế theo doanh số có thể khiến họ không cần phát triển quá nhanh để bị đánh thuế khi doanh số đạt ngưỡng 25 triệu Euro. Cách tốt nhất là đánh thuế trên lợi nhuận, dù rằng cách làm này sẽ phức tạp hơn. Thứ hai, thuế GAFA sẽ ảnh hưởng tới người tiêu dùng nhiều hơn là các tập đoàn số hóa. Theo nghiên cứu của Văn phòng luật sư Taj của Pháp, hơn 50% số thuế GAFA thu được sẽ do người dùng Internet trả, 40% do các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn các tập đoàn số hóa lớn chỉ đóng 5%. Thứ ba, loại thuế này chưa nắm bắt được một cách rõ ràng những khác biệt đang tồn tại trong lĩnh vực quảng cáo và bán lại dữ liệu và có thể dẫn đến việc đánh thuế nhiều lần đối với cùng một doanh số khi nhiều doanh nghiệp hợp tác với nhau v.v.

Đảng đối lập nước Pháp bất khuất LFI cho rằng thuế GAFA không cần thiết, chỉ là sự «băng bó cho một cái chân bằng gỗ» và chưa đánh đúng vào trọng tâm vấn đề. Vì nếu thuế GAFA là cần thiết thì đã phải được triển khai trên quy mô toàn châu Âu. Theo các chuyên gia, thuế GAFA của Pháp một cuộc phiêu lưu mạo hiểm và sẽ không thực hiện được lâu dài. Bản thân Chính phủ Pháp cũng đã thừa nhận thuế GAFA của Pháp chỉ áp dụng tạm thời trong khi chờ đợi OECD đạt được thỏa thuận quốc tế để cải cách sâu rộng về thuế lợi nhuận đối với các doanh nghiệp. Thỏa thuận này có thể đạt được ngay năm 2020. Hiện các nước thành viên EU cho thấy họ bất lực trong việc tập thể đưa ra các quy định chung về thuế, nên các sáng kiến sẽ được thực hiện một cách «lẻ mẻ», tản mạn: Italia, Anh và Tây Ban Nha cũng có kế hoạch về thuế GAFA riêng của mình./.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here