TÁC ĐỘNG CỦA CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ ĐẾN QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP

0
87

Chủ đề nổi bật nhất tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) tháng 9/2018 tại Hà Nội vừa qua là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động của nó đến các nền kinh tế phát triển ở khu vực, trong đó có Việt Nam. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng sớm nhất và sâu sắc nhất của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trên cơ sở tham khảo cuốn sách cùng tên của Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), bài viết sẽ tổng hợp lại một số đánh giá về tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với công tác quản trị doanh nghiệp.

Các công nghệ nền tảng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ ảnh hưởng lớn đến phương thức điều hành, huy động và quản trị nguồn lực doanh nghiệp. Hiện tuổi đời trung bình trong danh sách 500 công ty hàng đầu thế giới đã giảm từ 60 xuống còn 18. Các công ty trẻ cũng mất ít thời gian hơn để đạt quy mô lớn như Facebook mất 6 năm để có doanh thu 1 tỷ USD mỗi năm, còn Google chỉ mất 5 năm.
Sự ra đời của các công nghệ mới sẽ tạo ra cách thức hoàn toàn mới đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và phá vỡ đáng kể các chuỗi giá trị hiện tại. Đồng thời, sự trỗi dậy của các đối thủ nhạy bén, sáng tạo sẽ buộc các doanh nghiệp truyền thống phải tích cực đổi mới. Mặt khác, nhu cầu của khách hàng đang có những thay đổi lớn về chất: tính minh bạch, mức độ can dự của người tiêu dùng, các tập quán tiêu dùng mới ngày càng tăng, buộc các công ty phải thay đổi cách thiết kế, tiếp thị và cung cấp sản phẩm, dịch vụ.
Về tổng thể, tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với doanh nghiệp là sự chuyển đổi không tránh khỏi từ xu thế số hóa đơn giản sang hình thức đổi mới phức tạp hơn rất nhiều, dựa trên sự kết hợp nhiều công nghệ khác nhau theo những cách thức mới mẻ. Điều này buộc các công ty phải xem xét lại phương thức kinh doanh, chuyển đổi mô hình mới và sẵn sàng đổi mới liên tục để bắt kịp sự thay đổi của công nghệ và thời đại.
Theo Giáo sư Schwab, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có bốn tác động chính lên doanh nghiệp: (i) thay đổi trong kỳ vọng của người tiêu dùng; (ii) dữ liệu giúp cải tiến sản phẩm và hiệu năng sử dụng nguồn lực; (iii) các mô hình đối tác mới ra đời; (iv) chuyển đổi hình thức vận hành sang các mô hình số mới.
Kỳ vọng của người tiêu dùng
Khách hàng đang ngày càng trở thành trung tâm, thành đối tượng phục vụ của nền kinh tế kỹ thuật số, và yêu cầu của khách hàng không dừng lại ở sản phẩm mà mở rộng ra các trải nghiệm gắn liền với sản phẩm ấy. Ví dụ, trải nghiệm với sản phẩm của Apple không chỉ là quá trình sử dụng sản phẩm, mà còn là bao bì, thương hiệu, việc mua sắm và dịch vụ khách hàng.
Doanh nghiệp đang ngày càng chuyển sang tìm kiếm khách hàng bằng tiêu chí số, nghĩa là xác định khách hàng tiềm năng dựa vào dữ liệu được họ chia sẻ và tương tác trong môi trường số. Nguồn thông tin này đem lại những hiểu biết sâu sắc về tập quán cũng như xu hướng tiêu dùng của khách hàng mà trước đây doanh nghiệp không thể có được.
Việc dễ dàng so sánh đồng cấp về chất lượng sản phẩm trở nên phổ biến hơn và dịch chuyển quyền lực sang người tiêu dùng. Các trang web so sánh giá và đánh giá chất lượng sản phẩm khiến doanh nghiệp không thể trốn tránh trách nhiệm về sản phẩm hay dịch vụ kém chất lượng. Giá trị thương hiệu là một giải thưởng khó giành được nhưng lại dễ mất đi, đặc biệt là trong kỷ nguyên số.
Cải tiến sản phẩm bằng dữ liệu
Công nghệ mới đang thay đổi cách doanh nghiệp nhìn nhận và quản lý tài sản, khi sản phẩm và dịch vụ được không ngừng nâng cấp với các tính năng số giúp vòng đời dài hơn và giá trị được nâng cao hơn.
Dữ liệu và phân tích cũng đang làm thay đổi vai trò của khâu bảo trì. Hệ thống cảm biến gắn trên tài sản cho phép doanh nghiệp giám sát liên tục và bảo trì chủ động, qua đó tối đa hóa việc sử dụng tài sản. Bên cạnh bảo trì, khả năng dự báo hiệu suất tài sản cho phép hình thành nhiều mô hình kinh doanh mới như định giá và cho thuê tài sản theo công suất sử dụng.
Mô hình đối tác mới
Đây là phương thức hiệu quả nhất giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nguồn lực và khai thác những thành tựu mới với chi phí tối ưu. Ví dụ, doanh nghiệp lớn có thể cộng tác với một trung tâm nghiên cứu nhỏ để triển khai một dự án cụ thể, nhờ đó khai thác năng lực chuyên biệt của đối tác, mà không cần đầu tư quá nhiều. Ngược lại, trung tâm nghiên cứu cũng có cơ hội sử dụng nguồn lực và thông tin khổng lồ mà doanh nghiệp lớn sở hữu. Đôi khi, sự cộng tác này sẽ làm phát sinh mô hình kinh doanh mới. Ví dụ, Grab là sự kết hợp thành công của một công ty phần mềm với các cá thể cung cấp dịch vụ vận tải, ngân hàng và các nhà mạng di động.
Mô hình hoạt động mới
Tất cả những tác động này đòi hỏi các công ty phải xem xét lại mô hình hoạt động. Do đó, khâu quy hoạch chiến lược đang đối diện với thách thức phải đáp ứng nhu cầu cần vận hành nhanh hơn và nhạy bén hơn của các công ty.
Các chiến lược nền tảng, kết hợp với nhu cầu coi khách hàng là trung tâm và cải tiến sản phẩm bằng dữ liệu, đang chuyển đổi các ngành công nghiệp từ chỗ tập trung bán sản phẩm sang cung cấp dịch vụ. Ngày càng nhiều người tiêu dùng không còn mua và sở hữu sản phẩm hữu hình mà trả tiền cho dịch vụ họ sử dụng thông qua một nền tảng kỹ thuật số: sách điện tử của Amazon, nhạc online của Spotify, chia sẻ chỗ ở qua Airbnb. Các mô hình kinh doanh tiết kiệm đang tận dụng cơ hội từ sự tương tác giữa thế giới số, vật chất và con người để mở ra các hình thức tối ưu hóa mới, nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng cao với chi phí thấp.
Các mô hình hoạt động mới cũng đồng nghĩa với việc tài năng và văn hóa cần được nhìn nhận lại trong bối cảnh có những đòi hỏi mới về kỹ năng và nhu cầu thu hút và duy trì nguồn nhân lực phù hợp. Do dữ liệu ngày càng đóng vai trò trung tâm trong các mô hình ra quyết định, lực lượng lao động cần có kỹ năng mới và văn hóa doanh nghiệp cũng cần phải cải tiến.
Như đã đề cập ở trên, các công ty cần phải thích ứng với khái niệm “chủ nghĩa nhân tài”. Đây là một trong những động lực mới nổi quan trọng nhất của năng lực cạnh tranh. Các hệ thống phân cấp linh hoạt, phương thức mới để đánh giá và khen thưởng dựa vào hiệu quả công việc, các chiến lược mới nhằm thu hút và giữ chân nhân tài có kỹ năng đều sẽ là chìa khóa cho thành công.
Các tổ chức thành công sẽ ngày càng chuyển dịch từ cấu trúc phân cấp sang các mô hình kết nối mạng lưới và cộng tác. Các doanh nghiệp sẽ ngày càng được tổ chức với các nhóm phân tán, lao động từ xa và các tập thể năng động luôn trao đổi dữ liệu và đánh giá về công việc hay nhiệm vụ đang triển khai.
Kết hợp các thế giới số, vật chất và sinh học
Những công ty có khả năng kết hợp đa chiều (kỹ thuật số, vật chất và sinh học) thường thành công trong việc tạo ra đột phá cho cả một ngành công nghiệp và các hệ thống sản xuất, phân phối và tiêu thụ liên quan.
Sử dụng công nghệ hiện đại để chắp nối cung cầu một cách nhanh chóng và bỏ qua mô hình kinh doanh truyền thống đang là một cách tiếp cận mới, làm suy giảm vị trí lâu đời của các công ty truyền thống, xóa bỏ khâu trung gian trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khách hàng, đồng thời xóa mờ ranh giới giữa các ngành. Sự phát triển của Amazon từ một tiệm bán sách thành một tập đoàn bán lẻ có doanh thu 100 tỷ USD mỗi năm là một ví dụ tiêu biểu cho xu hướng này.
Tương tự như vậy, trong ngành ô tô, xe hơi giờ là một chiếc máy tính có bánh xe, với các bộ phận điện tử chiếm khoảng 40% giá thành. Việc Apple và Google lấn sân vào thị trường này cho thấy một công ty công nghệ giờ đây có thể biến thành công ty ô tô. Tương lai, khi cán cân giá trị chuyển dịch về phía các cấu phần điện tử, công nghệ và bản quyền phần mềm có thể sẽ mang lợi ích chiến lược hơn là bản thân việc sản xuất chiếc xe.
Ngành y tế cũng đang đối mặt với thách thức phải tích hợp cùng lúc những tiến bộ của công nghệ vật chất, sinh học và kỹ thuật số, khi sự phát triển của các phương pháp chẩn đoán và điều trị diễn ra đồng thời với áp lực số hóa hồ sơ bệnh án và tận dụng nguồn thông tin phong phú thu thập được từ các thiết bị mang trên người và từ công nghệ cấy ghép.
Không phải mọi ngành công nghiệp đang ở cùng điểm đột phá như nhau, nhưng tất cả đều đang bị các lực lượng thúc đẩy cách mạng công nghiệp lần thứ tư đẩy đến bờ vực của sự chuyển đổi. Sự khác biệt đến từ đặc thù ngành và đặc điểm nhân khẩu học của đội ngũ khách hàng. Nhưng trong một thế giới bất định, khả năng thích ứng đóng vai trò then chốt – nếu một công ty không thể vượt lên đỉnh dốc thì sẽ có thể sẽ bị đẩy xuống vực.
Muốn tồn tại và phát triển, các công ty cần duy trì và liên tục mài giũa khả năng đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp, các ngành công nghiệp và các tập đoàn sẽ phải liên tục đối mặt với áp lực của quy luật chọn lọc tự nhiên và do vậy, triết lý “luôn luôn phát triển” sẽ ngày càng nắm vai trò chủ đạo. Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có được các lợi thế về tốc độ và nhạy bén cần thiết để xử lý các vấn đề đột phá và sáng tạo.
Ngược lại, các công ty lớn sẽ tồn tại bằng cách tận dụng lợi thế về quy mô để đầu tư vào hệ sinh thái các doanh nghiệp khởi nghiệp và SME thông qua việc mua lại hoặc hợp tác với những doanh nghiệp nhỏ hơn và sáng tạo hơn. Điều này cho phép họ duy trì tính tự chủ trong lĩnh vực tương ứng trong khi vẫn hoạt động hiệu quả hơn và linh hoạt hơn./.

Trang Hải

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here