Trong năm vừa qua, một sự thay đổi mạnh mẽ đã diễn ra, nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng với động lực mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2018 nhưng đã chậm lại vào nửa cuối năm 2018 và tình trạng giảm tốc này sẽ tiếp diễn trong 2 năm tới. Nhưng nền kinh tế Trung Quốc nhìn chung vẫn cho thấy sự ổn định được duy trì ở một mức độ nào đó.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 xuống còn 3,5%, so với 3,7% vào năm ngoái. Nền kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng 2,5% trong năm nay, so với 2,9% vào năm ngoái.
Đồng thời, IMF cũng hạ thấp mức tăng trưởng dự kiến ở châu Âu, Nhật Bản và các nước đang phát triển. Nhìn lại năm 2018, các sự kiện “thiên nga đen” (sự kiện được cho là không thể xảy ra nhưng trên thực tế lại xảy ra, gây ra tác động rất lớn – ND) đã thường xuyên diễn ra trên toàn thế giới. Chính sách kinh tế của các nền kinh tế chủ yếu đã thay đổi rất nhiều, giá dầu quốc tế, thị trường chứng khoán và thị trường ngoại hối biến động mạnh, đầu tư trực tiếp nước ngoài bị thu hẹp trên toàn cầu, tăng trưởng thương mại toàn cầu đang chậm lại.
Những dấu hiệu cải thiện
Có một số chỉ tiêu về kinh tế Trung Quốc cho thấy, nền kinh tế này vẫn đạt được một sự ổn định. Thứ nhất, GDP lần đầu tiên vượt ngưỡng 90.000 tỷ nhân dân tệ; thứ hai, thu nhập bình quân đầu người lần đầu tiên đạt 10.000 USD; thứ ba, kim ngạch ngoại thương lần đầu tiên vượt ngưỡng 30.000 tỷ nhân dân tệ; thứ tư, dự trữ ngoại hối vẫn ở mức trên 3.000 tỷ USD. Quả thực, những thành tựu này của Trung Quốc là nhờ rất nhiều nỗ lực. Năm 2018, GDP của Trung Quốc tăng trưởng 6,6%, nhưng cũng đã cho thấy xu hướng đi xuống theo từng quý. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn đóng góp khoảng 30% tăng trưởng GDP mới của thế giới và vẫn là một đầu tàu tăng trưởng kinh tế thực sự của thế giới.
Nền kinh tế Trung Quốc đã có những bước phát triển ổn định và có dấu hiệu cải thiện trên 5 phương diện. Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế nằm trong phạm vi hợp lý. Dự kiến GDP của Trung Quốc sẽ tăng 6,3% trong năm 2019 và tăng trên 6% trong năm 2020. Trung Quốc có khả năng sẽ hoàn tất việc xây dựng xã hội khá giả toàn diện vào năm 2020. Thứ hai, lạm phát đang ở mức ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trung bình 2,1% vào năm 2018, và mức tăng thu nhập của người dân ở thành thị cũng như nông thôn gần như nhất quán với tăng trưởng kinh tế. Thứ ba, tình hình công ăn việc làm đang trong trạng thái tốt, với 13 triệu việc làm ở thành thị được tạo ra trong 6 năm liên tiếp. Thứ tư, cán cân thanh toán quốc tế đã đạt tới trạng thái cân bằng cơ bản, thặng dư thương mại được thu hẹp lại, và không có dòng vốn quy mô lớn nào chảy ra bên ngoài. Cả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lẫn đầu tư trực tiếp ra ngoài nước của Trung Quốc đều duy trì mức tăng trưởng ổn định và tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ vẫn duy trì tương đối ổn định ở mức hợp lý và cân bằng. Thứ năm, Trung Quốc đã đạt tiến bộ tích cực trong cải cách kết cấu theo hướng trọng cung, cải thiện cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả phát triển; cơ cấu đầu tư được tối ưu hóa, với việc đầu tư vào bảo vệ môi trường và nông nghiệp lần lượt tăng 43% và 15,4% trong năm 2018; giá trị gia tăng của khu vực ba (dịch vụ hay công nghiệp dịch vụ – ND) của nền kinh tế chiếm 52,2% GDP và đóng góp 59,7% vào tăng trưởng GDP; tiêu dùng được củng cố với tư cách là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, và chi tiêu tiêu dùng cuối cùng đã đóng góp 76,2% cho GDP, cao hơn 18,6 điểm phần trăm so với năm 2017.
Trung Quốc đã đạt được tiến bộ vững chắc trong việc theo đuổi phát triển xanh, và mức tiêu thụ năng lượng trên mỗi 10.000 nhân dân tệ của GDP đã giảm 3,1% so với năm 2017.
Những thách thức mới
Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc cũng phải đối mặt với những thách thức mới. Tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm lại trong những năm tới, và các chính sách kinh tế của Mỹ, châu Âu và các nền kinh tế chủ yếu khác đầy rẫy những sự không chắc chắn. Với sự phổ biến của chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa đơn phương, hệ thống thương mại đa phương với cốt lõi là WTO cũng như sự quản trị toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có.
Trong những năm gần đây, thặng dư ngoại thương của Trung Quốc đã được thu hẹp qua từng năm. Năm 2018, thặng dư ngoại thương của Trung Quốc đã đạt mức thấp kỷ lục, chỉ với 350 tỷ USD, và sẽ tiếp tục giảm trong tương lai. Trong khi đó, mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội Trung Quốc đã chuyển thành mâu thuẫn giữa nhu cầu ngày càng gia tăng của người dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn và sự phát triển thiếu cân bằng và không tương xứng. Trong những năm gần đây, với việc chi phí lao động gia tăng và các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường được cải thiện, một số ngành công nghiệp chế tạo giá trị thấp đã bắt đầu dịch chuyển sang các nước láng giềng.
Tăng trưởng đầu tư vẫn còn yếu, và Trung Quốc khó lòng tiếp tục dựa vào việc mở rộng đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, tiêu dùng hộ gia đình không tăng mạnh. Giá nhà đất cao ở các đô thị loại I đã kìm hãm chi tiêu tiêu dùng. Tiêu dùng truyền thống, chẳng hạn như nhà ở và xe ô tô, tăng trưởng yếu ớt, trong khi tiêu dùng mới nổi, chẳng hạn như du lịch, văn hóa, thông tin, trợ cấp, y tế và tiêu dùng thể thao, lại tăng trưởng nhanh chóng nhưng chỉ góp phần nhỏ trong tổng thể. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp đã gia tăng đáng kể đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, tuy nhiên, vẫn cần có thời gian để nuôi dưỡng những động lực mới cho sự phát triển kinh tế.
Ngành công nghiệp chế tạo có quy mô lớn nhưng không vững mạnh, khoa học và công nghệ nói chung vẫn còn ở mức thấp. Trong vài năm qua, mặc dù Trung Quốc đã duy trì được điểm mấu chốt là không có rủi ro tài chính mang tính hệ thống và nhìn chung duy trì sự ổn định tài chính, nhưng vẫn không thể tránh khỏi sự xuất hiện của một số rủi ro tài chính mang tính địa phương, chẳng hạn như sự sụp đổ của các nền tảng cho vay ngang hàng (P2P), vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp và tính biến động của thị trường cổ phiếu, vốn có tác động tiêu cực tới sự phát triển của nền kinh tế thực.
Sự không chắc chắn từ bên ngoài
Vào đầu năm mới, Trung Quốc cảm nhận được sự không chắc chắn từ thế giới bên ngoài trong khi bắt đầu một đợt cải cách và đổi mới đầy mới mẻ. Có những điều kiện thuận lợi: Thứ nhất, Trung Quốc đã duy trì sự ổn định chính trị, tính liên tục và linh hoạt trong chính sách. Thứ hai, nhu cầu trong nước tương đối ổn định và thị trường là rất lớn. Cùng với thu nhập bình quân đầu người tăng lên, nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân cũng gia tăng. Thứ ba, vai trò của đổi mới trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang gia tăng, tiến bộ công nghệ và tái cơ cấu công nghiệp đang có được đà. Thứ tư, tiêu dùng đã trở thành động lực chính đối với tăng trưởng kinh tế. Thứ năm, người ta sẽ nhận thấy những lợi ích của đợt cải cách và mở cửa mới, đi vào chiều sâu.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang thực hiện những sự điều chỉnh mới. Thứ nhất là chính sách tài khóa chủ động. Trung Quốc sẽ cắt giảm thuế và phí, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng, đặc biệt là giảm chi phí hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ để họ có thể tiến hành hoạt động kinh doanh dễ dàng hơn. Đồng thời, Trung Quốc cũng tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh và giảm chi phí tổ chức.
Đến cuối năm 2018, thuế nhập khẩu của Trung Quốc đã được cắt giảm từ 9,8% xuống 7,5% và sẽ còn tiếp tục được hạ thấp trong tương lai. Trung Quốc sẽ gia tăng đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy kết nối và sự luân chuyển tự do của các yếu tố sản xuất. Do vậy, cần mở rộng việc phát hành công trái đặc biệt của chính quyền địa phương từ 1.600 tỷ nhân dân tệ lên 2.000 tỷ nhân dân tệ. Thâm hụt tài khóa có khả năng tăng từ mức 2,6% của năm 2018 lên mức 3%.
Thứ hai, Trung Quốc sẽ áp dụng chính sách tiền tệ thận trọng với mức cung tiền phù hợp, ngăn chặn những biến động mạnh trên thị trường tài chính, duy trì thanh khoản hợp lý và đầy đủ, mở ra các kênh để thực hiện chính sách tiền tệ, phát triển các thị trường vốn nhiều tầng, ngăn chặn và tháo ngòi nổ cho những rủi ro tài chính chủ yếu.
Thứ ba, các chính sách cải cách cơ cấu sẽ tập trung vào việc xây dựng và nuôi dưỡng các cơ chế hệ thống mới. Tháng 6/2018, Trung Quốc đã sửa đổi danh mục cấm đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tháng 12/2018, nước này công bố danh mục cấm đầu tư đối với các nhà đầu tư trong nước (phiên bản 2018). Kế hoạch của họ là thực hiện mô hình quản lý “danh mục toàn quốc” vào tháng 3/2019 và thực hiện đầy đủ mô hình quản lý bằng chế độ đãi ngộ quốc dân trước khi cấp phép và danh mục cấm, cần giao phó cho thị trường mọi thứ mà nó có thể làm và phát huy đầy đủ vai trò quyết định của thị trường trong việc phân bổ nguồn lực. Trong khi đó, vai trò của chính phủ cần được quản lý tốt để bù đắp cho thất bại của thị trường.
Tiếp tục ổn định trong tương lai?
Năm 2019, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh cải cách trong các lĩnh vực quan trọng, đặc biệt là trong việc cải cách quản lý các tài sản và doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Nước này sẽ tập trung vào việc duy trì và gia tăng giá trị tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Họ sẽ mở rộng phạm vi cải cách quyền sở hữu hỗn hợp, phá vỡ độc quyền và khuyến khích cạnh tranh. Vốn tư nhân sẽ từng bước đóng vai trò dẫn dắt.
Trong khi đó, Trung Quốc sẽ thiết lập hệ thống tài khóa và thuế hiện đại, làm rõ mối quan hệ giữa chính phủ và thị trường, giảm chi phí cho các hoạt động của chính phủ. Về cải cách tài chính, Trung Quốc sẽ cải thiện hiệu quả của các dịch vụ tài chính đối với nền kinh tế thực. Các thể chế tài chính lớn cần thực hiện chuyển đổi chiến lược, củng cố kiểm soát rủi ro nội bộ và cải thiện khả năng định giá rủi ro để thích ứng được với xu hướng hoạt động toàn diện của các tổ chức tài chính và gia tăng sự cởi mở về tài chính. Trung Quốc sẽ khuyến khích sự phát triển của các ngân hàng tư nhân và các tổ chức tài chính vừa và nhỏ khác.
Theo ý kiến của tác giả bài viết, nơi hứa hẹn nhất đối với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trong thập kỷ tới là khu vực nông thôn-thành thị. Trung Quốc đang từng bước thiết lập cơ chế luân chuyển hai chiều và có trật tự của các yếu tố sản xuất giữa thành thị và nông thôn, thúc đẩy sự phát triển hội nhập giữa thành thị và nông thôn, đem lại sức sống mới cho vùng nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng thành thị.
Cụ thể, Trung Quốc cần đưa cải cách hệ thống đất đai vào chiều sâu, tăng cường ứng dụng công nghệ mới và cải thiện hệ thống thị trường ở nông thôn, thúc đẩy chuyển đổi phát triển nông nghiệp từ nền kinh tế tiểu nông dựa trên hộ gia đình sang nền nông nghiệp hiện đại, và thúc đẩy phát triển đô thị hóa bằng cách nuôi dưỡng các ngành công nghiệp mới và tạo ra các cơ hội việc làm mới. Với một số lượng lớn nông dân biến thành dân thành thị, tiêu dùng của cư dân Trung Quốc có tiềm năng tăng trưởng lớn.
Nhìn vào năm 2019, quý I có thể có những khó khăn lớn, nhưng nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ ổn định vào nửa cuối năm. Dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm sẽ duy trì trong khoảng từ 6,0% đến 6,5% và mức tăng CPI sẽ vào khoảng 2,2%, 13 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra ở các đô thị, đầu tư vào tài sản cố định dự kiến sẽ tăng khoảng 6,5%, xuất nhập khẩu sẽ tăng trưởng chậm lại, và thặng dư thương mại sẽ giảm xuống còn khoảng 300 tỷ USD.
Tuy nhiên, cấu trúc thương mại của Trung Quốc có xu hướng được tối ưu hóa, và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp ngoại thương sẽ được nâng cao. Trung Quốc sẽ áp dụng chính sách tài khóa chủ động hơn, cắt giảm thuế và phí ở mức khoảng 2.000 tỷ nhân dân tệ và mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng cũng ở mức như vậy, chính sách tiền tệ sẽ có phần lỏng lẻo trong tương lai gần, cung tiền rộng M2 sẽ tăng trưởng khoảng 9,0%, các khoản vay bằng nhân dân tệ sẽ tăng khoảng 10%, và lãi suất danh nghĩa sẽ vẫn không thay đổi. Đến cuối năm 2019, tỉ giá hối đoái USD – nhân dân tệ sẽ vẫn trong phạm vi 7 nhân dân tệ/USD. Nhìn chung, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong tương lai.
Hoàng Nhật (theo Chinausfocus)