Là một thành phố cảng biển, lại được Tổ quốc giao cho sứ mệnh quản lý huyện đảo Hoàng Sa, Đà Nẵng rất hào hứng đón nhận và tích cực thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 “về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” của Ban Chấp hành Trung ương khóa X.
Có thể nói nhờ có nghị quyết của Đảng về Chiến lược biển mà suốt 10 năm qua ở Đà Nẵng, nhiều vấn đề liên quan đến Biển Đông như phát triển kinh tế biển, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo… đã có những chuyển biến rất đáng kể.
Về phát triển kinh tế biển, UBND thành phố Đà Nẵng vừa có quyết định phê duyệt đề án “Phát triển ngành kinh tế biển thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” với mục tiêu tăng trưởng dịch vụ kinh tế biển 12% – 15%.
Đề án này là sự kế thừa kết quả của 10 năm phát triển kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TW “về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Rõ ràng trong 10 năm qua, nhờ những định hướng hỗ trợ ngư nghiệp và ngư dân nêu trong Nghị quyết 09-NQ/TW, nghề cá của Đà Nẵng đã dần hồi sinh sau thảm nạn Chanchu năm 2006.
Tiếp tục vượt qua rất nhiều khó nhọc và hiểm nguy, ngư dân Đà Nẵng vẫn kiên trì trụ bám trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa, vừa lao động để mưu sinh kiếm sống vừa góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, dõi theo từng hòn đảo lớn nhỏ thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của quê nhà tạm thời chưa thể đặt chân lên đó.
Có nhiều lĩnh vực đã kịp thời hỗ trợ ngư nghiệp và ngư dân với tư cách là một bộ phận hợp thành cốt lõi của kinh tế biển, nhưng có thể nói tích cực nhất, chuyển biến rõ nét nhất là lĩnh vực khí tượng thủy văn-10 năm nay đã hình thành một tư duy báo bão khác hẳn so với khi xảy ra thảm nạn Chanchu, thời gian dự báo hiện giờ tăng lên gấp ba lần so với 10 năm trước…
Nói đến kinh tế biển, không thể không nói đến đóng góp của cảng biển. Cảng Tiên Sa được xem là cảng biển lớn nhất miền Trung hiện nay đồng thời là một mắt xích quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây kết nối 13 tỉnh/thành phố của 4 nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, có thể thấy 8 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng Tiên Sa trong năm 2017 là một con số đầy ấn tượng, mở ra triển vọng phát triển cao hơn cho các năm tiếp theo. Chính sự lớn mạnh không ngừng của cảng Tiên Sa là tiền đề quan trọng để trong buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cuối tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu là cần thiết và cấp bách.
Cảng Tiên Sa cũng góp phần phát triển du lịch biển ở Đà Nẵng. Mười năm qua, vào mùa cao điểm, cứ vài ba ngày, cảng Tiên Sa lại đón một chuyến tàu đưa hàng nghìn du khách nước ngoài đến tham quan thành phố và các di sản văn hóa ở miền Trung. Chỉ tính riêng quý 1 năm 2018, cảng Tiên Sa đã đón 50 chuyến tàu cập cảng với 56.600 lượt du khách, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm 2017.
Đương nhiên sản phẩm du lịch biển nổi tiếng nhất của Đà Nẵng vẫn là các bãi biển vừa phát huy được lợi thế thiên nhiên vừa thể hiện được tư duy quản lý vì con người.
Đáng chú ý là thời gian gần đây, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã có một số động thái hợp lòng dân, trong đó có động thái liên quan đến bãi biển: quyết liệt thu hồi đất, mở lối xuống biển cho người dân, trả lại cho người dân các bãi tắm mà trong quá trình đầu tư trước đây, một số nhà đầu tư đã hành xử không đúng, chẳng hạn như tự cho mình cái quyền bịt kín các lối đi xuống biển, thậm chí có nhiều khu du lịch còn ngang nhiên cấm người dân sử dụng bãi cát cũng như tắm biển…
Về đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, 10 năm nay, Đà Nẵng đã làm được nhiều việc. Chẳng hạn ngày 14-7-2010, tại kỳ họp thứ 16, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VII đã thông qua nghị quyết đặt tên đường Hoàng Sa và đường Trường Sa dọc theo tuyến đường ven Biển Đông. Chẳng hạn từ đầu năm 2013 đến nay đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu liên quan đến Hoàng Sa.
Chỉ tính riêng tại Bảo tàng Đà Nẵng, UBND huyện Hoàng Sa đã phối hợp với một số cơ quan, đơn vị hữu quan tổ chức các cuộc triển lãm: ngày 20-1-2013, phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng và Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng… tổ chức cuộc triển lãm Giới thiệu tư liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa được xem là đột phá khẩu trên mặt trận ngoại giao học thuật nói chung và trong “cuộc chiến bản đồ” nói riêng; ngày 29-4-2013, UBND huyện Hoàng Sa phối hợp với Sở Ngoại vụ, Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng và Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức cuộc triển lãm Hoàng Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử dành riêng cho các cơ quan ngoại giao, doanh nhân và người nước ngoài đang học tập, công tác tại Đà Nẵng; đặc biệt ngày 19-1-2014, UBND huyện Hoàng Sa phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng tổ chức cuộc triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử.
Ngày 21-6-2014, Trường Đại học Phạm Văn Đồng và Đại học Đà Nẵng cũng phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng và Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng tổ chức cuộc triển lãm Hoàng Sa-Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam.
Đặc biệt, sau khi chính thức đi vào hoạt động từ cuối tháng 3 năm nay, Nhà Trưng bày Hoàng Sa cũng vừa tổ chức triển lãm Tư liệu báo chí về Hoàng Sa nhằm giới thiệu những tư liệu báo chí quý giá về Hoàng Sa và ghi nhận những đóng góp của các cơ quan báo chí và đội ngũ phóng viên đã tác nghiệp vì chủ quyền biển, đảo.
Đương nhiên, nhìn lại 10 năm Đà Nẵng tích cực thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, chúng ta không chỉ thấy những chuyển biến đáng kể và đáng mừng về phát triển kinh tế biển và về đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, mà còn phải thấy những hạn chế, bất cập so với yêu cầu của Nghị quyết 09-NQ/TW và với đòi hỏi của thực tiễn. Chỉ nói riêng ngành du lịch thôi thì so với toàn quốc, các tỉnh duyên hải miền Trung có tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái biển với những vịnh biển, bãi biển nổi danh không chỉ trong nước.
Tuy nhiên, có thể đánh giá chung rằng 10 năm qua, tiềm năng này chưa được khai thác ngang tầm đòi hỏi của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, cụ thể là chỉ mới được khai thác trong phạm vi từng tỉnh, chưa có sự liên kết đúng mức và thực sự chân thành giữa các tỉnh duyên hải miền Trung, kể cả giữa 5 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Vì thế, tiếp cận tiềm năng du lịch sinh thái biển dọc các tỉnh duyên hải miền Trung – bao gồm cả việc đào tạo, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực – trong tư duy và nhãn quan liên kết kinh tế vùng là hết sức cấp thiết.
Thật ra đào tạo, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế biển trên địa bàn Đà Nẵng trong tư duy và nhãn quan liên kết kinh tế vùng không phải là cái gì hoàn toàn mới đối với các tỉnh duyên hải miền Trung nói chung và đối với Đà Nẵng nói riêng.
Chẳng hạn từ nhiều năm nay, Trường Đại học Thủy sản Nha Trang đã có nhiều đóng góp trong việc đào tạo cán bộ ngành thủy sản cho các tỉnh duyên hải miền Trung, trong đó có Đà Nẵng. Ngay cả lực lượng lao động lành nghề nhưng chưa qua đào tạo dài hạn đang lao động trên các phương tiện đánh bắt xa bờ của Đà Nẵng hầu hết cũng là nhân lực ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…
Có điều tất cả những thực tế ấy chưa nằm trong một giải pháp mang tính liên kết kinh tế vùng được chủ động hoạch định theo tầm nhìn chiến lược sao cho từng tỉnh duyên hải miền Trung có thể phát huy tối đa lợi thế riêng có trong quá trình phân công và hợp tác đào tạo, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế biển của tỉnh mình và của toàn khu vực.
Trong quá trình ấy, Đà Nẵng có thể làm những gì cho các tỉnh duyên hải miền Trung và ngược lại có thể thừa hưởng những gì từ các tỉnh duyên hải miền Trung? Thiết nghĩ nếu có sự hợp tác và phân công hợp lý cùng có lợi giữa các cơ sở đào tạo đang ngày càng phát triển trên địa bàn từng tỉnh sao cho “không đụng hàng” – chẳng hạn cũng là đào tạo bác sĩ nhưng Đà Nẵng sẽ “không đụng hàng” với Huế nếu chọn đi vào lĩnh vực chuyên sâu của y học biển – thì nhất định sẽ có thêm nguồn lực nhằm đáp ứng yêu cầu hết sức đa dạng về nhân lực cho các ngành kinh tế biển.
Nguồn: baodanang.vn