Xây dựng và phát triển TP Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa

0
93
Toàn cảnh Hội thảo

Ngày 22/8, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội thảo “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa”. Hội thảo tập trung vào 6 nội dung: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai Nghị quyết 32; kết quả thực hiện Nghị quyết 32; đánh giá những hạn chế, nguyên nhân; dự báo bối cảnh và thách thức; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; những đề xuất, kiến nghị.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, Hải Phòng đã đạt được thành tích nổi bật, duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế khá cao và liên tục, bình quân gần 11 %/năm, quy mô kinh tế được mở rộng, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa. Chất lượng, hiệu quả tăng trưởng kinh tế được nâng lên; năng lực cạnh tranh của thành phố và doanh nghiệp trên địa bàn được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người tăng, thu ngân sách nhà nước tăng trưởng vượt bậc.

Ngành công nghiệp phát triển đột phá, củng cố vị trí có sức cạnh tranh cao của cả nước. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 14,2 tỷ USD, gấp 15 lần so với giai đoạn 1982-2002. Hải Phòng đã chú trọng phát triển tam giác kinh tế Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh; có nhiều cố gắng để liên kết phát triển vùng… Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, Hải Phòng phát triển vẫn dưới mức tiềm năng và chưa phát huy hết vai trò trung tâm, động lực của vùng.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng Đề án tổng kết 15 năm Nghị quyết 32, nhấn mạnh: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Phòng có quyết tâm chính trị cao, có truyền thống đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, cách làm. Trung ương luôn quan tâm và xác định rõ vị trí, vai trò của Hải Phòng là một trong những trung tâm kinh tế lớn của cả nước, trọng điểm phát triển kinh tế biển.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh mục tiêu, nhiệm vụ và 5 giải pháp trọng tâm xây dựng, phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hướng tới trở thành thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại, thông minh, thịnh vượng và đáng sống trong khu vực Đông Nam Á. Cùng với đó, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét ban hành Nghị quyết mới về “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành khẳng định: Xuất phát từ vị trí, vai trò của Hải Phòng, với yêu cầu, đòi hỏi phát triển, ngày 5/8/2003, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 32-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”. Nghị quyết của Bộ Chính trị là định hướng chỉ đạo quan trọng hàng đầu để hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển thành phố qua các giai đoạn; để các bộ, ban, ngành Trung ương xem xét trong việc xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, các cơ chế chính sách phát triển của vùng và cả nước.

Tham luận tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, là một tọa độ phát triển có vị trí địa lý, kinh tế đặc biệt, Hải Phòng có vai trò chức năng là trung tâm hội nhập quốc tế và động lực phát triển kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng. Vai trò này còn được mở rộng ra cho vùng Bắc bộ, thậm chí cho toàn bộ tuyến hành lang phát triển quốc tế Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai – Côn Minh. Đặc biệt, xu hướng tiến triển ngày càng nhanh và có chất lượng của Hải Phòng trên các mặt đang tạo niềm tin ngày càng vững chắc về cách Hải Phòng phát triển để làm tròn sứ mệnh được giao.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên đánh giá, nhìn trong xu thế tổng thể và toàn cục, có cơ sở để nhận định rằng những kết quả Hải Phòng đạt được mới chỉ là bước đầu, còn cách xa kỳ vọng, còn nhiều vấn đề tồn đọng, đang đặt Hải Phòng trước những thách thức mới.

“Việc phân tích, đánh giá thực tiễn phát triển 15 năm qua của Hải Phòng theo lát cắt này là đặc biệt quan trọng. Nó không chủ đích “phê phán – phủ nhận” hay “chê bai – chỉ trích” mà giúp nhận diện các vấn đề tồn đọng, làm rõ thêm nguyên nhân và gợi ý giải pháp hành động tích cực cho giai đoạn tới”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên cho biết.

Chia sẻ về xây dựng Hải Phòng trở thành trọng điểm kinh tế của cả nước, Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo nhân dân Lương Công Nhớ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho hay, những năm gần đây Hải Phòng có sự phát triển đột biến về số lượng tàu. Tuy nhiên, việc chia nhỏ quy hoạch cảng giai đoạn đầu có ưu điểm tạo sức hút đầu tư nhưng về lâu dài tạo nên sự manh mún. Hiện, Hải Phòng có tới 44 bến cảng là quá nhiều, không phát huy được lợi thế quy mô để phát triển và hiện đại hóa cảng.

Dịch vụ logicstic đã bắt đầu phát huy vai trò của mình, tuy nhiên chưa tạo thành chuỗi khép kín và hiệu quả dịch vụ thấp. Đội tàu vận tải biển Việt Nam còn nhỏ về quy mô, tuổi tàu lớn, năng lực cạnh tranh thấp, ngay tại thị trường vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Cùng với đó, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu, mặc dù có quy hoạch Hải Phòng là trung tâm công nghiệp tàu thủy lớn của nước ta, song sau những sai lầm về đầu tư phát triển của Tập đoàn Vinashin, cơn bão khủng hoảng của các nhà máy đóng và sửa chữa tàu chưa thể khắc phục ngay…

Theo Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo nhân dân Lương Công Nhớ, từ thực trạng trên, Hải Phòng cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá khách quan, chính xác những hạn chế và đề xuất những giải pháp đúng đắn để góp phần đưa Hải Phòng phát triển đột phá về kinh tế biển, xứng tầm với tiềm năng, lợi thế vốn có của thành phố Cảng.

Nguồn: Đoàn Minh Huệ (TTXVN)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here