Cao Bằng tập trung phát triển 3 mũi nhọn kinh tế

0
81
Thác Bản Giốc.
Thác Bản Giốc.

Tỉnh Cao Bằng đang tập trung thực hiện các giải pháp phát triển du lịch, kinh tế cửa khẩu và sản xuất nông nghiệp sạch công nghệ cao nhằm đưa 3 lĩnh vực này trở thành mũi nhọn kinh tế cho địa phương.

Theo ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, tỉnh kêu gọi đầu tư các dự án du lịch gắn với giá trị sinh thái bền vững, nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch, chăn nuôi, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản; cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông… Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tỉnh sẽ tập trung cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư. Từng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Cao Bằng cam kết tận tâm, tận lực với công việc, trên tinh thần phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp.

Có thể thấy, định hướng này đã và đang chứng minh được tính hợp lý khi doanh thu từ du lịch, cửa khẩu của tỉnh không ngừng tăng lên trong thời gian qua. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư mới đây, tỉnh Cao Bằng đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 14 dự án có tổng vốn đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng; đồng thời công bố thông tin đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với 17 nhà đầu tư, với tổng vốn đầu tư lên tới 36.170 tỷ đồng.

Trong các dự án vừa được công bố, đáng chú ý nhất là dự án xây dựng đường cao tốc nối từ Trà Lĩnh (Cao Bằng) đi Đồng Đăng (Lạng Sơn) giai đoạn 1 với tổng số vốn đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng (sau giai đoạn một sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 hơn 10 nghìn tỷ đồng); dự án chăn nuôi bò sừa, chế biến sữa công nghệ cao của tập đoàn TH với vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng; dự án trung tâm logistics tại khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh 2.000 tỷ đồng của Công ty cổ phần Lavifood; dự án khu du lịch Ngườm Pục gần 600 tỷ đồng và nhiều dự án đầu tư phát triển đô thị, khách sạn, khu nghỉ dưỡng…

Về tiềm năng phát triển du lịch, Cao Bằng có núi non hùng vỹ, phong cảnh tươi đẹp, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như thác Bản Dốc, động Ngườm ngao, hang Pác Bó – suối Lên Nin, hồ Thăng Hen… và đặc biệt Cao Bằng vừa được Tổ chức giáo dục, khoa học, và văn hóa liên hợp quốc (UNESSCO) công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.

Về tiềm năng kinh tế cửa khẩu, Cao Bằng nằm sát với tỉnh Quảng Tây – một khu vực phát triển khá mạnh của Trung Quốc với quy mô dân số gần 50 triệu người. Với vùng Đông Bắc thì Cao Bằng là ngõ cụt nhưng nếu mở được cánh cửa thông thương thì Cao Bằng lại chính là cửa ngõ, là cầu nối của Việt Nam và các nước Đông Nam Á đi vào Trung Quốc. Khi mở được cánh cửa này, Cao Bằng sẽ giải được bài toán thông thương hàng hóa xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc. Nhìn xa hơn nếu kết nối tốt, Cao Bằng sẽ trở thành trung tâm vận chuyển hàng hóa từ Đông Nam Á vào Trung Quốc và ngược lại. Khi mở được cánh cửa đó, Cao Bằng sẽ thu được phí dịch vụ và tạo được rất nhiều việc làm cho người dân.

Trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, Cao Bằng có nhiều sản vật nông nghiệp phong phú với chất lượng cao được thị trường ưa chuộng như hạt dẻ Trùng Khánh, gạo nếp Xuân Trường, bí thơm Thạch An, thịt bò của người dân tộc H’Mông, lợn đen, gà xương đen Bảo Lạc… Cao Bằng là một trong những tỉnh giữ rừng và phát triển rừng tốt nhất cả nước.

Nguồn: dantocmiennui.vn

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here