Trong phiên họp thứ 9 diễn ra sáng 19/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến về quyết định việc thành lập 4 phường thuộc thị xã Sầm Sơn, đồng thời thành lập TP. Sầm Sơn trên cơ sở thị xã Sầm Sơn.
Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và thành lập TP. Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa đã nêu phương án thành lập 4 phường và TP. Sầm Sơn.
Cụ thể, thành lập phường Quảng Cư trên cơ sở toàn bộ 6,42 km2 diện tích tự nhiên và 11.403 người của xã Quảng Cư. Thành lập phường Quảng Châu trên cơ sở toàn bộ 7,99 km2 diện tích tự nhiên và 9.217 người của xã Quảng Châu. Thành lập phường Quảng Thọ trên cơ sở toàn bộ 4,69 km2 diện tích tự nhiên và 8.472 người của xã Quảng Thọ. Thành lập phường Quảng Vinh trên cơ sở toàn bộ 4,73 km2 diện tích tự nhiên và 10.300 người của xã Quảng Vinh.
Đồng thời, thành lập TP. Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa trên cơ sở toàn bộ 44,94 km2 diện tích tự nhiên, 150.902 người và 11 đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Sầm Sơn (sau khi thành lập 4 phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh).
Sau khi thành lập, TP. Sầm Sơn có 44,94 km2 diện tích tự nhiên, 150.902 người và 11 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 8 phường (Bắc Sơn, Trung Sơn, Trường Sơn, Quảng Tiến, Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh) và 3 xã (Quảng Minh, Quảng Hùng, Quảng Đại).
Như vậy sau khi thành lập 4 phường và TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa giữ nguyên số lượng đơn vị hành chính cấp huyện (27 đơn vị) và cấp xã (635 đơn vị), nhưng có chuyển 1 thị xã thành 1 thành phố (từ 1 thành phố, 2 thị xã và 24 huyện, thành 2 thành phố, 1 thị xã và 24 huyện) và chuyển 4 xã thành 4 phường (từ 30 phường, 28 thị trấn và 577 xã, thành 34 phường, 28 thị trấn và 573 xã).
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc thành lập 4 phường thuộc thị xã Sầm Sơn và TP. Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa nhằm đáp ứng quá trình đô thị hóa của thị xã Sầm Sơn, tạo động lực cho việc xây dựng thị xã phát triển toàn diện theo định hướng trở thành đô thị du lịch cấp quốc gia; đô thị tương hỗ cho TP. Thanh Hóa và Khu kinh tế Nghi Sơn; hình thành tam giác tăng trưởng TP. Thanh Hóa-Sầm Sơn-Nghi Sơn; là động lực quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thanh Hóa và có tác động đến phát triển vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.
Thảo luận về vấn đề này, các thành Ủy viên UBTVQH bày tỏ đồng tình, nhất trí cao với Tờ trình, Đề án của Chính phủ về việc thành lập 4 phường thuộc thị xã Sầm Sơn và thành lập TP. Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa, cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.
Các thành Ủy viên UBTVQH đã nêu lên nhiều ý kiến đánh giá tác động về kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh khi thành lập 4 phường nói trên và thành lập TP. Sầm Sơn, đồng thời phân tích rõ nhu cầu và các giải pháp về tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ, công chức và vốn đầu tư phát triển trên địa bàn sau khi 4 phường và thành phố được thành lập.
Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, hồ sơ về đề nghị quyết định việc thành lập 4 phường thuộc thị xã Sầm Sơn và TP. Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bảo đảm theo quy định. UBTVQH tán thành với việc đề nghị thành lập 4 phường thuộc thị xã Sầm Sơn và TP. Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa, vì việc này phù hợp với nhu cầu khách quan, quy hoạch chung đã được Chính phủ và địa phương quyết định, đáp ứng nhu cầu đô thị hóa, tạo động lực cho thị xã Sầm Sơm phát triển toàn diện,…
Kết quả, 100% thành viên UBTVQH có mặt tại phiên họp đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của UBTVQH về việc thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và thành lập TP. Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa./.
Chinhphu.vn