Báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố ngày 18/12 cảnh báo thế giới sẽ phải mất hàng thế kỷ để đạt được bình đẳng giới tại nơi làm việc, bất chấp những nỗ lực của nữ giới.
Báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 18/12 cảnh báo thế giới sẽ phải mất hàng thế kỷ để đạt được bình đẳng giới tại nơi làm việc, bất chấp những nỗ lực của nữ giới.
Báo cáo của WEF nói rằng đã có một số cải thiện về bình đẳng tiền lương trong năm 2018 so với năm 2017 – năm ghi nhận chỉ số khoảng cách tiền lương trên toàn cầu tăng lần đầu tiên trong vòng một thập niên.
Nhưng theo WEF, sự cải thiện này lại bị “san bằng” bởi tình trạng suy giảm đại diện của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, cùng với sự bất bình đẳng lớn hơn trong khả năng tiếp cận với y tế và giáo dục.
Báo cáo thường niên của WEF đã theo dõi sự chênh lệch giữa hai giới ở 149 quốc gia trên bốn lĩnh vực giáo dục, y tế, cơ hội kinh tế và chính trị. WEF cho rằng với tốc độ như hiện tại, khoảng cách giới trên toàn cầu tại tất cả lĩnh vực sẽ chỉ được san lấp trong 108 năm nữa. Trong khi đó, thế giới dự kiến sẽ mất 202 năm để thu hẹp khoảng cách giới tại nơi làm việc.
Sau nhiều năm ghi nhận tiến bộ về giáo dục, y tế và chính trị, nữ giới đã không có sự cải thiện trong cả ba lĩnh vực năm nay. Chỉ trong lĩnh vực cơ hội kinh tế, khoảng cách giới mới được thu hẹp phần nào mặc dù không quá lớn, với khoảng cách tiền lương trên toàn cầu thu hẹp xuống mức 51%.
Cũng theo số liệu của WEF, số lượng phụ nữ trong vai trò lãnh đạo đã tăng lên 34% trên toàn cầu trong năm nay.
Nhưng đồng thời, báo cáo của WEF cho thấy rằng hiện có số nữ giới tham gia lực lượng lao động đang thấp hơn nam giới. Điều này cho thấy quá trình tự động hóa có tác động khá lớn đến các công việc truyền thống của nữ giới hơn nam giới.
Ngoài ra, WEF cũng cho biết ngày càng thiếu vắng bóng dáng nữ giới trong các lĩnh vực đang phát triển đòi hỏi các kỹ năng khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).
Báo cáo đã đề cập đến vệc chỉ 22% lực lượng lao động tham gia vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) là phụ nữ, một con số đặc biệt thấp và sự chênh lệch giới trong ngành AI cũng lớn gấp ba lần so với các ngành khác.
Ngoài việc bị lao động nam giới lấn lướt về số lượng, phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực AI ít có khả năng được đề đạt lên các vị trí cấp cao hơn.
Báo cáo của WEF cũng chỉ ra tình hình bình đẳng giới ở các quốc gia và khu vực là khác nhau. Theo ước tính của báo cáo, trong khi các nước Tây Âu có thể thu hẹp khoảng cách giới trong vòng 61 năm, các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi sẽ phải mất 153 năm.
Nhìn chung, các quốc gia Bắc Âu vẫn xếp đầu bảng xếp hạng: Nam giới và nữ giới bình đẳng nhất ở Iceland, tiếp theo là Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan.
Syria, Iraq, Pakistan và cuối cùng là Yemen là những quốc gia ghi nhận mức bất bình đẳng giới cao nhất trong số các nước được khảo sát.
Còn trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Pháp được đánh giá là là quốc gia bình đẳng nhất với vị trí thứ 12 trên bảng xếp hạng toàn cầu, tiếp theo là Đức ở vị trí thứ 14, Vương quốc Anh xếp thứ 15, Canada thứ 16 và Nam Phi thứ 19.
Trong khi đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ tiếp tục ghi nhận sự suy giảm về bình đẳng giới, khi tụt hai bậc xuống vị trí thứ 51./.
(TTXVN)