Xuất khẩu trái cây: Lợi thế mong manh

0
76

Là quốc gia có thế mạnh về nông sản, nhưng hiện xuất khẩu trái cây của Việt Nam chiếm chưa đến 1% thị phần thế giới. Dù đã nỗ lực mở cửa thị trường xuất khẩu, nhưng giá trị đem lại vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Yếu về chế biến đang là “nút thắt” của ngành hàng này.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tháng 7/2018, việc Trung Quốc mở rộng diện tích thanh long khiến lượng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này dự báo sẽ chững lại. Đó có thể là lý do trong thời gian gần đây, thanh long Việt Nam gặp khó về đầu ra.

loi the mong manh
Tập trung vào chế biến để mở rộng thị phần xuất khẩu

Tham tán kinh tế thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Hồ Tỏa Cẩm cho biết, năm 2017, nước này nhập trái cây của Việt Nam với giá trị khoảng 700 triệu USD. Việt Nam hiện là nguồn cung lớn nhất của Trung Quốc về dưa hấu, vải, thanh long… Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường dễ tính đi kèm với nhiều bất ổn, chỉ cần một động thái thị trường rất nhỏ sẽ tác động rất lớn đến đầu ra của nông sản Việt Nói chung và trái cây Việt nói riêng.

Không nên “bỏ trứng vào một giỏ” là việc mà các doanh nghiệp xuất khẩu và các nhà quản lý đều tính đến. Trong thời gian qua, trái cây Việt Nam liên tiếp đón nhận tin vui từ các thị trường khó tính như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản… tuy vậy, để tăng sản lượng tại những thị trường này không hề đơn giản.

Ông Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch điều hành cấp cao CenTral Group (Thái Lan) – chia sẻ: Theo khảo sát của chúng tôi, khoảng 90% người tiêu dùng được hỏi cho rằng, vải thiều Việt Nam ngon hơn vải Thái Lan, ngoài ra còn có thanh long. Việt Nam được đánh giá cao về khả năng cung ứng nhưng hiện trái cây của Việt Nam mới chủ yếu là xuất thô. Không xây dựng được thương hiệu, không tạo sự khác biệt về sản phẩm, trái cây Việt sẽ mất dần lợi thế.

Với giá trị thị trường nhập rau, quả toàn thế giới vượt mức 200 tỷ USD/năm kể từ năm 2011, giá trị xuất khẩu rau, quả Việt Nam hiện mới chiếm chưa đến 1% thị phần là rất nhỏ. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu dưới dạng trái cây tươi nên giá trị gia tăng thấp và bị tác động bởi các rào cản kỹ thuật.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, niên vụ năm 2018, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hơn 92.000 tấn vải với trị giá đạt hơn 40,8 triệu USD, trong đó, lượng vải xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 90,7%. Như vậy, mặc dù quả vải Việt Nam đã được cấp phép sang các thị trường khó tính nhưng lượng xuất khẩu còn rất khiêm tốn.

Sự phụ thuộc của thanh long, vải vào thị trường Trung Quốc là do chưa tận dụng được cơ hội từ những thị trường khó tính. Cụ thể, tại thị trường Hoa Kỳ, hiện Việt Nam đã được phép xuất khẩu 6 loại trái cây tươi trong đó có vải thiều, nhưng Việt Nam mới xuất khẩu được khoảng 3% trong tổng lượng trái cây mà nước này phải nhập khẩu. Nguyên nhân là do chi phí vận chuyển, bảo quản, kiểm dịch, xử lý chiếu xạ… khiến sản phẩm kém cạnh tranh so với các nước có địa lý gần hơn. Do đó, muốn mở rộng thị phần xuất khẩu cần tập trung vào các sản phẩm chế biến.

Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, ảnh hưởng chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, khiến Trung Quốc sẽ tăng cường tìm kiếm thị trường xuất khẩu nông sản mới và đẩy mạnh tiêu dùng nội địa. Điều này có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu rau, quả của Việt Nam vào thị trường này. Vì thế, các doanh nghiệp cần tăng cường các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi đảm bảo chất lượng rau, quả phục vụ xuất khẩu; đồng thời chú trọng đầu tư khâu chế biến./.

Nguyễn Hạnh-Báo Công Thương-23/8/2018

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here