Công tác ngoại giao phục vụ phát triển bền vững tại địa phương và một số đề xuất đối với ngành Ngoại giao

0
247

Đắk Lắk là một tỉnh nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 13.125 km2, dân số hơn 1,8 triệu người, trong đó khoảng 33% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh có 15 đơn vị hành chính (gồm thành phố Buôn Ma Thuột là thành phố cấp I trực thuộc tỉnh, thị xã Buôn Hồ và 13 huyện); có chiều dài đường biên giới 73 km, giáp với tỉnh Mondulkiri, Campuchia. Hiện tỉnh đang tiến hành xây dựng Cửa khẩu quốc gia Đắk Ruê – Chi Miết nằm trên địa bàn xã Ea Bung – huyện Ea Súp, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 120 km về phía Tây Bắc.

Tỉnh có vị trí trung tâm và là đầu mối giao thông của cả vùng Tây Nguyên, có sân bay Buôn Ma Thuột và đường hàng không nối với các trung tâm kinh tế lớn: Đà Nẵng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế, Đắk Lắk còn có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh – quốc phòng không chỉ đối với Tây Nguyên mà còn đối với cả nước.

Về tài nguyên: tỉnh có thổ nhưỡng, khí hậu rất thích hợp cho việc trồng và chế biến các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như ca cao, tiêu, cao su, điều, đặc biệt là cà phê với diện tích lớn nhất Việt Nam và thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng thế giới. Với khí hậu mát mẻ, trong lành, nhiều thắng cảnh, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên có hệ sinh thái đa dạng và các lễ hội mang bản sắc truyền thống của đồng bào dân tộc Tây nguyên, tỉnh có tiềm năng khai thác về du lịch rất lớn. Ngoài ra, tỉnh có các lợi thế về phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản.

Đắk Lắk còn là trung tâm giáo dục của khu vực với hệ thống các trường đại học, cao đẳng phục vụ cho việc đào tạo nguồn nhân lực không chỉ cho các tỉnh Tây Nguyên mà còn cho các địa phương của khu vực Tam giác phát triển. Hiện tại, tỉnh Đắk Lắk có trường Đại học Tây Nguyên, Đại học Buôn Ma Thuột, trường Cao đẳng sư phạm, trường Cao đẳng nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên với các ngành nghề đào tạo gồm: Nông lâm, Sư phạm, Kinh tế, Y, Dược …

Trong những năm vừa qua, tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân hàng năm tăng 8%; Quy mô nền kinh tế được mở rộng, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch với tỉ trọng giảm dần trong khu vực nông nghiệp và tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp. Năm 2015, tổng sản phẩm xã hội của tỉnh đạt 41.091 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2014; thu nhập bình quân đầu người đạt 32,7 triệu đồng. Hoạt động thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển đạt kết quả khá, đặc biệt là đã tiếp cận một số nhà tài trợ có tiềm năng như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Nhật Bản, Hàn Quốc.

Các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được chú trọng và phát triển. Cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có chuyển biến tích cực. Chính trị xã hội ổn định, quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và đảm bảo tạo môi trường thuận lợi, ổn định để phát triển kinh tế-xã hội. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong thời gian qua, tình hình chính trị, an ninh, kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động nhiều chiều đến môi trường an ninh, phát triển của đất nước nói chung và công tác đối ngoại địa phương nói riêng.

Chủ động trong công tác hội nhập

Trước tình hình khó khăn của thế giới, khu vực và trong nước, tỉnh Đắk Lắk cũng gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, tỉnh đã nhận được sự chỉ đạo kịp thời, thường xuyên của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, của Cấp ủy Đảng; sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân tỉnh. Bên cạnh đó, các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã được triển khai một cách chủ động, các cơ quan chức năng của tỉnh có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tham mưu, xử lý các vấn đề nhạy cảm. Kết quả đáng chú ý là:

– Công tác hội nhập quốc tế đã từng bước tham gia vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội, góp phần đưa nền kinh tế của tỉnh tiếp tục có những bước tăng trưởng khá; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và đảm bảo môi trường thuận lợi, ổn định tạo điều kiện thuận lợi trong việc tranh thủ nguồn lực bên ngoài nhằm phục vụ công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

– Các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã được triển khai một cách chủ động. Trung bình hàng năm có khoảng 300 đoàn khách quốc tế, đoàn ngoại giao, báo chí nước ngoài đến thăm và làm việc tại tỉnh để tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh. Hoạt động ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, hoạt động đối ngoại nhân dân từng bước được chú trọng, phát huy góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh, con người, tiềm năng của vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng đến cộng đồng các quốc gia trên thế giới.

– Thông qua các hoạt động đối ngoại, đến nay tỉnh đã thu hút được 12 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 118,893 triệu USD. Tổng số dự án viện trợ phát triển chính thức (ODA) đang thực hiện có 28 chương trình, dự án với tổng vốn đầu tư 5.139 tỷ đồng. Hiện đang có 14 tổ chức, quỹ, hội đang hoạt động trên địa bàn tỉnh với 14 khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO) với tổng ngân sách cam kết toàn dự án là 3,922 triệu USD.

– Quan hệ giữa tỉnh với các địa phương nước ngoài trong thời qua tiếp tục được củng cố và phát triển, đặc biệt là quan hệ hợp tác giữa Đắk Lắk và với các nước láng giềng như: Lào, Campuchia. Đến nay tỉnh đã ký 12 thỏa thuận với các tỉnh Nam Lào, 11 thỏa thuận với tỉnh Mondulkiri, Campuchia, một bản ghi nhớ với tỉnh Jihosesky Craj, Cộng hòa Séc. Các nội dung thỏa thuận chủ yếu về lĩnh vực giáo dục, đào tạo, nông, lâm nghiệp, du lịch.

– Công tác an ninh, bảo vệ khu vực biên giới được quan tâm, công tác đối ngoại biên giới được chú trọng, công tác phân giới cắm mốc được triển khai tích cực, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đối ngoại của tỉnh cũng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như:

– Do yếu tố về địa bàn khu vực Tây Nguyên có tính đặc thù, nhạy cảm về an ninh chính trị, do đó công tác tiếp xúc, vận động viện trợ phi Chính phủ, công tác hội nhập quốc tế và ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế cũng bị ảnh hưởng. Hơn nữa, ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, thu chưa đủ chi nên phần kinh phí dành cho các hoạt động đối ngoại cũng rất hạn chế, điều này đã có phần ảnh hưởng, chưa phát huy được hết vai trò phục vụ phát triển kinh tế trong tình hình mới.

– Mặc dù, cơ sở hạ tầng cũng đã có sự đầu tư, nâng cấp, song, vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thông thương, giao lưu thương mại, hợp tác đầu tư giữa các tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Đầu tư ra nước ngoài không tăng do tiềm lực kinh tế của các doanh nghiệp trong tỉnh còn khó khăn. Công tác ngoại giao văn hóa cũng bộc lộ một số hạn chế do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan như kinh phí triển khai các hoạt động còn hạn hẹp, nội dung triển khai chưa thực sự phong phú, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác này còn thiếu. Kết quả vận động viện trợ còn hạn chế do đặc thù an ninh – chính trị, luôn phải thận trọng trong quá trình tiếp xúc, cung cấp thông tin cho các tổ chức nước ngoài. Việc khai trương cửa khẩu Đắk Ruê – Chi Miết vẫn chưa triển khai được do cơ sở hạ tầng hai bên chưa có, đặc biệt là chưa có đường giao thông từ cửa khẩu đến Trung tâm huyện Cô Nhéc, tỉnh Mondulkiri, Campuchia.

Những vấn đề trong triển khai các hoạt động đối ngoại ở địa phương

Trong quá trình triển khai các hoạt động đối ngoại ở địa phương, tỉnh Đắk Lắk nhận thấy một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến việc quản lý các hoạt động đối ngoại chưa có sự thống nhất, đặc biệt sau khi Quyết định số 272-QĐ/TWngày 21/01/2015 của Bộ Chính trị đó là: “ban hành một Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại” để điều chỉnh tất cả các hoạt động đối ngoại cho cả Đảng bộ tỉnh và Chính quyền. Việc này gây ra sự lúng túng cho các địa phương và gây khó khăn trong việc quản lý các hoạt động đối ngoại. Bên cạnh đó, Thông tư 02 của Bộ Ngoại giao có quy định các Sở Ngoại vụ phải thành lập Phòng Thanh tra để thực hiện chức năng thanh, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về đối ngoại của các cơ quan, tổ chức ở địa phương. Tuy nhiên, hiện tại việc hướng dẫn thực hiện việc này còn chưa cụ thể, hơn thế nữa quy định về các hình thức xử phạt cũng như chế tài vẫn chưa được ban hành, dẫn đến chức năng này chưa được thực hiện thống nhất ở các địa phương.

Thứ hai, việc kết nối thông tin giữa địa phương và Trung ương chưa được chặt chẽ, việc các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các sự kiện kinh tế, văn hóa có rất ít sự tham gia của các địa phương. Các địa phương chỉ nhận được thông tin mời tham dự trong thời gian rất ngắn dẫn đến bị động trong công tác chuẩn bị tham gia.

Thứ ba, về công tác đối ngoại nhân dân ở Trung ương, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao làm Trưởng ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, nhưng việc triển khai thực hiện lại do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam và cụ thể là Ban điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM). Trong khi đó Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam là một tổ chức chính trị – xã hội chuyên trách về đối ngoại nhân dân trong lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân và không có chức năng quản lý nhà nước về công tác phi chính phủ. Trong khi đó ở địa phương, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ phải được quản lý bởi các cơ quan quản lý nhà nước cụ thể là Sở Ngoại vụ và Sở Kế hoạch và Đầu tư. Hơn thế nữa, trong những năm gần đây, sự xuất hiện của các tổ chức phi chính phủ trong nước chưa được điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, các địa phương còn lúng túng trong việc quản lý hoạt động của các tổ chức này.

Thứ tư, về hội nhập quốc tế, ngày 16/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2007/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho công chức, viên chức làm công tác hội nhập quốc tế”. Tuy nhiên đến nay, các Bộ, ngành chủ trì vẫn chưa triển khai thực hiện ban hành kế hoạch đào tạo để địa phương làm cơ sở dự trù kinh phí, xây dựng kế hoạch đào tạo.

Thứ năm, về ngoại giao kinh tế, tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung là những tỉnh có những lợi thế cạnh tranh và khó khăn khác biệt với nhiều vùng miền của cả nước. Vì vậy, kết quả của việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước có xu hướng khác với các tỉnh, thành trong cả nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp của tỉnh đại đa số là nhỏ và vừa, mới chỉ tập trung chế biến thô, gia công và phục vụ thị trường nội địa, chưa có kinh nghiệm tham gia vào thị trường quốc tế. Nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh chưa được đăng ký bảo hộ thương hiệu và chỉ dẫn xuất xứ.

Nhận thức được những khó khăn trên, tỉnh đã nỗ lực chỉ đạo các cơ quan đơn vị trong việc triển khai thực hiện các hoạt động đối ngoại, tăng cường nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh về vai trò của đối ngoại trong thời kỳ mới; chủ động triển khai thực hiện cải cách hành chính, lấy Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), sự hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo hoạt động của bộ máy chính quyền. Tuy nhiên, với những khó khăn nêu trên, hoạt động đối ngoại của tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa thực sự khởi sắc, góp phần đáng kể vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Để đạt được mục tiêu ngoại giao phục vụ phát triển bền vững tại địa phương, tỉnh Đắk Lắk đề xuất những giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các hoạt động đối ngoại một cách thống nhất trên cả nước.

Hai là, thường xuyên thực hiện việc kết nối thông tin giữa Trung ương và địa phương trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại. Hỗ trợ các địa phương trong việc xây dựng Chương trình hoạt động đối ngoại một cách phong phú và cụ thể để các địa phương chủ động trong việc bảo vệ kinh phí để tham gia các sự kiến đối ngoại trong và ngoài nước.

Ba là, cần quy định thống nhất về đầu mối các cơ quan trong việc thực hiện nhiệm vụ đối ngoại nhân dân, kịp thời bổ sung các văn bản hướng dẫn việc quản lý các đối tượng, thành phần mới xuất hiện trong lĩnh vực này.

Bốn là, các Bộ, ngành Trung ương kịp thời ban hành kế hoạch đào tạo về hội nhập quốc tế để nâng cao năng lực, kiến thức và kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong lĩnh vực ngoại vụ.

Cuối cùng, liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh Đắk Lắk đề nghị các Bộ, ngành Trung ương, cụ thể là Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế xem xét có chính sách, chiến lược dành riêng cho khu vực Tây Nguyên để triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm phát huy tối đa lợi thế so sánh của khu vực.

Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here