Thủy sản Việt Nam: Vẫn bỏ ngỏ công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ

0
75
Nước mắm tăng 1.000đ/lít nhờ được bảo hộ

Thương hiệu nước mắm Cát Hải sau khi được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu (năm 2011) đã tăng giá trị lên khoảng 1.000 đ/lít. Với sản lượng mỗi năm 5 triệu lít, giá trị gia tăng mà việc bảo hộ nhãn hiệu mang lại cho nước mắm Cát Hải rất lớn. Câu chuyện về nước mắm Cát Hải cho chúng ta thấy rõ ràng lợi ích của việc bảo hộ sở hữu trí tuệ với các sản phẩm, chế phẩm từ thủy sản, nhất là đối với một đất nước có tiềm năng lớn về thủy sản như nước ta.

Không chỉ Cát Hải, có thể kể tới các thương hiệu nước mắm khác cũng nâng cao giá trị nhờ được bảo hộ nhãn hiệu như nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết… Tuy nhiên, nước ta là một nước có đường bờ biển kéo dài, nhiều hệ thống sông ngòi. Chính vì thế nên tiềm năng phát triển ngành thủy hải sản là rất lớn. Đánh giá về vấn đề này, Tiến sỹ Thái Thanh Bình, Trường Cao đẳng Kinh tế, kỹ thuật và thủy sản cho biết: Hiện nay, nước ta có hơn 620 cơ sở sản xuất thủy sản ở quy mô công nghiệp. Ngành thủy sản đã vươn lên trở thành ngành mũi nhọn trong nông nghiệp. Xuất khẩu thủy sản năm 2017 đạt 8,3 tỷ USD với nhiều mặt hàng phong phú. Tuy nhiên, các sản phẩm thủy sản được bảo hộ sở hữu trí tuệ còn rất hạn chế so với các nông sản khác. Cho đến nay, chỉ có một số sản phẩm thủy sản được bảo hộ như: Ốc hương Khánh Hòa, tu hài, sá sùng Vân Đồn, nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết, nước mắm Nha Trang, mắm tôm Hậu Lộc, chả mực Hạ Long, chả cá Thát Lát Hậu Giang, tôm khô Vĩnh Kim. Các sản phẩm được chế biến từ các loài nuôi chủ lực của Việt Nam như cá tra, tôm sú, tôm chân trắng, tôm hùm… vẫn chưa được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, việc xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam luôn bị ảnh hưởng bởi các hàng rào kỹ thuật như truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm. Nạn hàng giả ngày càng nhiều do tư thương hám lợi trà trộn hàng kém chất lượng làm giảm giá trị và uy tín của các sản phẩm…Về nguyên nhân khiến các sản phẩm thủy hải sản của Việt Nam vẫn ít được bảo hộ sở hữu trí tuệ, Tiễn sỹ Thái Thanh Bình phân tích: Các hộ sản xuất thủy sản nhỏ lẻ chưa nhận thức được đầy đủ giá trị của bảo hộ sở hữu trí tuệ, do đó chưa quan tâm đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Doanh nghiệp xuất khẩu khẩu thủy sản lớn mới chỉ tập trung xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm của doanh nghiệp, chưa quan tâm nhiều đến thương hiệu của sản phẩm quốc gia.

Hiện nay, ngành thủy sản Việt Nam đang ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất (chọn giống, công nghệ nuôi và chế biến) theo hướng công nghiệp, cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường. Người dân sẽ phải bỏ dần các thói quen và kinh nghiệm truyền thống, do đó cách tiếp cận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp cần phải xem xét lại.

Tăng cường hỗ trợ công tác bảo hộ cho thủy hải sản Việt Nam

Trong quá khứ, chúng ta đã từng chứng kiến câu chuyện nước mắm Phú Quốc bị mất thương hiệu tại nước ngoài, sau đó phải mất rất nhiều thời gian, công sức mới đòi lại được. Chính vì thế, việc bảo việc bảo hộ sở hữu trí tuệ các sản phẩm thủy sản là rất cần thiết và cấp bách.

Thực tế hiện nay, không chỉ xuất khẩu ra nước ngoài, mà người tiêu dùng trong nước cũng đòi hỏi tính thương hiệu ngày càng cao, đặc biệt là yêu cầu về bảo đảm kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trong khi hiện nay, gần 90% sản phẩm nông sản Việt Nam chưa được bảo hộ, bao gồm cả sản phẩm thủy sản xuất khẩu dưới dạng nhãn hiệu của nước ngoài. Như vậy, vừa không tạo dựng được thương hiệu riêng, lại quá lãng phí tiềm năng với một đất nước có bờ biển dài và lượng thủy sản phong phú như nước ta.

Từ thực tế này, Tiến sỹ Thái Thanh Bình đưa ra giải pháp: để ngành thủy sản nước ta phát triển bền vững và khẳng định vị thế trên thị trường thế giới, trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ, bảo hộ các sản phẩm chế biến từ thủy sản, đặc biệt là các sản phẩm quốc gia như cá tra, tôm sú và tôm chân trắng. Bên cạnh đó, cần có các dự án, mô hình mẫu về kiểm soát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp nói chung, trong lĩnh vực thủy sản được bảo hộ sở hữu trí tuệ nói riêng. Thực hiện việc này, chúng ta nên mời các tổ chức chứng nhận, tổ chức kiểm soát, tư vấn về chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản tham gia hội đồng đặt hàng dự án để đảm bảo lồng ghép các yêu cầu về vấn đề kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản trong khuôn khổ các dự án. Ngoài ra, cần nghiên cứu thực hiện xác lập nhãn hiệu chứng nhận quốc gia về vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm thủy sản xuất khẩu.

Đặc biệt, với hai mặt hàng được coi là chủ lực của thủy sản Việt Nam là tôm và cá tra, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khuyến nghị, cần xúc tiến xây dựng và phát triển thương hiệu cho 2 mặt hàng này./.

Nguyễn Duyên

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here