Kinh tế thế giới năm 2018: Tiềm ẩn những mối lo

0
84
“Ảnh minh họa”

(Hanoimoi, 29/12/2018) Sự tăng trưởng vượt bậc của kinh tế thế giới trong năm 2017 đem đến kỳ vọng về một sự bùng nổ trong năm 2018. Nhưng lần đầu tiên trong 2 năm qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu của năm nay từ 3,9% xuống còn 3,7%. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng dự đoán thương mại toàn cầu sẽ chững lại trong thời gian tới.

Theo các số liệu thì đến nay, kinh tế Mỹ vẫn phục hồi vững chắc và dự báo đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2018 (khoảng 3,1%) nhờ chính sách cắt giảm thuế phát huy hiệu quả, kích thích đầu tư. Tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát đạt kỳ vọng của chính phủ.

Trong khi đó, dù bất ổn chính trị và sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit có tác động tiêu cực nhất định, kinh tế châu Âu vẫn đạt kết quả khả quan. Tăng trưởng dự kiến đạt khoảng 2,2% năm 2018; và dự kiến có thể đạt 2% trong năm 2019.

Tuy nhiên, áp lực về giá ở khu vực này vẫn duy trì ở mức cao. Việc đàm phán về Brexit kéo dài mà không đạt được thỏa thuận nào đã gây ra ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động kinh tế toàn khối.

Ở châu Á, kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu suy giảm tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh Mỹ tiếp tục áp đặt các mức thuế thương mại mới. Hoạt động đầu tư vào các tài sản cố định của quốc gia đông dân nhất thế giới chậm lại nhiều hơn so với dự đoán, doanh số bán lẻ cũng chậm lại, phản ánh nhu cầu nội địa yếu đi và niềm tin kinh doanh sụt giảm.

Theo dự báo của IMF, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm xuống 6,6% năm 2018 và 6,4% năm 2019, tác động đến tăng trưởng của nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Về phần mình, kinh tế Nhật Bản được đánh giá vẫn tăng trưởng tích cực trong năm 2018. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại hàng hóa của nước này mở rộng do nhập khẩu dầu thô tăng, trong khi công nghiệp lại giảm.

Nổi bật hơn cả trong diễn biến kinh tế toàn cầu năm qua có lẽ là sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và những căng thẳng thương mại, đã tác động không thuận lợi đến đà phát triển và liên kết kinh tế thế giới, đặc biệt là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Vào lúc này, dù cả hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang nỗ lực tìm giải pháp cho bất đồng, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đối mặt với rủi ro và nguy cơ xáo trộn hoạt động trong thời gian tới.

Cuộc chiến này cũng khiến các thị trường tài chính chịu tác động không nhỏ. Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch ước tính tin tức về chiến tranh thương mại đã khiến chỉ số chứng khoán của Mỹ giảm 6% năm nay. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc mất khoảng 2.000 tỷ USD năm 2018. Những thiệt hại đó cũng gián tiếp khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu năm 2018 chỉ tăng 5%, dẫn tới nhiều biến động khó lường./.

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here