Tiền ảo và thực trạng quản lý tiền ảo ở một số quốc gia trên thế giới

0
144

Vài năm trước đây, tiền ảo (tiền điện tử) chỉ được biết đến và lưu hành trong các trò chơi trực tuyến. Nhưng gần đây, tiền ảo đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận của cả thế giới. Ở nhiều nơi, tiền ảo đã được chấp nhận như một phương tiện để thanh toán dịch vụ, hàng hóa. Hiện nay, tổng giá trị thị trường của hơn 1.500 loại tiền ảo đã lên tới 368 tỷ USD. Trong đó, Bitcoin là một trong những loại tiền ảo có giá trị lớn nhất trên thế giới hiện nay. Giá trị của đồng Bitcoin đã tăng mạnh so với khi mới xuất hiện vào năm 2009. Ban đầu với mức giá chưa đến 1 USD, nhưng đến tháng 4/2018, giá Bitcoin đã dao động khoảng 8.000 USD. Chính sự bùng phát của tiền ảo đã khiến chính phủ các nước ngày càng lo lắng về mức ảnh hưởng của nó, bởi tiền ảo có khả năng được sử dụng ẩn danh và là một công cụ tiềm ẩn cho việc rửa tiền. Do đó, việc tìm ra các biện pháp và quy định để quản lý loại tiền này được mọi quốc gia trên thế giới hết sức quan tâm.

  1. Khái niệm về tiền ảo

Theo Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), tiền ảo (virtual currency) là một loại tiền điện tử không được kiểm soát. Tiền ảo được phát hành và quản lý bởi những người sáng lập, được chấp nhận và sử dụng bởi các thành viên của một cộng động ảo cụ thể.

Theo Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF), tiền ảo là một đại diện số có giá trị, có thể được giao dịch kỹ thuật số và có chức năng như: (i) Một phương tiện trao đổi; (ii) Một đơn vị tài khoản; (iii) Một giá trị lưu trữ, nhưng không phải đồng tiền pháp định ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Tiền ảo không có bất kỳ thẩm quyền nào và thực hiện các chức năng trên chỉ bằng cách thỏa thuận trong cộng đồng của người sử dụng tiền ảo.

Theo nhóm nghiên cứu của IMF (2016), tiền ảo là đại diện số có giá trị do các nhà phát triển tư nhân phát hành và có đơn vị tính toán của riêng mình. Tiền ảo có thể chứa đựng, lưu trữ, truy cập và giao dịch điện tử, có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, miễn là các bên giao dịch đồng ý sử dụng chúng. Khái niệm về tiền ảo gồm một mảng rộng lớn về các loại tiền tệ, từ chứng từ nợ của các nhà phát hành, đến các loại tiền ảo được bảo đảm bằng tài sản hay vàng, và các loại tiền mã hóa (crypto-currencies) như là Bitcoin.

  1. Phân loại tiền ảo

Theo ECB, tiền ảo được phân thành 3 loại dựa theo sự tương tác với tiền thực và nền kinh tế thực: Tiền ảo lưu chuyển đóng (close – flow
virtual currency), Tiền ảo hỗn hợp (hybrid virtual currency) và Tiền ảo lưu chuyển mở (open – flow virtual currency).

FATF phân tiền ảo theo khả năng chuyển đổi sang tiền thực, do đó chia tiền ảo thành 2 loại: Tiền ảo không có khả năng chuyển đổi (nonconvertible virtual currency) và Tiền ảo có khả năng chuyển đổi (convertible virtual currency).

Theo Dong He và các cộng sự của IMF (2016), tiền ảo được phân loại dựa theo khả năng kiểm soát và được chia thành 3 loại: Tiền ảo tập trung (centralized virtual currency), Tiền ảo phân tán (decentralized virtual currency), Tiền ảo hỗn hợp (Hybid virtual currency).

  1. Những lợi ích và rủi ro khi sử dụng tiền ảo

3.1. Lợi ích

Giảm chi phí giao dịch: Do không có trung gian, các giao dịch tiền ảo hiện nay có thể thực hiện được với chi phí thấp hơn các phương thức thanh toán khác, chẳng hạn như thẻ thanh toán hoặc chuyển khoản ngân hàng.

Thời gian thực hiện giao dịch nhanh hơn: Các giao dịch tiền ảo có thể được thực hiện nhanh hơn các giao dịch tiền thật, đặc biệt là so với các giao dịch qua thẻ thanh toán hoặc chuyển khoản. Ngoài ra, các giao dịch tiền ảo có thể được gửi đi bất cứ nơi đâu trên thế giới, bất cứ thời gian nào trong ngày.

Bảo mật dữ liệu cao: Các giao dịch thanh toán tiền ảo không yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân, không giống như dữ liệu thẻ tín dụng hoặc mật khẩu đối với các phương thức thanh toán thông thường. Điều này cho phép bảo mật thông tin người dùng tránh các hoạt động ăn cắp danh tính.

Góp phần vào tăng trưởng kinh tế: So với các hệ thống thanh toán truyền thống, tiền ảo đã tạo ra loại hình doanh nghiệp mới chưa từng tồn tại. Hơn nữa, cơ hội kinh doanh tiếp tục tăng lên đối với các sàn giao dịch và trao đổi tiền ảo, do sự cần thiết phải chuyển đổi tiền ảo thành tiền thật và ngược lại.

3.2. Rủi ro

3.2.1. Rủi ro đối với người sử dụng

Không bảo vệ người mua: Khi người dùng sử dụng tiền ảo để mua hàng hóa, không thể chắc chắn rằng người bán đã gửi hàng như hóa đơn hay chưa và không thể đảo ngược giao dịch và cũng không có cách nào hủy được hay đòi quyền lợi bằng việc kiện cáo.

Người dùng có thể bị mất một khoản tiền lớn do sự giảm giá tiền ảo: Vì không được đảm bảo bằng hiện vật (như vàng hay đồng tiền chính phủ) nên giá trị của tiền ảo rất dễ biến động, không ổn định. Biên độ dao động mức giá của tiền ảo là cực lớn.

Người dùng không thể truy cập vào tài khoản tiền ảo của họ sau khi mất mật khẩu của ví điện tử: Không có tổ chức nào có thể phát hành lại mật khẩu cho người dùng và không có nhận dạng được gắn với ví điện tử, do đó không thể chứng minh ai là chủ tài khoản.

3.2.2. Rủi ro đối với hệ thống tài chính

Rủi ro tài trợ khủng bố và rửa tiền: Vì danh tính của người dùng được hoàn toàn bảo mật nên không một ai có thể kiểm soát được đồng tiền đi đâu, giá trị hàng hóa trao đổi như thế nào, do đó sẽ tăng nguy cơ lợi dụng lỗ hổng để vi phạm, trong đó không loại trừ khả năng rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Rủi ro về tội phạm tài chính: Các tội phạm giao dịch bằng tiền ảo để buôn bán các hàng hóa bất hợp pháp. Rủi ro phát sinh do người gửi và người nhận có thể thực hiện các giao dịch tiền ảo trên cơ sở ngang hàng mà không yêu cầu nhận dạng cá nhân.

3.2.3. Rủi ro đối với các cơ quan quản lý

Rủi ro danh tiếng: Khi nhà quản lý quyết định đưa ra luật pháp để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến tiền ảo, tuy nhiên cách tiếp cận quản lý được lựa chọn không thành công. Trong trường hợp, các nhà quản lý lựa chọn việc không điều chỉnh thị trường, người sử dụng tiền ảo và các bên có liên quan có thể gặp phải các rủi ro mà không được giải quyết, đôi khi những rủi ro gặp phải lại rất lớn. Cả hai trường hợp này đều có thể dẫn tới việc dân cư và các doanh nghiệp mất niềm tin vào nhà chức trách.

Rủi ro pháp lý: Cơ quan quản lý có thể bị kiện tụng do việc đưa ra các quy định cho phép thực hiện các hợp đồng mà trước đây không hợp pháp hoặc không thể thi hành được có liên quan đến việc sử dụng tiền ảo.

  1. Thực trạng sử dụng tiền ảo trên thế giới

Tiền ảo đã được giao dịch rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới, trong đó tập trung vào các khu vực phát triển như Bắc Mỹ, Đông Âu và Châu Á. Hiện nay có tất cả 1574 loại tiền ảo đang được giao dịch trên thế giới. Tổng giá trị vốn hóa thị trường của tiền ảo trên toàn thế giới đã tăng lên chóng mặt, từ mức gần bằng 0 năm 2013 đến con số hơn 300 tỷ USD (tính đến ngày 20/04/2018). Trong các loại tiền ảo, Bitcoin có giá trị vốn hóa cao nhất trên thị trường, chiếm khoảng 40% tổng giá trị vốn hóa thị trường. Đứng thứ hai là Ethereum và sau đó là Ripple.

Các loại tiền ảo có giá trị vốn hóa thị trường cao nhất:

Đơn vị: USD

TT Loại tiền ảo Tổng giá trị vốn hóa thị trường Tỷ giá so với USD
1 Bitcoin 144.763.180.070 8.521,07
2 Ethereum 58.364.914.050 589,92
3 Ripple 33.815.083.620 0,864332
4 Bitcoin cash 18.460.952.133 1.080,61
5 EOS 8.518.128.914 10,58
6 Litecoin 8.459.756.221 150,62

Hiện nay, loại tiền tệ dùng để giao dịch tiền ảo nhiều nhất là đồng Yên Nhật (chiếm 48%), đi theo sau là đồng Đô la Mỹ (36%) và đồng EUR (14%). Lượng tiền ảo được giao dịch phân theo thị trường cũng cùng xu hướng như vậy. Tiền ảo được giao dịch nhiều nhất trên các sàn giao dịch tiền ảo ở Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu.
Số lượng người sử dụng ví tiền ảo tăng một cách mạnh mẽ. Quý 1 năm 2015, mới chỉ có hơn 3 triệu người dùng. Song tới quý 1 năm 2018, con số này đã tăng khoảng 8 lần, nghĩa là ở mức gần 24 triệu người dùng.

Tiền ảo hiện nay có thể đổi ra tiền thật hoặc để mua hàng hóa, dịch vụ. Đã có nhiều công ty trên thế giới chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin. Còn để đổi ra tiền thật, theo trang coinatmradar.com số lượng ATM Bitcoin đến tháng 4/2018 là 2791 ATM, được đặt tại 68 quốc gia trên thế giới, tập trung chủ yếu ở Hoa Kỳ với hơn 2200 ATM, sau đó là ở Châu Âu và Nhật Bản.

  1. Thực trạng quản lý tiền ảo ở một số quốc gia trên thế giới

Mỗi nước có một phản ứng khác nhau trước sự phát triển của tiền ảo. Theo thống kê của trang web Coin.dance, Bitcoin và các loại tiền ảo khác không bị cấm ở 107 quốc gia trên tổng 251 quốc gia được thống kê. Tại các quốc gia như: Mỹ, Canada, Nga, Nhật Bản, Úc… các hoạt động liên quan đến tiền ảo được coi là hợp pháp. Còn ở Việt Nam, Afganistan, Bangladesh, Bolivia và một số quốc gia khác, sử dụng tiền ảo để trao đổi và thanh toán bị coi là bất hợp pháp. Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập, Ai Cập, Zambia và Indonesia đưa ra luật cấm tất cả các hoạt động liên quan tiền ảo. Dưới đây là một số quy định cụ thể của một số nước trên thế giới.

5.1. Mỹ

Cho tới thời điểm hiện nay, Mỹ là quốc gia có nhiều luật định liên quan đến tiền ảo nhất. 50 tiểu bang của Mỹ có những cách phản ứng khác nhau. California đã ban hành Bitcoin Foundation không công nhận Bitcoin là hợp pháp và ngừng mọi hoạt động giao dịch thương mại bằng loại tiền ảo này. Một số tiểu bang khác đang có kế hoạch về việc chấp thuận Bitcoin và công nghệ blockchain, trong khi một số đã chấp nhận và chuyển chúng thành luật bao gồm Arizona, Vermont và Delaware.
Ủy ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch Mỹ (SEC) đã đưa ra cảnh báo các nhà đầu tư về mức độ rủi ro của hoạt động đầu tư tiền ảo và cho rằng cần thiết phải có các quy định về tiền ảo chặt chẽ hơn.

Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) trở thành cơ quan đầu tiên của Mỹ cho phép các chứng khoán phái sinh tiền ảo được giao dịch công khai.

Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) quy định đánh thuế Bitcoin dưới danh một dạng tài sản ảo thay vì một loại tiền tệ chính thống. Bất kỳ giao dịch nào sử dụng Bitcoin sẽ bị đánh thuế dựa theo quy tắc tính thuế áp dụng với tài sản. Điều này đồng nghĩa các giao dịch liên quan đến Bitcoin phải được báo cáo đầy đủ về Sở thuế vụ, để phục vụ quản lý thuế. Người đóng thuế tại Mỹ nếu bán hàng hóa đổi lấy Bitcoin phải thêm giá trị Bitcoin nhận được vào báo cáo thuế thu nhập hàng năm. Giá trị này được tính theo tỷ giá tại thời điểm người đóng thuế nhận được tiền ảo, hay tại thời điểm in trên hóa đơn bán hàng. Nếu Bitcoin được tích trữ dưới dạng vốn (tương tự như cổ phiếu, trái phiếu và các loại tài sản đầu tư khác), người nộp thuế Mỹ phải báo cáo đầy đủ lãi lỗ. Nếu đầu tư có lãi, thuế sẽ được thu tương tự như thu nhập đến từ cổ phiếu, trái phiếu và các loại tài sản đầu tư khác. Người “đào” Bitcoin cũng là đối tượng phải đóng thuế. Những cá nhân thực hiện việc “đào” Bitcoin tại Mỹ sẽ phải đóng thuế cho khoản giá trị Bitcoin “đào” được, nộp vào khoản thuế thu nhập cá nhân hàng năm. Giá trị Bitcoin được tính theo tỷ giá thị trường ngày “đào” được. Thù lao, lương thưởng trả dưới dạng Bitcoin cũng sẽ được tính thuế, tương tự với Bitcoin được sử dụng trong quá trình chi trả, thanh toán bằng Bitcoin. Người nộp thuế không thực hiện những nghĩa vụ thuế với Bitcoin sẽ bị xử phạt theo luật định Mỹ. Sở thuế vụ Mỹ yêu cầu các giao dịch liên quan đến Bitcoin phải được ghi sổ sách để phục vụ quản lý thuế.

5.2. Nhật Bản

Nhật Bản là nước rất chủ động trong các quy định về tiền ảo. Nhật Bản đã ban hành một đạo luật cho phép Bitcoin và các loại tiền ảo khác được công nhận là một trong những phương thức thanh toán chính thức có hiệu lực ở nước này, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/04/2017. Ngày 30/09/2017, Cơ quan Quản lý Tài chính (FSA) của Nhật Bản đã cấp giấy phép hoạt động cho 11 sàn giao dịch tiền ảo đầu tiên và bắt buộc tất cả các sàn giao dịch tiền ảo phải đăng ký với cơ quan này.
Kể từ ngày 01/07/2017, việc kinh doanh tiền ảo ở Nhật không phải chịu thuế. Trong tháng 9 và tháng 12/2017, cơ quan Thuế quốc gia Nhật Bản đưa ra quan điểm về tình trạng đánh thuế của các nhà đầu tư tiền ảo: lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tiền ảo phải chịu thuế thu nhập. Lợi nhuận này được tính bằng cách sử dụng “tổng hợp thuế”, nghĩa là lợi nhuận thu được từ tiền ảo được tổng hợp cùng với các khoản thu nhập khác như lương hoặc thu nhập từ kinh doanh, sau đó đánh thuế từ 5% đến 45%. Nhưng đến nay, Nhật Bản vẫn chưa có Luật chính thức liên quan đến việc đánh thuế này.

5.3. Trung Quốc

Trước đây, Trung Quốc từng có thời điểm chiếm 90% khối lượng giao dịch Bitcoin toàn cầu. Nhưng kể từ sau các biện pháp cấm triệt để của nhà nước, các nhà giao dịch tiền ảo ở Trung Quốc đã chuyển sang giao dịch ngầm hoặc mua bán ở thị trường nước ngoài như Nhật Bản.

Ngày 04/09/2017, Trung Quốc đã cấm tất cả các công ty và cá nhân huy động vốn thông qua các hoạt động ICO và ICO được xem là hoạt động bất hợp pháp trong nước. Ngày 5/2/2018, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố tất cả truy cập của người dân nước này vào các dịch vụ liên quan đến tiền ảo trong nước và nước ngoài sẽ bị chặn. Việc này được thực hiện bởi Great Firewall mà nước này vẫn sử dụng để ngăn chặn các trang web nước ngoài không mong muốn.

  1. Khuyến nghị cho Việt Nam

Tại Việt Nam hiện nay, việc sử dụng tiền ảo bị coi là bất hợp pháp. Tuy không cấm triệt để như Trung Quốc, nhưng chính phủ đã có những quy định xử phạt các hoạt động liên quan đến việc sử dụng, phát hành tiền ảo.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2014 về thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2014 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Sau khi đối chiếu các quy định của pháp luật hiện hành, NHNN khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng tiền làm phương tiện thanh toán là hành vi vi phạm pháp luật. Về biện pháp xử lý, theo quy định tại Nghị định số 96/2014 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả tiền ảo) sẽ bị xử phạt hành chính từ 150 đến 200 triệu đồng. Từ năm 2018, những hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả tiền ảo) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Có thể thấy, hệ thống tài chính – ngân hàng của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ nhưng chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro có thể xảy ra đổ vỡ. Thêm vào đó, các yếu tố khác như cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin… vẫn còn nhiều vấn đề, chưa bắt kịp với thế giới. Vì vậy, việc chấp nhận hoàn toàn đồng tiền ảo như một số nước phát triển trong giai đoạn này đối với Việt Nam có thể là chưa phù hợp. Tuy nhiên, theo tác giả, cũng không nên cứng nhắc ngăn cấm bằng biện pháp hành chính như hiện tại, hoặc cấm triệt để như Trung Quốc. Việc tiền ảo nên được cho phép sử dụng nhưng cần được quản lý chặt chẽ trên các nội dung như sau:

– Các công ty và tổ chức tài chính hoạt động trong lĩnh vực trao đổi, giao dịch tiền ảo cần đăng kí hoạt động với các cơ quan chức năng.

– Cần có những quy định riêng biệt và hạn mức sử dụng đối với các loại tiền ảo.

– Có quy định về thuế cụ thể với các hoạt động liên quan đến tiền ảo./.

Hoàng Thị Tâm

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here